Doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động kỹ thuật

Mặc dù mỗi năm, các trường đào tạo nghề trên địa bàn Hà Nam nhận được nhiều “đơn đặt hàng” đào tạo công nhân kỹ thuật cho doanh nghiệp, nhưng hầu hết không đáp ứng được. Lý do chủ yếu là nguồn đầu vào của các trường luôn không đạt chỉ tiêu.

Lao động kỹ thuật cao chiếm tỷ lệ trên dưới 20% tổng số lao động trong các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hiện nay ở Hà Nam.

Báo cáo mới nhất của Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nam năm 2019 cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp cần tuyển hàng vạn lao động. Chỉ khảo sát ở 349 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng liên tục, số lao động cần tuyển đã gần 7.000 người, trong đó xấp xỉ 4.000 lao động nữ. Doanh nghiệp cần tuyển dụng nhiều nhất là Công ty TNHH KANGYIN Electronic, KCN Châu Sơn, thành phố Phủ Lý với 1.000 công nhân.  

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết, hầu hết các doanh nghiệp này đang rất “khát” lao động có tay nghề. Vì không tuyển được lao động kỹ thuật, nhiều dây chuyền sản xuất đắp chiếu để đấy. Mặc dù, đối tượng lao động này trong mỗi doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 20% tổng số lao động, song bài toán tuyển dụng lao động kỹ thuật, kỹ thuật cao của những doanh nghiệp đó chưa bao giờ hết khó khăn. 

Thực tế tại Công ty TNHH Honda Việt Nam, số lao động kỹ thuật cao chiếm trên 20% tổng số lao động toàn công ty. Đại diện lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật cao của Honda hằng năm là có, nhưng không nhiều, công nhân sản xuất thì luôn cần, cần nhiều là khác. Bởi, mỗi năm số lao động dịch chuyển của doanh nghiệp tương đối cao. Như năm 2019, công ty cần tuyển 3.000 lao động mà thị trường vẫn không đáp ứng được. 

Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Hải Đăng, phụ trách nhân sự Công ty TNHH Honda chia sẻ: Đối tượng lao động kỹ thuật mà doanh nghiệp cần là những người được đào tạo nghề bài bản, có thể học trung cấp, cao đẳng ở các cơ sở đào tạo nghề ra, nhưng số này lại rất hạn chế. Còn đối tượng tốt nghiệp đại học ra trường khi xin vào những doanh nghiệp sản xuất chủ yếu với tư cách lao động phổ thông, làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo, các doanh nghiệp tuyển dụng phải đào tạo lại từ đầu theo hình thức cầm tay chỉ việc. Vì thế, mức lương chi trả cho lao động này chủ yếu ở mức sàn. Doanh nghiệp muốn có lao động kỹ thuật cao sẽ phải liên kết với các cơ sở đào tạo nghề, nhưng cung không đủ cầu.

Trao đổi với bà Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nam được biết, chưa bao giờ công nhân kỹ thuật được đào tạo bài bản từ các cơ sở đào tạo nghề lại “hot” như hiện nay. Một số doanh nghiệp đã “đặt” nhà trường cung cấp hàng nghìn công nhân kỹ thuật mỗi năm, tuy nhiên, trường vẫn không đáp ứng được. Theo bà Yến, doanh nghiệp thì muốn có công nhân ngay, trong khi việc đào tạo con người theo chu kỳ, cần thời gian. Hơn nữa, phân luồng giáo dục hiện nay ở Hà Nam vẫn chưa tốt. Đây là một trong những nguyên nhân tác động không mấy tích cực đến thị trường lao động ở Hà Nam thời gian qua.

Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, đơn vị thực hiện chức năng thu thập, phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cho biết, nhu cầu lao động kỹ thuật đối với doanh nghiệp ở Hà Nam dù không cao như các tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, nhưng lúc nào cũng cần. 

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc trung tâm, hiện nay toàn tỉnh có trên 6.000 doanh nghiệp với tổng số trên 145.000 công nhân, trong đó số lao động làm việc tại các khu công nghiệp của tỉnh trên 60.000 người. Ông Tuấn nói: Thông qua những phiên giao dịch việc làm mới thấy, lao động của mình bây giờ kén việc. Chẳng hạn, trong khi phỏng vấn, người lao động “khoe” mình học cái này, cái nọ, mong muốn thế này thế kia, nhưng khi đại diện doanh nghiệp hỏi về chuyên môn kỹ thuật, chỉ yêu cầu đơn giản thao tác nối mạch điện nhưng lại không làm được. Ở khía cạnh khác, rất nhiều người tốt nghiệp đại học ra trường đi tuyển dụng mắc phải tâm lý cho rằng mình là cử nhân, kỹ sư, phải được làm việc ở điều kiện tương xứng với bằng cấp, kể cả mức lương. Họ không biết rằng, doanh nghiệp rất cần tuyển những người có kinh nghiệm, vừa có trình độ chuyên môn nhưng cũng phải có đạo đức nghề nghiệp.  

“Doanh nghiệp tuyển những lao động này với mục đích lâu dài nên yêu cầu về phẩm chất, năng lực của lao động là đúng, tương xứng với mức lương họ trả cho lao động. Tuy nhiên, người lao động có bằng cấp lại kén cá chọn canh, luôn đánh giá cao bản thân, kể cả với những người mới ra trường, chưa có kinh nghiệm”. Ông Tuấn nói.

Nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật đối với doanh nghiệp luôn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Những yêu cầu người lao động đặt ra đôi khi không ăn khớp với đòi hỏi và điều kiện của doanh nghiệp. Đối với những cơ sở đào tạo nghề, nơi được các doanh nghiệp trông chờ, tin tưởng đặt hàng lại “hẹp đầu vào, mở về đầu ra”… Vì thế, công tác tuyển dụng lao động kỹ thuật thời gian qua ở Hà Nam nói riêng, các địa phương khác nói chung chưa thực sự thể hiện tính ổn định, bền vững của thị trường lao động hiện nay.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy