Khoảng 10h5 phút sáng 14/2, Khoa Hồi sức-Cấp cứu nhi, Bệnh viện Sản-Nhi Hà Nam tiếp nhận một bệnh nhi 8 tuổi đang điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp cùng bệnh viện chuyển sang với những triệu chứng điển hình của sốc phản vệ: trẻ trong tình trạng khó thở, tức ngực, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, toàn thân phát ban, da lạnh.
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng (người đeo ống nghe) cùng các y, bác sỹ Khoa Hồi sức - Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh đang cấp cứu cho bệnh nhi bị sốc phản vệ.
Bệnh nhi nhà ở xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý, đã điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp bệnh viêm phế quản được 3 ngày. Bệnh nhân đã được điều trị thuốc trong những ngày này nhưng mấy ngày sau mới xảy ra triệu chứng phản vệ.
Ngay sau đó bệnh nhân đã được tiêm thuốc chống phản vệ trước khi chuyển sang Khoa Hồi sức - Cấp cứu nhi. Tại đây các y, bác sỹ đã tiến hành cấp cứu phản vệ mức độ 3 (mức độ cao nhất). Sau cấp cứu 15 phút trẻ tỉnh hơn, mạch bắt được, thông khí phổi hai bên đều, SP02 đạt 98%(chỉ số đo bão hòa ô xi trong máu, thể hiện bệnh nhân đã tự thở được). Sau đó bệnh nhân tiếp tục được theo dõi chặt chẽ các chỉ số sinh tồn. 15 phút tiếp theo trẻ tỉnh hơn, nhận thức được, da đỡ lạnh, bắt được mạch quay, huyết áp ổn định, ban dị ứng toàn thân đã có phần thuyên giảm. Hiện bệnh nhân đã ổn định.
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Dũng-Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu nhi, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, phản vệ là những ca phức tạp, trước đây tỷ lệ tử vong rất cao. Tuy nhiên với sự nỗ lực nâng cao nghiệp vụ, nhất là sau khi triển khai Thông tư 51/2017/TT-BYT hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ, bác sỹ và nhân viên y tế trong khoa cũng như bệnh viện đã nắm chắc phương pháp cấp cứu, cứu bệnh nhân khỏi cửa tử.
Bác sỹ Dũng cũng cho biết phản vệ có thể xảy ra ngay sau khi tiếp xúc, cũng có thể xảy ra muộn(như trường hợp bệnh nhi này mấy ngày sau khi tiêm thuốc mới xảy ra phản vệ). Nếu không có chuyên môn sẽ không phát hiện, chẩn đoán, xứ trí kịp thời và bệnh nhân rất dễ tử vong. Vì thế khi bị ốm người dân nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, có vấn đề gì xảy ra sẽ được các bác sỹ cấp cứu kịp thời, tránh tình trạng nhiều người dân khi ốm tự điều trị ở nhà, rất nguy hiểm. Ngoài ra với những người có tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn,…phải hết sức chú ý.
Đỗ Hồng
Đỗ Hồng