Cải cách hành chính trong xây dựng nông thôn mới ở Kim Bảng

Là một trong những huyện có thành tích nổi bật trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, huyện Kim Bảng luôn chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), trong đó tập trung nâng cao chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm tại bộ phận “một cửa”.

Cán bộ bộ phận “một cửa” xã Thanh Sơn (Kim Bảng) hướng dẫn người dân làm TTHC. Ảnh: Hương Lê

Với quyết tâm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, bên cạnh đầu tư sửa chữa nâng cấp nơi làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) tại các xã, thị trấn, thực hiện hiện đại hóa nền hành chính công, năm 2018, UBND huyện đã triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát tại Phòng tiếp dân và bộ phận “một cửa” của tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. Qua đó, phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân và giải quyết TTHC; là công cụ để kiểm tra, giám sát đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn.

Ông Đinh Văn Vũ, Chánh Thanh tra huyện Kim Bảng cho biết: Để quản lý, sử dụng có hiệu quả hệ thống camera giám sát, UBND huyện đã giao việc quản lý chung đối với hệ thống camera giám sát Phòng tiếp công dân của UBND xã, thị trấn cho Thanh tra huyện; hệ thống camera giám sát Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả của các xã, thị trấn cho Văn phòng HĐND-UBND huyện. 

Định kỳ ngày 25 hàng tháng, UBND các xã, thị trấn, Thanh tra, Văn phòng HĐND-UBND huyện tổng hợp báo cáo UBND huyện về tình hình quản lý, sử dụng hệ thống và kết quả thông tin thu được qua hệ thống camera giám sát được giao quản lý. Nhờ đó, công tác theo dõi, giám sát được thực hiện chặt chẽ hơn, giúp cơ quan quản lý kịp thời chấn chỉnh những vướng mắc, tồn tại từ cơ sở, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong công tác tiếp công dân, giải quyết TTHC.

Từ đầu năm đến nay, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện, các xã, thị trấn đã tiếp nhận 14.528 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt 99,9%, số còn lại đang tiếp tục được giải quyết và liên thông với các sở, ngành của tỉnh để giải quyết đúng hạn cho người dân. Nhiều TTHC được giải quyết ngay trong ngày, trên 95% đều đánh giá hài lòng với thái độ làm việc, tinh thần trách nhiệm của CBCC làm tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các xã, thị trấn. 

Trang thiết bị, cơ sở vật chất tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện được đầu tư mới hoặc cải tạo, nâng cấp khang trang, hiện đại, trong đó nhiều xã mở rộng diện tích nơi làm việc theo đúng quy định. 100% các xã được trang bị đầy đủ máy tính có kết nối Internet và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc.

Được công nhận là xã đạt chuẩn NTM từ năm 2014, đến nay, xã Thanh Sơn tiếp tục giữ vững và nâng cấp nhiều chỉ tiêu, tiêu chí để xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Ông Nguyễn Xuân Điệp, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: Song song với việc tập trung nguồn lực nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM, UBND xã luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là CCHC để phục vụ người dân tốt hơn. 

Theo đó, tạo điều kiện thuận lợi để CBCC được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng gắn việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao hiệu quả công việc ở từng bộ phận, nhất là đổi mới nền nếp, tác phong làm việc ở bộ phận “một cửa” để tiếp nhận hồ sơ, giải quyết yêu cầu của người dân kịp thời, đúng hẹn, tạo tâm lý thoải mái, hài lòng cho nhân dân. 

Đồng thời, hướng đến xây dựng nền công vụ cởi mở, minh bạch, UBND xã đã thực hiện đặt hòm thư góp ý và niêm yết số điện thoại của lãnh đạo xã để người dân, doanh nghiệp, tổ chức dễ dàng liên lạc khi có nhu cầu, tạo động lực cho CBCC nâng cao kỷ cương, kỷ luật, tác phong, lề lối làm việc. Trên 98% TTHC được UBND xã giải quyết trước hạn quy định, do đó trên địa bàn xã không xảy ra khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân về tinh thần, thái độ phục vụ của CBCC.

Tuy nhiên, qua thực tế, TTHC trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 thực hiện tại bộ phận “một cửa” trên địa bàn huyện chưa chiếm tỷ lệ cao hoặc một số tháng hầu như không có. Theo nhiều cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa” của các xã, nguyên nhân là do người dân chưa quen thực hiện TTHC qua mạng. Trong khi đó, nếu không có “công dân điện tử” thì dù phát triển dịch vụ công trực tuyến cũng sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn. 

Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ CBCC, UBND huyện Kim Bảng đã yêu cầu các xã, thị trấn chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Các hình thức thông tin tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 dùng chung phải tiếp cận đến từng hộ dân, để người dân hiểu quyền lợi của mình và lợi ích dịch vụ công trực tuyến mang lại.

Thực hiện tốt công tác CCHC đã và đang góp phần xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiện đại, tạo được niềm tin của nhân dân vào sự quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở. Đồng thời, qua đó giúp huyện Kim Bảng cải thiện môi trường đầu tư, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân, tạo đà hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Vân

Thanh Vân, Lê Mai

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy