Sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023, hơn 3.000 học sinh lớp 9 trên địa bàn tỉnh đã không trúng tuyển vào các trường THPT chuyên và không chuyên. Đây chính là cơ hội tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh.
Chẳng phải chờ đến khi có kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tăng tốc chiến dịch tuyển sinh, chiêu sinh bằng nhiều hình thức. So với mọi năm, năm nay việc tuyển sinh có thể thuận lợi hơn.
Bà Trần Lan Anh, giảng viên Trường Cao đẳng Thủy lợi Bắc Bộ cho biết: “Chúng tôi không ngồi chờ đợi học sinh tìm đến trường để đăng ký học mà phải tăng cường công tác hướng nghiệp, tư vấn, chiêu sinh bằng nhiều cách. Đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp… khi đã nắm bắt được thông tin về học sinh ở các trường, rà soát các trường hợp không thi đỗ vào các trường THPT, cử cán bộ, giáo viên đến tận nhà để tư vấn, hướng nghiệp cho các em”.
Chỉ tính trên địa bàn TP Phủ Lý, năm học 2022-2023, số học sinh lớp 9 không đỗ vào các trường THPT và không có cơ hội vào các trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm GDTX - hướng nghiệp (HN) tỉnh Hà Nam lên tới hàng nghìn em. Cơ hội cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp “vợt” học viên dễ dàng. Cho đến thời điểm này, Trường Cao đẳng Thủy lợi Bắc Bộ đã tuyển được gần 200 học sinh hệ văn hóa nghề (chỉ tiêu là 250 học viên). Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã tuyển được 350 hồ sơ… So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng học sinh nộp hồ sơ vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cao hơn rất nhiều.
Ông Vũ Văn Kiên, cán bộ Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam chia sẻ: Công tác tuyển sinh của trường được triển khai ngay từ đầu năm với nhiều hoạt động phong phú, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, tư vấn đến tận các cơ sở giáo dục. Điều thuận lợi là năm học này, số thí sinh thi tuyển vào lớp 10 khá đông, trong khi chỉ hơn 75% đáp ứng chỉ tiêu, còn lại 25% có thể học nghề, văn hóa nghề.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 20 cơ sở GDNN, trong đó có 5 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 6 TT GDTX-GDNN và TTGDTX-HN... Năm 2021, các cơ sở này tuyển sinh được trên 17.000 người, trong đó hệ trung cấp nghề tuyển sinh được 2.000 người, cao đẳng được 630 người, sơ cấp nghề trên 14.500 người. Riêng hai cơ sở dạy nghề của Hà Nam là Cao đẳng Nghề Hà Nam tuyển sinh được 596 học sinh hệ trung cấp, 416 học viên hệ sơ cấp; Trường Trung cấp Nghề Công nghệ Hà Nam tuyển sinh được 240 học sinh hệ trung cấp. Tỷ lệ phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đạt khoảng 20%, học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đạt khoảng 21%.
Năm 2022, Hà Nam đặt chỉ tiêu cho các cơ sở GDNN tuyển sinh 18.550 người, trong đó hệ trung cấp 2.200 người, cao đẳng là 650 người, sơ cấp là 15.700 người. Theo ông Đỗ Quang Triệu, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Hà Nam đang thực hiện khá tốt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” với mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng.
Trên cơ sở thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt chú trọng việc đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh dần hấp dẫn người học. Với 101 nghề đang được đào tạo ở các cơ sở này, trong đó có 16 nghề trọng điểm, 36 nghề hệ trung cấp, 26 nghề đào tạo hệ cao đẳng... học sinh sau khi học xong lớp 9 hoặc lớp 12 có thể có nhiều lựa chọn cho con đường tương lai của mình, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh, khả năng.
Ông Đỗ Quang Triệu nhấn mạnh: Các cơ sở GDNN thời gian qua đã không ngừng đổi mới hoạt động giáo dục, không chỉ mở nhiều ngành nghề phù hợp với yêu cầu thực tiễn mà còn tổ chức có hiệu quả việc liên kết đào tạo, tìm đầu ra cho học sinh, sinh viên thông qua các doanh nghiệp. Đến thời điểm này, các cơ sở GDNN đã liên kết với 156 doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm để trên 95% số người học nghề ra trường có việc làm ngay tại các doanh nghiệp với mức lương trung bình từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, việc tuyển sinh của các cơ sở GDNN hiện nay đang gặp những khó khăn do nhận thức và tâm lý xã hội về vấn đề học nghề còn hạn chế. Người dân vẫn mang nặng tâm lý phải học đại học mới thành công. Việc tuyển dụng lao động vào các vị trí việc làm ở các cơ quan nhà nước vẫn đòi hỏi bằng cấp, chứng chỉ bậc cao nên đã ảnh hưởng nhiều đến quyết định học nghề hay học đại học của học sinh.
Với việc trên 3.000 học sinh lớp 9 không trúng tuyển qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua có thể tạo cơ hội cho các cơ sở GDNN tuyển sinh dễ dàng vượt chỉ tiêu, nhưng trong quá trình chiêu sinh, tuyển sinh, một số cơ sở có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh nên ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của phụ huynh trong việc quyết định cho con học nghề, văn hóa nghề hay không. Vì thế, cơ hội tuyển sinh của các trường nghề năm nay rõ ràng có, nhưng cũng không dễ để bảo đảm chỉ tiêu.
Giang Nam