Sáng 9/6, Sở Y tế phối hợp với Viettel Hà Nam tổ chức hội nghị giới thiệu giải pháp chuyển đổi số y tế. Dự hội nghị có đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin – Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo Sở Y tế, trưởng các phòng thuộc Sở; lãnh đạo và cán bộ phụ trách công nghệ thông tin (CNTT) các đơn vị trực thuộc Sở Y tế; lãnh đạo Trung tâm Y tế số Viettel, Viettel Hà Nam và cán bộ liên quan.
Tại hội nghị, đại diện phòng chuyên môn của Sở Y tế đã thông tin đến các đại biểu về hiện trạng chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong ngành y tế: hạ tầng, nền tảng kỹ thuật CNTT, triển khai Chính phủ điện tử, việc ban hành các văn bản về chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong ngành; những khó khăn, tồn tại của ngành trong thực hiện chuyển đổi số; đề xuất nhiệm vụ trong thời gian tới…
Đại diện Trung tâm Y tế số Viettel đã báo cáo chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế với các nội dung: bối cảnh – dịch chuyển; định hướng, mục tiêu; quy hoạch; giải pháp; đề xuất. Trong đó, nhấn mạnh đại dịch Covid-19 góp phần thúc đẩy chuyển đổi số; nhu cầu dịch vụ y tế rất lớn. Y tế là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số quốc gia.
Mục tiêu của chuyển đổi số giúp người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi. Bệnh viện, bác sỹ có thông tin toàn diện về tiền sử bệnh của bệnh nhân; tham khảo, chia sẻ kết quả xét nghiệm, chẩn đoán; hỗ trợ hội chẩn từ xa liên viện, liên khoa. Quản lý, lãnh đạo ra quyết định kịp thời về giám sát hoạt động và dịch bệnh theo thời gian thực, cải cách thủ tục hành chính, triển khai các dịch vụ y tế mới cho cộng đồng.
Tại hội nghị, Trung tâm Y tế số Viettel đã giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số y tế. Đó là cần xây dựng mô hình hệ thống y tế tập trung; ứng dụng phần mềm HIS (chữ ký số, thẻ khám chữa bệnh thông minh), LIS (hệ thống thông tin xét nghiệm), PACS (chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, EMR (bệnh án điện tử) để xây dựng trục tích hợp bệnh viện. Các giải pháp cần quan tâm để thay đổi môi trường làm việc trong ngành y tế khi chuyển đổi số là hành lang pháp lý như thế nào, gồm những gì, lộ trình triển khai như thế nào, thay đổi thế nào, lợi ích gì, giá cả bao nhiêu; vấn đề bảo mật, an toàn, an ninh thông tin.
Lộ trình triển khai chuyển đổi số tại cơ sở y tế gồm 5 bước: đầu tư hạ tầng (mạng, máy chủ, máy tính, an toàn, bảo mật, con người…) - xây dựng quy trình – tối ưu hóa quy trình – tự động hóa quy trình – bệnh viện thông minh (quy trình tự động, quản lý thông minh, môi trường số)…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Dưỡng nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra những thay đổi cốt lõi cho ngành y tế về cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ các cơ quan quản lý, hướng đến cách thức quản lý công việc và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số và dữ liệu lớn. Tác động trực tiếp đến các đối tượng và cách thức cung cấp dịch vụ của ngành y tế.
Đồng chí cũng ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động của ngành y tế trong ứng dụng CNTT, song chưa bảo đảm tính đồng bộ. Để thực hiện tốt chuyển đổi số, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số. Rà soát lại các phần mềm đã triển khai để tích hợp các phần mềm mới, tránh lãng phí cũng như các thủ tục hành chính. Phối hợp với Viettel Hà Nam để thực hiện các nội dung theo lộ trình một cách phù hợp. Ngành y tế phải tập trung sớm thực hiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách hiệu quả, kịp thời.
Đồng chí cũng đề nghị Sở Thông tin-Truyền thông tham mưu với tỉnh về đề án, trình tự thủ tục, quản lý nhà nước về công tác chuyển đổi số của tỉnh để có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể với từng ngành.
Hải Yến