Lý Nhân thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp

Từ đầu nhiệm kỳ (2021 - 2026) đến nay, Thường trực và các ban HĐND huyện Lý Nhân đã thực hiện 09 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó chú trọng giám sát kết quả triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Qua giám sát cho thấy, việc thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp của huyện những năm qua đã đạt được một số kết quả tích cực. Về xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đến hết năm 2021, toàn huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó 05 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Xuân Khê, Nhân Bình, Nhân Chính, Đức Lý, Hợp Lý).

Thực hiện Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025, các xã đã tập trung triển khai rà soát, đánh giá thực trạng; xây dựng kế hoạch, lộ trình duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí và đăng ký triển khai thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thời gian tới. Năm 2022, có 02 xã (Chính Lý, Trần Hưng Đạo) đang hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu và hồ sơ trình UBND huyện thẩm định đạt chuẩn NTM nâng cao và năm 2023 có 03 xã (Tiến Thắng, Nguyên Lý, Công Lý) đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao. Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, an ninh - quốc phòng được giữ vững, đời sống nhân dân tiếp tục nâng lên; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm sau cao hơn năm trước (năm 2022 đạt 64,2 triệu đồng/người/năm).

Lý Nhân thực hiện tốt cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới phát triển nông nghiệp
Nhờ sự đồng thuận của người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, đường làng, ngõ xóm Xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân) ngày càng khang trang, sạch, đẹp. Ảnh: Trần Ích

Để đạt được kết quả đó, những năm qua, huyện Lý Nhân đã nhận được các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ xây dựng NTM. Theo đó, năm 2020 huyện đã huy động nguồn lực cho xây dựng NTM được 174.750 triệu đồng; năm 2021 huy động được 170.300 triệu đồng và năm 2022 huy động được 183.700 triệu đồng. Sau khi tiếp nhận nguồn hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, UBND huyện đã hỗ trợ các xã theo quy định trên cơ sở nhu cầu của các hộ và đăng ký của từng xã, bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích, hiệu quả. Về cơ bản các xã đã thực hiện bảo đảm thời gian, chất lượng các dự án.

Về phát triển nông nghiệp, trên địa bàn có 02 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 204,18 ha tại các xã Nhân Bình, Xuân Khê, Nhân Khang. Các doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống nhà kính, nhà lưới và tổ chức sản xuất ngoài trời trồng rau, củ, dưa lưới; sản xuất hạt giống rau, củ quả các loại... Cùng với đó, đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ dân phát triển được 15 mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất với diện tích 59,8 ha; thành lập 32 HTX kiểu mới trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trong đó có 02 HTX (HTX Dịch vụ Đức Huy, HTX Nông sản sạch Bảo An) tham gia thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp sạch làm vệ tinh, liên kết chuỗi được hỗ trợ về hạ tầng (nhà lưới, nhà kính, nhà sơ chế,...), khoa học và công nghệ (tưới nhỏ giọt, chứng nhận VietGAP,...).

Triển khai hiệu quả các chính sách về nông nghiệp của tỉnh qua các chương trình, dự án, như: Đề án Ứng dụng cây trồng mới (117 mô hình giống cây trồng mới với tổng diện tích 2.224 ha), cánh đồng mẫu (duy trì 03 cánh đồng trên 30 ha, 13 cánh đồng dưới 30 ha), đàn bò sữa (18 hộ với 475 con), đàn lợn nái (58 hộ với 544 con), mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” (6 mô hình),... Hằng năm xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện quản lý và bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí thực hiện các mô hình tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến (canh tác lúa cải tiến qua việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Quế Lâm 06), kiên cố hóa hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất; nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp với 100% diện tích được làm đất bằng máy; 98% diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt, 16% diện tích áp dụng cơ giới hóa trong gieo trồng (máy cấy, gieo sạ bằng công cụ sạ hàng)... Nguồn kinh phí thực hiện cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp từ năm 2020 đến 2022: Giống cây trồng mới 2.367,48 triệu đồng; mô hình phân bón vi sinh 5.583,375 triệu đồng; đàn lợn nái 2.305,768 triệu đồng, cơ giới hóa 320 triệu đồng (máy làm đất 160 triệu đồng, máy gặt 160 triệu đồng) và chương trình mỗi xã một sản phẩm 190 triệu đồng,…

Với những kết quả đạt được cho thấy, các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích người dân đầu tư vào phát triển sản xuất; từng bước thay đổi các tổ chức sản xuất từ hình thức sản xuất chủ yếu theo nông hộ nhỏ lẻ, tự phát sang hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi liên kết và hướng đến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, sản phẩm sạch, chất lượng cao; xây dựng được sự liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản; hình thành các vệ tinh liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Thông qua giám sát, Thường trực HĐND huyện Lý Nhân đề xuất tỉnh và các ngành chức năng tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương trong thực hiện xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp. Cụ thể, đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn có văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đối với các nội dung, như hỗ trợ về: sản xuất trồng trọt an toàn; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; phát triển sản xuất nông nghiệp và các vùng chuyển đổi đất lúa sang cây trồng có giá trị cao; công tác phòng, chống dịch hại cây trồng; cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò thịt và hỗ trợ về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cũng đề nghị tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp: phòng trừ dịch hại (thuốc diệt chuột, xử lý hạt giống,...), chương trình OCOP, cây vụ đông trên đất 2 lúa, các vùng chuyển đổi đất lúa sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, liên kết và tiêu thụ nông sản, dự án trong chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi trồng thủy sản...

Đức Anh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy