Hè về là dịp để trẻ được nghỉ ngơi, chơi đùa thư giãn sau một năm học tập vất vả. Thế nhưng những ngày nghỉ của trẻ lại là những ngày lo lắng của không ít bậc cha mẹ.
Chuẩn bị nghỉ hè là chị Đoàn Thị Hòa, xã Nhân Chính (Lý Nhân) đã cảm thấy lo lắng, bởi không biết trong những ngày hè cho con học gì, chơi gì, ở đâu?
Theo chị, ở quê không có nhiều điểm vui chơi cho con trẻ, bên cạnh đó các lớp học dạy năng khiếu không có như ở trung tâm huyện hoặc tỉnh. Đặc biệt, điều kiện kinh tế, thời gian làm việc của anh, chị cũng không cho phép đưa đón con hoặc cho con vui chơi, thư giãn trong những ngày hè.
Chị Hòa tâm sự: "Dịp nghỉ hè của học sinh là thời gian mình rất lo lắng bởi trong thời gian này các cháu không đến trường. Dịp này nhà tôi cũng không cho cháu học thêm, tuy vậy, thời gian rảnh rỗi của các cháu không biết chơi gì. Công việc của chồng tôi cũng rất bận rộn trong khi tôi đi làm công nhân từ sáng đến tối, thế nên đành phải để các cháu tự chơi ở nhà. Nếu để tự do đi chơi rất sợ các cháu sa vào các hoạt động không lành mạnh".
Đoàn viên thanh niên Trường THPT C Kim Bảng chăm sóc Khu Tượng đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ huyện. Ảnh: Nguyễn Uyên
Anh Nguyễn Văn Khiêm, xã Đồng Du (Bình Lục) có hai con trong độ tuổi học sinh cũng tỏ ra lo lắng về thời gian nghỉ hè của con mình. Anh cho biết, công việc của anh phải đi làm từ sáng sớm tới tối mịt mới về. Vợ anh bận việc đồng áng, chăn nuôi. Muốn trong dịp nghỉ hè cho con đi học năng khiếu, rèn luyện sức khỏe như: học võ, vẽ, đàn nhưng phải đưa lên các trung tâm rất xa, trong khi công việc của vợ chồng anh không cho phép đưa đón con. Các con anh đang ở độ tuổi hiếu động, chưa nhận biết được nguy hiểm, ở quê bể bơi không có, ao hồ nhiều nên anh cũng rất lo nếu con mình ở nhà chơi cùng bạn bè không được kiểm soát, nhiều nguy hiểm rình rập như: đuối nước hay những tai nạn thương tích khác...
Không cứ ở quê mà những gia đình ở thành phố khi con nghỉ hè cũng có những lo lắng không kém. Vừa tổng kết năm học, em Nguyễn Hoàng Anh (trú tại phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý) đã được cha mẹ lên lịch học tập trong những ngày hè. Nhìn lịch học cho thấy ngày nào trong tuần Hoàng Anh cũng "được" học các môn toán, văn, ngoại ngữ như trong năm học.
Trao đổi với mẹ Hoàng Anh, chị cho biết: Nghỉ học ở nhà các cháu chẳng biết chơi gì ngoài xem ti vi, mở điện thoại chơi game. Cha mẹ vẫn phải làm việc nên không có thời gian chơi cùng con trẻ. Không ít cháu sa vào chơi game hoặc tham gia các hoạt động không lành mạnh. Vả lại ở phố chật hẹp, không có chỗ cho các hoạt động thể thao nên không ít cháu đá bóng, chơi thể thao trên lòng đường tiềm ẩn tai nạn giao thông. Chính vì vậy, tôi phải tìm chỗ cho con học để con khỏi sa vào các hoạt động không lành mạnh.
Trẻ em học bơi ở bể bơi Nhà thiếu nhi tỉnh. Ảnh: Hồng Đỗ
Hè về, một số gia đình cho con tham gia các khóa học năng khiếu, kỹ năng sống... tại các trung tâm. Thậm chí có gia đình cho con tham gia các khóa học, bồi dưỡng đạo đức, lối sống tại các chùa, trung tâm văn hóa ở những thành phố lớn như ở Hà Nội..., nhưng số lượng trẻ em được học, chơi như vậy không nhiều và chủ yếu là con em những gia đình có điều kiện kinh tế và với trẻ ở cấp THCS, THPT.
Còn đại đa số trẻ em, đặc biệt ở vùng nông thôn, thời gian nghỉ hè trẻ chưa được tham gia nhiều các hoạt động bổ ích, được học tập và phát huy năng khiếu của bản thân. Chính vì vậy, rất cần có sự quan tâm, phối hợp của các cấp, ngành, đặc biệt là phát huy vai trò của đoàn thanh niên để những hoạt động hè thực sự đa dạng, hấp dẫn và bổ ích, để những ngày hè không phải là những ngày "giam lỏng" hay "học kín lịch" của trẻ em.
Nguyễn Hằng
Nguyễn Hằng, Đỗ Hồng