Kiểm soát chặt chẽ lao động từ vùng dịch về Hà Nam làm việc

Là tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung với số lao động làm việc tương đối đông, trong đó có 40% lao động ngoài tỉnh, việc kiểm soát chặt chẽ lao động từ vùng dịch trở lại tỉnh làm việc sau Tết thực sự quan trọng. Đó là yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh (viết tắt là BCĐ) nhằm bảo đảm an toàn cho cộng đồng và doanh nghiệp trước tình hình dịch bệnh bùng phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Theo thống kê, đến 31/12/2020 toàn tỉnh Hà Nam có 6.832 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (trên 5.000 doanh nghiệp hoạt động thực tế), thu hút hơn 130.000 lao động. Trong đó, có hàng trăm lao động đến từ các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và các địa phương bùng phát dịch Covid-19 từ 25/1 đến nay.

Để kiểm soát tình hình dịch bệnh, tăng cường công tác phòng, chống dịch, BCĐ tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng cùng các địa phương rà soát, thống kê và tổ chức vận động gần 30 công nhân các tỉnh Hải Dương, Yên Bái, Quảng Ninh ở lại Hà Nam ăn Tết. Những công nhân về quê trong dịp Tết Nguyên đán trở lại làm việc được quản lý, hướng dẫn khai báo y tế. Tính đến ngày 28/2, có 237 lao động từ Hải Dương, Quảng Ninh và các địa phương thông báo có dịch trở lại Hà Nam làm việc đều đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Sở đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19; hỗ trợ người lao động ở Bắc Cạn, Cao Bằng đang làm việc tại tỉnh về quê ăn Tết và những người ở Hải Dương có nguyện vọng về quê phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Nhìn chung, sự phối hợp giữa các đơn vị trong công tác phòng, chống dịch tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này tương đối tốt. 

Kiểm soát chặt chẽ lao động từ vùng dịch về Hà Nam làm việc
Công nhân Công ty TNHH Norfok Hatexco đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát ở nhiều tỉnh lân cận Hà Nam, các doanh nghiệp đã tự nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống dịch. Bám sát chỉ đạo của tỉnh, Ban Quản lý (BQL) các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp đã thực hiện tốt "thông điệp 5K", bắt buộc người lao động, cán bộ, nhân viên công ty chấp hành nghiêm túc những quy định về phòng, chống dịch.

Ông Trần Văn Kiên, Trưởng BQL các KCN tỉnh khẳng định: Rất nhiều doanh nghiệp đã làm tốt điều này từ năm ngoái, giờ chỉ kích hoạt lại khi tình hình dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng, tiềm ẩn những nguy cơ lây lan khó kiểm soát. Đó là những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, như: Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Công ty TNHH Honda Việt Nam, Công ty TNHH Gentherm…  Đến những ngày cuối cùng của tháng 2, 100% doanh nghiệp trong các KCN đã đi vào hoạt động bình thường, trong đó trên 99% số lao động có mặt làm việc ổn định. 

Được biết, kể từ ngày 16/2, sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu kết thúc, BQL các KCN  tỉnh đã chủ động tổ chức, rà soát nắm bắt số lao động đi/đến từ các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh làm việc tại các KCN. BQL đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường kiểm soát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; yêu cầu các doanh nghiệp lập bản cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các KCN của tỉnh vẫn tương đối phức tạp.

Theo ông Trần Văn Kiên, BQL các KCN tỉnh đã có ý kiến đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo dừng tiếp nhận người lao động đến/đi từ các tỉnh đang có dịch cho đến khi có quy định mới ngay tại cuộc họp BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh chiều 19/2. Ông Trần Văn Kiên nói: "Đối với những lao động từ Hải Dương đã đến làm việc tại Hà Nam, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế hướng dẫn cách ly và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế để bảo đảm ngăn chặn kịp thời nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong các doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn. Ổ dịch bùng phát tại Công ty TNHH PoYun ở Chí Linh (Hải Dương) là một bài học lớn cho tất cả các tỉnh, thành có KCN".

Kiểm soát tốt lao động đi từ các địa phương có dịch trở lại Hà Nam làm việc sau Tết là yêu cầu của BCĐ tỉnh. Tại hội nghị BCĐ họp chiều 19/2, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã yêu cầu các đơn vị trong ngành y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn cách ly y tế các trường hợp có tiền sử dịch tễ từ các địa phương đang có dịch xảy ra về tỉnh.

Rà soát, kiểm tra, chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm chắc thông tin những trường hợp đi, về từ vùng dịch để xét nghiệm, thực hiện cách ly y tế theo quy định, hướng dẫn của ngành y tế; kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu BQL các KCN tỉnh, Sở Công thương; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài KCN phải có phương án phòng, chống dịch phù hợp theo quy định khi tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời nắm thông tin người lao động đi, đến, về từ vùng dịch để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện cách ly theo quy định và hướng dẫn của ngành y tế; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.