Trên địa bàn Hà Nam hiện có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 5 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 5 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX)... Thực hiện phương châm gắn GDNN với thị trường lao động, doanh nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở GDNN đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo, tạo niềm tin trong xã hội đối với công tác đào tạo nghề.
Chớp thời cơ vàng, đó là lúc dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động trở lại trạng thái bình thường, các trường đào tạo nghề đã nhanh chóng tiếp cận học sinh ở các trường trung học cơ sở, THPT, các trung tâm GDNN-GDTX – là những học sinh chuẩn bị tốt nghiệp ra trường, thông qua các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh một cách rộng rãi với nhiều hình thức tổ chức đa dạng, phong phú, cuốn hút sự quan tâm của giới trẻ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động - việc làm, đào tạo nghề, các trường THPT, đoàn thanh niên tổ chức ngày hội tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh rầm rộ từ tháng 3 đến nay.
Có mặt tại Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh và giới thiệu việc làm năm 2022 do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 20 tháng 5 tại Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam, em Đinh Hoài Linh, lớp 11A3, Trường THPT C Thanh Liêm chia sẻ: Qua các hoạt động truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh đã giúp em hiểu nhiều hơn về việc chọn nghề, chọn ngành học cho mình. Em không còn băn khoăn nhiều về chuyện chọn trường, em đã quyết định chọn cho mình một nghề phù hợp để học, sau khi tốt nghiệp không phải mất thời gian tìm việc làm.
Còn em Nguyễn Thị Bích Hoa, Trường THPT C Thanh Liêm cũng tự tin với dự định của mình: Khi học xong cấp 3, em quyết định học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam. Với lực học của em, em lựa chọn học nghề là phù hợp.
Hơn 20 trường đào tạo nghề đóng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, cùng các doanh nghiệp có mặt tại ngày hội đã mang đến cho hàng nghìn học sinh các trường THPT của tỉnh và một số trường trung học cơ sở trên địa bàn TP Phủ Lý cơ hội tư vấn ngành, nghề phù hợp với khả năng, năng lực. Các em được trò chuyện, được nghe tư vấn, được tham quan các khoa, ngành học của từng cơ sở đào tạo. Thậm chí, học sinh còn được trải nghiệm các món ăn, cách chế biến món ăn của Trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội – đơn vị liên kết đào tạo với nhiều cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
Ông Đỗ Quang Triệu, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH cho biết: Không khí ngày hội tư vấn, hướng nghiệp và tuyển sinh thực sự đánh thức suy nghĩ của các em, giúp các em có một cái nhìn thực tế hơn đối với việc chọn nghề. Xu hướng chọn nghề phù hợp với năng lực sở trường được học sinh quan tâm hơn.
Trường Trung cấp Nghề Công nghệ Hà Nam sau hơn 2 năm đối mặt với khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, đến nay, các hoạt động dạy và học trở lại bình thường. Bà Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Công nghệ Hà Nam cho biết: Mặc dù bị tác động bởi dịch bệnh, nhưng những năm qua, trường luôn vượt chỉ tiêu tuyển sinh hệ trung cấp với các ngành nghề truyền thống và hiện đại. Tham gia vào các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh là dịp để học sinh, học viên của trường có cơ hội tiếp cận doanh nghiệp, truyền thông mạnh mẽ và thiết thực hơn hiệu quả đào tạo của nhà trường đến với các em học sinh. Cũng theo bà Yến, các trường nghề cần tham gia nhiều hơn hoạt động truyền thông và đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo nghề. Có như thế mới hấp dẫn người học.
Với sự tác động của các hoạt động truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp, học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã và đang quan tâm nhiều hơn đến việc học nghề phù hợp với khả năng, năng lực. Theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, năm 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo cho 18.525 người, đạt 100% so với kế hoạch đề ra, có trên 95% học sinh, sinh viên trung cấp, cao đẳng có việc làm ngay sau tốt nghiệp với thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng, nhiều ngành nghề 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay với mức thu nhập cao; tỷ lệ phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt khoảng 20%, học sinh tốt nghiệp THPT đạt khoảng 21%. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 71%, trong đó lao động qua đào tạo có chứng chỉ bằng cấp đạt 56%.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định: Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp có vai trò rất quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mang lại lợi thế cạnh tranh cho quốc gia. Cần có một hệ thống giáo dục nghề nghiệp có tính đàn hồi tốt với những đổi mới mạnh mẽ, để không chỉ đảm đương trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh, tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.
Giang Nam