Các cơ sở dạy nghề ứng phó linh hoạt trong tuyển sinh, đào tạo

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng sâu sắc đến công tác đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Không được tham gia thực hành tại các doanh nghiệp, không được học trực tiếp liên tục… là nguyên nhân làm cho chất lượng đào tạo nghề bị hạn chế. Để khắc phục khó khăn trên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức linh hoạt các chương trình đào tạo phù hợp với thực tế, giúp học viên có cơ hội được học cả lý thuyết và thực hành đầy đủ, bảo đảm chất lượng đào tạo nghề.

Những ngày giữa tháng 3 năm 2022, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp (TTGDTX-GDNN) huyện Lý Nhân, gần 30 lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đến nghe tư vấn và đăng ký hồ sơ học nghề. Ngoài cán bộ văn phòng dịch vụ việc làm huyện còn có các cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội trực tiếp gặp gỡ, trao đổi và giới thiệu nghề mới cho người lao động.

Chị Lưu Thị Loan, cán bộ hành chính Trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội cho biết: Trong thời gian gần 3 tháng, học viên sẽ được học nghề kỹ thuật chế biến món ăn theo quy định chương trình. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn phức tạp, trường sẽ phối hợp với Trung tâm GDTX-GDNN huyện Lý Nhân và Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nam rút gọn thời gian chương trình đào tạo để tạo điều kiện cho học viên không mất thời giờ và tập trung cho chương trình học một cách tốt nhất. 

Các cơ sở dạy nghề ứng phó linh hoạt trong tuyển sinh đào tạo
Cán bộ Trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội giới thiệu nội dung chương trình học nghề kỹ thuật chế biến món ăn cho học viên.

Nghe cán bộ nhà trường giới thiệu thêm về chương trình học, nội dung môn học, đặc biệt  mô-đun thực hành… nhiều học viên tỏ ra phấn khởi, hào hứng. Chị Vũ Thị Bích Phượng, Tổ dân phố Nam Cao, thị trấn Vĩnh Trụ, Lý Nhân chia sẻ: Tôi từng là công nhân nhà in Tiến Bộ (Hà Nội) gần 20 năm, do dịch Covid-19 nên nghỉ việc về quê tìm việc mới. Trong thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tôi đăng ký học nghề nấu ăn chỉ để phục vụ gia đình. Với thời gian học như thế này, tôi nghĩ hoàn toàn phù hợp. Quan trọng, chúng tôi được thực hành tại chỗ, học làm theo hình thức cầm tay chỉ việc, rất hữu ích.

Lớp học được tổ chức học cả ngày, thực hành trực tiếp, lý thuyết sẽ học trực tuyến, dưới sự hướng dẫn, giảng dạy của các chuyên gia nấu ăn do Trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội cử, mời đến, nhiều học viên lần đầu tiên chế biến những món ăn phức tạp, đòi hỏi chất lượng và thẩm mỹ, yêu cầu vừa khó, vừa sáng tạo… Nhưng nhờ được thực hành trực tiếp với sự hướng dẫn tận tình của giáo viên, chỉ trong vòng hơn một tuần, các học viên đã tự mình thực hiện các món ăn theo yêu cầu của chương trình khá tốt.

"Chúng tôi vừa kết thúc một lớp kỹ thuật nấu ăn tại TP Phủ Lý vào đầu tháng 4. Hội đồng kiểm tra và đánh giá các mô-đun nghề kỹ thuật chế biến món ăn trình độ sơ cấp rất hài lòng với kết quả học nghề của học viên. Mỗi người làm một món, ai cũng cố gắng thể hiện năng lực, sở trường và kiến thức được học một cách sáng tạo, chất lượng và thẩm mỹ. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, chúng tôi đã thực hiện liên kết tổ chức xong các khóa học này đạt kết quả nhờ sự ứng phó linh hoạt của các bên. Đó là bài học kinh nghiệm đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để khắc phục những khó khăn do dịch bệnh.". Chị Lưu Thị Loan, cán bộ Trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội cho biết thêm.

Đây chỉ là một trong số 7 ngành, nghề được đưa vào chương trình đào tạo nghề của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lý Nhân đang thu hút sự quan tâm của các đối tượng có nhu cầu học nghề. 

Ông Phạm Văn Lực, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lý Nhân khẳng định: Dịch bệnh đã làm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn trong đào tạo nghề. Học sinh, sinh viên, học viên không có nhiều cơ hội được thực hành. Hầu hết, các chương trình liên kết với doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất cho học viên trải nghiệm thực tế, thực hành đều dừng lại. Vì thế, chúng tôi đã yêu cầu các lớp tổ chức dạy học lý thuyết trực tuyến. Các chương trình thực hành đều chuyển sang thời gian học trực tiếp, không cần thiết phải tuân thủ trình tự, miễn sao bảo đảm tất cả các nội dung học tập, thực hành cho học viên trong tình hình mới.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ sở GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh hiện đã xây dựng chương trình đào tạo 101 nghề, trong đó có 16 nghề trọng điểm, bao phủ trên nhiều lĩnh vực kỹ thuật, dịch vụ, sức khỏe... Năm 2021, các cơ sở này đã đào tạo cho 17.180 người, trong đó hệ cao đẳng 630 người; hệ trung cấp 2.000 người; hệ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 14.550 người. Đặc biệt, toàn tỉnh có 1.941 lao động nông thôn được đào tạo nghề sơ cấp dưới 3 tháng...

Trong 3 tháng đầu năm 2022, thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh nhất trong cộng đồng, bằng nhiều hình thức, kinh nghiệm thực tế các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo, tuyển sinh. Riêng hai trường: Cao đẳng Nghề Hà Nam và Trung cấp Nghề công nghệ Hà Nam đã tuyển sinh được 36 học viên hệ trung cấp, 160 học viên hệ sơ cấp nghề, tổ chức tốt nghiệp cho 420 học viên...

Để ứng phó linh hoạt với dịch bệnh, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các trung tâm, các trường dạy nghề có uy tín, chất lượng, đào tạo những nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay, có như vậy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới làm tốt công tác đào tạo nghề.

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.