Sáng 20/6, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Hội nghị trực tuyến về công tác y tế và phòng, chống dịch Covid-19 được tổ chức với 63 điểm cầu trong cả nước.
Cùng dự có các đồng chí: Thứ trưởng phụ trách Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu tỉnh Hà Nam, dự hội nghị có các đồng chí: Trần Thị Ngân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cùng các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc đã được kiểm soát tốt, số ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng giảm nhiều. Tuy nhiên, kết quả này tạo tâm lý chủ quan trong nhân dân, người dân có biểu hiện không muốn tiêm vaccine, làm cho tiến độ tiêm vaccine Covid-19 bị chậm lại.
Phó Thủ tướng yêu cầu tại hội nghị này, Bộ Y tế có trách nhiệm làm rõ, báo cáo chính xác, giải thích cụ thể một số nội dung: Làm sao để hoàn thành công tác tiêm vaccine Covid-19, vì sao phải tiêm, tiêm bao nhiêu mũi thì đủ đối với những người trong độ tuổi tiêm? Vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế đang làm nóng dư luận thời gian qua, Bộ cần báo cáo cụ thể vì sao lại thiếu, thiếu đến đâu, có thiếu thật không? Bộ cùng với các địa phương trong hội nghị cần thảo luận, thống nhất các biện pháp, các quy định chống dịch trong tình hình mới, làm sao cho phù hợp với tình hình thực tế, dựa trên các hướng dẫn mới của Bộ Y tế, các địa phương sẽ tổ chức triển khai các công tác tiêm vacine như thế nào?…
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu và tại Việt Nam, nhận định theo tổ chức Y tế thế giới, dịch bệnh vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới có thể làm cho dịch bệnh trở nên phức tạp và tăng trở lại. Số ca mắc trong nước thời gian qua có xu hướng giảm nhưng số ca mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại những ngày qua ở một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Đà Nẵng. Các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, chân tay miệng có xu hướng tăng do đang bắt đầu vào đợt cao điểm mùa dịch; không ghi nhận ổ dịch tập trung đối với các dịch bệnh như sởi, sốt rét…
Hiện nay, tốc độ tiêm vaccine Covid-19 còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi. Tại Trung ương và các địa phương có tình trạng tồn đọng nhiều vaccine dẫn đến nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ. Cả nước hiện có 10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 cao, 10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 thấp. Đối với những khó khăn, vướng mắc về công tác quản lý dược, vật tư, trang thiết bị y tế, toàn quốc vẫn còn 10 địa phương gặp khó. Một số cơ sở y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra của một số địa phương, đơn vị; Khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc mua sắm tập trung quốc gia dẫn tới việc các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm. Nhiều địa phương, cơ sở y tế còn bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật trong việc xây dựng kế hoạch mua sắm…
Hội nghị đã tập trung thảo luận nhiều nội dung tập trung vào hai nhóm vấn đề chính: Thứ nhất, việc tổ chức triển khai tiêm vaccine Covid-19 như thế nào, vướng mắc tại đâu? Vì sao tâm lý người dân lại thờ ơ với việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4. Thứ hai, vấn đề thiếu vật tư y tế, thuốc ở các cơ sở khám chữa bệnh như thế nào, các địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình cũng như những hướng dẫn cụ thể từ Bộ Y tế trong xử lý những vấn đề tồn tại…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Dịch đã kiểm soát được, nhưng chưa hết, vẫn phải thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19 và đẩy nhanh phục hồi kinh tế. Để khống chế được dịch một cách căn bản, giải pháp tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ cho người dân là quan trọng. Ngành y tế cần giải thích mọi vấn đề liên quan đến vaccine có căn cứ khoa học để dân hiểu, giảm bớt lo lắng, phân vân của người dân.
Vai trò của công tác truyền thông trong tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng cần phát huy. Bộ Y tế cử các chuyên gia, những người có uy tín, trách nhiệm và năng lực chuyên môn về vấn đề vaccine phối hợp với báo chí để tuyên truyền chiến dịch tiêm vaccine hiệu quả hơn. Đồng thời, cán bộ, đảng viên trong ngành phải tiên phong, gương mẫu thực hiện tiêm phòng.
Các bộ, ngành, các địa phương phải xây dựng chế tài xử lý nghiêm những vi phạm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động khi không thực hiện các quy định tiêm phòng. Bộ Y tế trong thời gian một tuần, phải rà soát các văn bản quy định để thống nhất xây dựng quy định mới phù hợp với tình hình…
Giang Nam