Lao động phi chính thức ở Kim Bảng gia tăng

Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở Kim Bảng hiện nay đã và đang tác động lớn đến lao động phi chính thức cũng như nguy cơ chuyển dịch lao động chính thức sang lao động phi chính thức.

Là một trong số những lao động làm việc thời vụ tại Công ty TNHH Daeseung Hà Nam, đóng trên địa bàn xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng, chị Hoàng Thị Huyên (thị trấn Quế, Kim Bảng) được trả công tháng đầu tiên 2 triệu đồng với công việc chính là nhặt chỉ. Được hỏi vì sao lại không tìm kiếm một công việc gì đó lâu dài, thu nhập ổn định, cao hơn hiện tại, chị Huyên nói do hoàn cảnh gia đình và điều kiện kinh tế không cho phép chị đi học nghề. Làm thế này cảm thấy tự do hơn, không bị gò ép, bó buộc về thời gian, kỷ luật. Nếu mình không thích làm thì bỏ đi làm việc khác…

Chị Hoàng Thị Huyên, công nhân Công ty TNHH Daeseung Hà Nam là một trong số nhiều lao động thời vụ tại đây.

Đây chính là điều hạn chế của đối tượng lao động phi chính thức, tự bản thân đối tượng thụ động trước công việc, thiếu ổn định, thu nhập thấp, không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi khác.

Trao đổi với ông Phan Đình Vụ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Daeseung Hà Nam được biết, trong số trên 600 công nhân đang làm việc tại đây, có trên 20% lao động phi chính thức. Đây là lao động được tuyển theo hình thức thời vụ, đáp ứng nhu cầu công ty khi cần bảo đảm nguồn hàng trong  thời điểm cần thiết.

Tay nghề của lao động không cần cao, chỉ cần sức khỏe, sự kiên trì và cẩn thận trong công việc. Họ không cần phải đào tạo nghề để làm những việc công ty yêu cầu, vì đó là những việc hết sức đơn giản như nhặt chỉ, xếp hàng… So với lao động chính thức của công ty, lao động phi chính thức kém hơn hẳn về năng lực, trình độ tay nghề và thu nhập. Nếu như lao động chính thức có mức thu nhập bình quân ở công ty từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng, tùy vào vị trí công việc và thâm niên công tác, thì lao động thời vụ, lương chỉ bằng một nửa họ.

Ông Phan Đình Vụ nói: “Biết là thiệt thòi, nhưng bản thân người lao động chấp nhận chuyện đó. Khi đến công ty tìm việc, họ thỏa mãn yêu cầu của công ty, giao ước trách nhiệm công việc, nhận việc và làm theo giao ước. Họ không muốn bất cứ một ràng buộc nào về pháp lý”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kim Bảng có 3 cụm công nghiệp thu hút 52 nhà đầu tư, tạo việc làm mới cho trên 1.700 lao động. Cùng với đó, có 198 doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm cho trên 6.000 người. Ngoài ra, toàn huyện còn có 505 hộ kinh doanh cá thể và thương mại dịch vụ, 4 làng nghề, 63 làng có nghề.

Số lao động phi chính thức của huyện tập trung chủ yếu ở các hộ kinh doanh cá thể và thương mại dịch vụ, làng nghề, các doanh nghiệp nhỏ, chiếm tỷ lệ tương đối cao. Trước mắt, việc làm đối với lao động phi chính thức có thể cao hơn làm nông nghiệp, nhưng tính ổn định và bền vững không cao, đặt ra nhiều vấn đề trong công tác tạo việc làm và giảm nghèo bền vững.

Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở Kim Bảng hiện nay đã và đang tác động lớn đến lao động phi chính thức cũng như nguy cơ chuyển dịch lao động chính thức sang lao động phi chính thức. Nhiều lao động đang làm việc ở khu vực kinh tế chính thức, nhưng trong độ tuổi sinh nở, hoặc lớn tuổi, kém sức khỏe… có nguy cơ bị sa thải ngày một tăng.

Theo bà Nguyễn Thị Yến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đối tượng lao động khu vực phi chính thức luôn bị hạn chế về năng lực, kiến thức và điều kiện kinh tế do không có cơ hội để hòa nhập xã hội. Hầu hết lao động này chưa qua đào tạo, bị chuyển đổi ngành nghề vì những lý do khách quan như thu hồi đất, gặp thiên tai… Đa số lao động phi chính thức chưa biết cách khai thác sự hỗ trợ của các chính sách công, các tổ chức tư vấn và hệ thống chính trị. Sớm muộn chúng ta cần có những giải pháp hỗ trợ lao động phi chính thức, đồng thời phải kiềm chế gia tăng tỷ lệ lao động này ở Kim Bảng nói riêng, Hà Nam nói chung.

Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Kim Bảng, toàn huyện có gần 70.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 57,8% dân số toàn huyện, trong đó trên 11.000 người thiếu việc làm (chiếm tỷ lệ 16,1%), 0,2% lao động thất nghiệp, 38,8% số lao động trong độ tuổi chưa qua đào tạo. Những năm qua, Kim Bảng thực hiện chủ trương phát triển du lịch và công nghiệp, diện tích đất được quy hoạch phục vụ các dự án  trên 1.258 ha. 5.226 hộ dân thuộc các xã Nhật Tựu, Đại Cương, Khả Phong và thị trấn Ba Sao chịu ảnh hưởng bởi các dự án, trong đó có việc làm. Hiện tại, số lao động toàn huyện làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm 28,9%, trong khi đó, lao động làm việc trong khu vực dịch vụ tăng lên 22,2% và công nghiệp - xây dựng là 44,1%. Tỷ lệ lao động phi chính thức ở Kim Bảng đang có xu hướng tăng.

Để kiềm chế sự gia tăng lao động phi chính thức, bảo đảm an sinh xã hội, Kim Bảng cần tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại doanh nghiệp; nâng cao chất lượng cho lao động nông thôn; thực hiện có hiệu quả Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ Khu du lịch quốc gia Tam Chúc và KCN Đồng Văn IV giai đoạn 2019-2021.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy