Thị trường lao động đầu năm - Cầu nhiều hơn cung

Khác so với mọi năm, ngay từ mồng 8 tháng Giêng năm nay, các hoạt động sản xuất đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, lực lượng lao động tại chỗ không đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp khi nhiều dự án, xưởng sản xuất được mở rộng, đi vào hoạt động. 

Theo khảo sát, năm 2022, Công ty Honda Việt Nam (KCN Đồng Văn II) cần thêm gần 2.000 lao động phổ thông. Nhu cầu tuyển dụng lao động của công ty năm nào cũng thế, luôn cần một lực lượng lao động lớn từ vài trăm đến hàng nghìn người nhằm thay thế đội ngũ công nhân nhảy việc, sức khỏe kém không đáp ứng yêu cầu công việc và thực hiện các dây chuyền mới. Dù vậy, chưa năm nào công ty này tuyển đủ số công nhân cần. Việc thông báo tuyển dụng được diễn ra quanh năm… Với Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam cũng vậy, năm nay cũng có nhu cầu tuyển dụng 1.500 công nhân, trong đó cần 1.480 lao động phổ thông. Nhiều năm tham gia thị trường tuyển dụng lao động, công ty luôn gặp khó khăn vì nguồn lao động khan hiếm. 

Toàn tỉnh hiện có 7 KCN đã và đang đi vào hoạt động thu hút trên 80.000 lao động. Ngoài ra, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngoài KCN khoảng 40.000 lao động. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Đã có 80 doanh nghiệp thông báo có nhu cầu tuyển dụng lao động trong năm 2022 với số lượng trên 18.500 lao động. Nếu lấy lực lượng lao động tại chỗ, tức là người lao động Hà Nam sẽ rất khó khăn. Nguồn lao động của tỉnh đến thời điểm này đã cạn kiệt, khá nhiều doanh nghiệp đã phải “đánh bắt xa bờ”, thực hiện nhiều “chiêu” tuyển dụng khuyến khích công nhân công ty tìm người với cơ chế nếu ai tìm được một lao động, làm việc cho công ty ít nhất ba tháng trở lên được nhận 1 triệu đồng. Tuy nhiên, các tỉnh giờ đây đang phát triển công nghiệp rất mạnh, nếu doanh nghiệp không cải thiện mức lương thì rất khó hấp dẫn người lao động.

Thị trường lao động đầu năm  Cầu nhiều hơn cung
Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Hội Vũ (thị xã Duy Tiên). Ảnh: Tiến Đoàn

Phân tích nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nam cho thấy, những ngành cần nhiều lao động nhất hiện nay vẫn tập trung ở lĩnh vực công nghiệp với 18.400 lao động. Các lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp không nhiều. Các ngành nghề cần nhiều lao động nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo (sản xuất chế biến thực phẩm – đồ uống, dệt – may da giày, in ấn, sản xuất – sửa chữa, lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp – điện – điện tử, sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, hóa chất, nhựa…), khoảng gần 17.800 người (trong số 80 doanh nghiệp thông báo tuyển dụng). Các doanh nghiệp đã đưa ra mức lương công khai, dao động từ 4,5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/người/tháng cho lao động phổ thông; 5,5 triệu đồng đến 15 triệu đồng/người tháng cho lao động chuyên môn, kỹ thuật; 15 đến 30 triệu đồng/người/tháng cho nhà quản lý.

Ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết thêm: Các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN hiện nay chủ yếu gia công, lắp ráp sản phẩm. Nhu cầu tuyển thợ lắp ráp thiết bị điện tử và điện chiếm trên 81% tổng số lao động cần tuyển trong năm nay. Đây là một bài toán khó cho doanh nghiệp nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca bệnh trong các doanh nghiệp tăng dần. Các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của doanh nghiệp trong thời gian này nếu không phát huy tốt như giai đoạn trước thì công tác tuyển dụng lao động chắc chắn càng gặp khó khăn hơn. Doanh nghiệp vốn đã thiếu lao động, vì dịch bệnh nhiều lao động đang làm việc phải nghỉ điều trị hoặc cách ly, làm ảnh hưởng đến sản xuất.

Vì sao công tác tuyển dụng gặp nhiều khó khăn? Nguyên nhân chủ yếu do các sàn giao dịch việc làm không hoạt động trực tiếp thường xuyên. Thông qua các phiên giao dịch trực tuyến, lượng người tìm việc làm trên không gian mạng khó tiếp cận. Người lao động không được gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với người sử dụng lao động nên không có nhiều thông tin về nhau. Tình trạng người lao động nộp hồ sơ đến doanh nghiệp, khi tiếp cận công việc thấy không phù hợp, hoặc mức lương không giống như thông báo nên họ sẵn sàng bỏ việc, tìm chỗ làm khác.

Khắc phục tình trạng này, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã xây dựng kế hoạch trong năm 2022 sẽ khôi phục lại các sàn giao dịch trực tiếp kết hợp với trực tuyến, làm cầu nối đắc lực nhất cho người lao động và người sử dụng lao động có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ nhau. Một trong những khó khăn khác là mức lương chi trả cho người lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay còn thấp.

Ông Trần Ngọc Khuê, cán bộ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Bình Lục cho biết: Tâm lý của người lao động nông thôn từ trước tới giờ luôn nghĩ ở đâu trả lương cao, họ sẽ làm ở đó. Nhưng thực tế, nếu lao động đi xa, chi phí tốn kém hơn khi phải bỏ ra một khoản tiền thuê nhà, ăn uống sinh hoạt, đi lại. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, đi làm ăn xa còn mang lại những rủi ro lớn nên tôi nghĩ người lao động cần cân nhắc và lựa chọn việc làm một cách phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình. Hiện nay, còn khá nhiều lao động trên địa bàn huyện đi ra các tỉnh ngoài làm ăn. Nguồn lực lao động cho các doanh nghiệp địa phương khan hiếm.

Thực tế, trong cơn bão dịch bệnh vừa qua, có biết bao nhiêu lao động đi làm ăn xa đã gặp khó khăn, phải trở về địa phương để tránh dịch nhưng làm thế nào giữ chân người lao động này, chính quyền các địa phương cũng như ngành lao động cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện để người lao động nắm rõ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp địa phương. Đồng thời, chính sách tạo việc làm đối với các địa phương cần linh hoạt, đổi mới để thúc đẩy thị trường lao động  tích cực hơn.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy