Nhiều năm liền, công tác cai nghiện ma túy ở Hà Nam không hoàn thành chỉ tiêu. Năm 2020, chỉ tiêu cai nghiện bắt buộc được hạ xuống còn 60 người, 120 người cai nghiện tự nguyện. Tuy nhiên, đến hết tháng 11, Trung tâm Điều trị nghiện ma túy và phục hồi chức năng tâm thần (ĐTNMT&PHCNTT) mới chỉ tiếp nhận được 50 đối tượng cai nghiện bắt buộc, 43 đối tượng cai nghiện tự nguyện.
Trao đổi với ông Nguyễn Duy Chinh, Giám đốc Trung tâm ĐTNMT&PHCNTT về công tác cai nghiện ma túy năm 2020 cho thấy, so với các năm trước, năm 2020, số người được đưa đi cai nghiện bắt buộc tại trung tâm cơ bản bảo đảm chỉ tiêu. Tuy nhiên, đây là năm dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp ngay từ cuối tháng 1, việc thực hiện cách ly xã hội để phòng dịch theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ khiến cho tiến độ xây dựng ban hành một số văn bản trong lĩnh vực cai nghiện ma túy từ Trung ương bị chậm so với kế hoạch, ảnh hưởng đến việc quản lý, điều trị cho đối tượng. Quy định về thủ tục tạm thời đưa học viên mắc bệnh nặng, đặc biệt các trường hợp cấp cứu vượt khả năng điều trị của trung tâm đi bệnh viện chữa trị phải chờ quyết định của Tòa án nhân dân (TAND) làm mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, đối tượng cai nghiện hầu hết có tiền án tiền sự, ăn chơi đua đòi, lười lao động nên việc quản lý trở nên phức tạp, khó khăn và nguy hiểm. Trong khi, người nghiện ma túy hiện nay chủ yếu sử dụng nhiều loại chất gây nghiện tổng hợp mới, phác đồ điều trị của Bộ Y tế không còn phù hợp, gây khó khăn cho công tác cắt cơn và quản lý giáo dục.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Chinh, cho đến thời điểm này, căn cứ để đưa đối tượng nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc vẫn trên cơ sở Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là NĐ 221) "Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc" và Nghị định 136/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 221, Quyết định số 5075/QĐ-BYT, QĐ số 3556/QĐ-BYT về việc xác định người nghiện ma túy… Thủ tục đưa người đi cai nghiện vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho các đơn vị, ngành chức năng trong quá trình thực hiện. Vì thế, có những đơn vị trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm không thể đưa được đối tượng nào đi cai nghiện bắt buộc.
Năm nay, Bình Lục đã đưa được 4 trường hợp đi cai nghiện tập trung. Trung tá Nguyễn Sinh Quân, Phó Trưởng Công an huyện Bình Lục cho biết: Trước đây, có vài năm liền Bình Lục từng không thể đưa được đối tượng nào đi cai nghiện tập trung. Không phải vì Bình Lục không có người nghiện ma túy mà việc tổ chức đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện theo quy định của pháp luật hiện hành rất khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc người nghiện không thừa nhận đã sử dụng ma túy, gia đình che giấu, tìm mọi cách để khi xét nghiệm kết quả là âm tính với ma túy hoặc không chấp nhận đi xét nghiệm. Mặt khác, theo NĐ 221, khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, công an cấp xã, thị trấn phải lập biên bản và xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trưởng phòng tư pháp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ. Kết quả kiểm tra phải được thể hiện bằng văn bản gửi trưởng phòng lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH). Trong thời gian 7 ngày, trường hợp hồ sơ đầy đủ, trưởng phòng LĐ-TB&XH gửi hồ sơ cho TAND cấp huyện. Trong thời hạn 5 ngày từ ngày nhận được quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của TAND, Công an huyện chủ trì, phối hợp với phòng LĐ-TB&XH đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thực tế, khi có quyết định của TAND, đối tượng đã chẳng còn ở địa phương nữa…
Từ thực tế đó, đòi hỏi quy trình, thủ tục đưa người đi cai nghiện cần đơn giản hóa hơn, nhanh gọn hơn để người nghiện tự giác đi cai nghiện ma túy bắt buộc càng nhanh, càng tốt. Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh (kỳ họp thứ 9, khóa XVIII) quy định mức hỗ trợ, mức đóng góp, chế độ miễn, giảm đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại Trung tâm ĐTNMT&PHCNTT, trong đó người cai nghiện ma túy tự nguyện được hưởng tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần; được hỗ trợ tiền ăn hằng tháng bằng 70% của 0,8 mức lương cơ sở; tiền chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, vật dụng cá nhân bằng 70% của 0,9 mức lương cơ sở/lần chấp hành.
Với những đối tượng thuộc diện hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS được hỗ trợ 100% các chi phí trên. Hiện tại, trung tâm đang quản lý và điều trị cho 100 đối tượng, trong đó có 82 đối tượng cai nghiện bắt buộc, 18 đối tượng cai nghiện tự nguyện. Đối tượng cai nghiện tại trung tâm có tiền án, tiền sự chiếm trên 90%. Tỷ lệ đối tượng nhiễm HIV/AIDS chiếm từ 7-9%, mắc bệnh lao từ 9-10% và một số bệnh lây nhiễm khác. Công tác chăm sóc y tế cho các đối tượng nghiện tại trung tâm tiếp tục được duy trì theo quy định y tế như xét nghiệm sàng lọc, khám, cấp phát thuốc cho các đối tượng nghiện ma túy. Cán bộ trực 24/24 giờ để tăng cường công tác quản lý. 100% đối tượng vào cai nghiện được học nội quy, quy chế của trung tâm và các quy định của Nhà nước liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của đối tượng khi vào cai nghiện tại đây. Trung tâm đã tổ chức 175 buổi lên lớp giáo dục hành vi nhân cách cho học viên theo nội dung giáo trình của ngành chức năng…
Là cán bộ gắn bó với công tác điều trị cai nghiện ma túy nhiều năm, ông Hoàng Ngọc Ánh, nguyên Trưởng khoa Điều trị nghiện ma túy bắt buộc cho biết, không ít đối tượng có biểu hiện bất mãn, chống đối, luôn tìm cách bỏ trốn khỏi trung tâm, gây áp lực cho cán bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ mặc dù tâm huyết với nghề, nhưng trình độ chuyên môn được đào tạo từ nhiều trường khác nhau, chưa có cơ sở đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ quản lý, giáo dục người nghiện ma túy… Khó khăn tiếp nối những khó khăn nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trung tâm đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng vẫn chưa tiếp nhận được nhiều đối tượng vào cai nghiện ma túy. Đây là việc mà trung tâm không thể chủ động thực hiện được.
Chu Uyên