Thời gian qua, các xã của huyện Lý Nhân tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp khá nhiều khó khăn với tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (tiêu chí 13). Đây là tiêu chí đòi hỏi nỗ lực rất lớn của địa phương và cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng.
Tìm hiểu tại Chính Lý, địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng NTM nâng cao năm 2022, với tiêu chí 13 mới đạt 2/8 chỉ tiêu. Những chỉ tiêu chưa đạt: Có sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn; ứng dụng chuyển đổi công nghệ số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã; tỷ lệ sản phẩm chủ lực của xã được bán qua kênh thương mại điện tử; vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực của xã được cấp mã vùng; có mô hình phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị (kinh tế, văn hóa, môi trường).
Thực tế cho thấy, các sản phẩm sản xuất tại các địa phương còn nhỏ lẻ. Do vậy, sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP chưa nhiều. Trên địa bàn có duy nhất sản phẩm bưởi được trồng tập trung, đạt tiêu chuẩn VietGAP; Tuy nhiên, về mẫu mã, bao bì sản phẩm chưa được hoàn thiện, tính cạnh tranh chưa cao; công tác quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm còn hạn chế. Chính Lý chưa có nhiều hình thức tổ chức kinh tế tham gia vào chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ… Với chỉ tiêu có triển khai quảng bá hình ảnh điểm du lịch của xã thông qua ứng dụng internet, mạng xã hội tại Chính Lý đang gặp khó khăn do chưa có điểm du lịch có thể thu hút du khách.
Để thực hiện tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, UBND xã Chính Lý đang tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp và triển khai sản xuất; rà soát những vùng đất lúa không chủ động nước chuyển sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao; triển khai quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung theo hướng gia trại, trang trại khép kín, ứng dụng công nghệ cao. Xã hướng đến phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với chỉnh trang môi trường sống theo tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả...
Ông Hoàng Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Chính Lý cho biết: Địa phương đang cố gắng phấn đấu để hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, trong đó có tiêu chí 13. Tuy nhiên, với một số chỉ tiêu của tiêu chí 13 cần phải có thời gian thực hiện, nhất là sự hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng…
Với các địa phương của huyện Lý Nhân, việc thực hiện tiêu chí 13 cũng đang gặp khó khăn. Tại 5 xã NTM kiểu mẫu của huyện (gồm: Xuân Khê, Nhân Bình, Nhân Chính, Đức Lý, Hợp Lý) còn khá nhiều các chỉ tiêu trong tiêu chí 13 chưa đạt. Như xã Xuân Khê còn 5/8 chỉ tiêu chưa đạt, xã Nhân Chính còn 6/8 chỉ tiêu chưa đạt… Xã Trần Hưng Đạo đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2022 cũng còn 5 chỉ tiêu của tiêu chí 13 chưa đạt; đối với chỉ tiêu số 2 có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn, địa phương đã lựa chọn sản phẩm đặc trưng hạt sen sấy để xây dựng ý tưởng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại ngành chức năng chưa triển khai cụ thể…
Theo đồng chí Đỗ Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM Xã Trần Hưng Đạo, Tiêu chí số 13 rất khó hoàn thành toàn bộ trong thời gian ngắn. Địa phương đang tích cực triển khai xây dựng, tổ chức thực hiện đối với các chỉ tiêu, tiêu chí trong khả năng phấn đấu được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao theo mục tiêu đề ra.
Từ thực tế cho thấy, việc thực hiện tiêu chí số 13 của các địa phương trong huyện chủ yếu đáp ứng được chỉ tiêu số 1 về HTX hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị. Cụ thể, tại xã Chính Lý, cùng với HTX Nông nghiệp, trên địa bàn đã thành lập được HTX bưởi hữu cơ Chính Lý, tập hợp các thành viên và thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm bưởi cho các đại lý thu mua.
Tại Xã Trần Hưng Đạo, các HTX Nông nghiệp trên địa bàn đều hoạt động có hiệu quả, hỗ trợ tốt sản xuất. Trong đó, HTX Nông nghiệp Nhân Đạo đã tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột xuất khẩu của người dân với doanh nghiệp chế biến… Nhiều xã cũng đã thực hiện được chỉ tiêu số 3 về có mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, hoặc mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa các khâu, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm. Riêng cơ giới hóa, đang được các địa phương trong huyện đẩy mạnh. Trong đó, cơ giới hóa 100% khâu làm đất, bơm nước bằng máy; thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 90%. Hiện, khâu gieo cấy, phun phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bằng máy cũng đang được các địa phương mở rộng.
Bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân cho biết: Để thực hiện tốt tiêu chí 13 trong xây dựng NTM, cùng với sự cố gắng của địa phương, các cấp, ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa. Đặc biệt, có sự hỗ trợ những nội dung về xây dựng sản phẩm OCOP, ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực, quảng bá hình ảnh điểm du lịch của xã thông qua ứng dụng internet, mạng xã hội…
Hiện nay, huyện Lý Nhân đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Năm 2022, huyện có 2 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, phấn đấu năm 2023 có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Do vậy, giải quyết khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu trong tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn giúp các địa phương trong huyện đạt được mục tiêu đặt ra trong xây dựng NTM.
Mạnh Hùng