Xây dựng môi trường giáo dục vì học sinh ở Trường Tiểu học Hòa Mạc

Trường Tiểu học Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên) lâu nay được biết tới là một địa chỉ giáo dục có chất lượng dạy và học tốt, có vị thế vững chắc trong hệ thống giáo dục của địa phương. Mặc dù vậy, cùng với việc duy trì, giữ vững chất lượng giáo dục, nhà trường vẫn nỗ lực cho mục tiêu xây dựng một môi trường giáo dục tiến bộ, vì học sinh.

Cô giáo Trần Thị Nguyệt Minh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Việc thực hiện các mục tiêu về giáo dục của nhà trường có nhiều thuận lợi do có bề dày thành tích, nhiều năm liền đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, tập thể lao động xuất sắc và đạt chuẩn quốc gia mức độ II, được công nhận cơ sở giáo dục phổ thông đạt cấp độ 3. Hơn thế, nhà trường còn có 100% giáo viên đạt chuẩn, chuyên môn khá vững vàng, đoàn kết trong mọi công việc; các thế hệ học sinh có chất lượng trí dục và đức dục cao; phụ huynh học sinh có sự quan tâm tới việc học tập của con em và đồng hành cùng nhà trường trong việc triển khai tổ chức các hoạt động giáo dục. Điều đó có ý nghĩa rất lớn giúp nhà trường thực hiện tốt việc đổi mới giáo dục và xây dựng được môi trường giáo dục theo hướng ngày càng tiến bộ… 

Xây dựng môi trường giáo dục vì học sinh ở Trường Tiểu học Hòa Mạc
Học sinh Trường Tiểu học Hòa Mạc được học tập và tham gia các hoạt động giáo dục trong môi trường an toàn, tích cực.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đó, tập thể nhà trường đã xác định trước hết phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đẩy mạnh các phong trào thi đua tạo động lực dạy tốt, học tốt. Hằng năm, nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để duy trì sĩ số đạt 100% và học sinh đi học chuyên cần, không có tình trạng học sinh bỏ học, học sinh lưu ban. Trên cơ sở nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, đội ngũ giáo viên nhà trường đã đẩy mạnh đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học, tăng cường sử dụng, ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào giảng dạy. Đồng thời, dành nhiều thời gian tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và tham gia đầy đủ các hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn do trường, ngành tổ chức. Nhà trường đã tạo điều kiện đầu tư thời gian, mua sắm các tài liệu thiết bị dạy học, giáo viên thường xuyên sử dụng đồ dùng dạy học.

Ngoài ra, nhà trường khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng phục vụ cho việc giảng dạy đạt kết quả cao. Phong trào hội giảng, hội học diễn ra sôi nổi. Trong phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, ngay từ đầu năm học mỗi cán bộ giáo viên đã đăng kí một nội dung đổi mới để áp dụng vào giảng dạy. Các mục tiêu kế hoạch dạy học, tổ chức kiểm tra định kì trong năm học; bảo đảm thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn phân phối chương trình, đổi mới cách đánh giá kết quả học tập của học sinh được giáo viên toàn trường thực hiện có nền nếp, đạt hiệu quả cao. Chất lượng giáo dục, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh vì thế cũng đạt nhiều kết quả cao với 100% học sinh xếp loại tốt về phẩm chất và năng lực. 

Trong khuôn khổ nhà trường, từ các phong trào “Xây dựng môi trường học tập thân thiện”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng trường học hạnh phúc”, “Xây dựng trường học xanh”… nhà trường đã tận dụng mọi khoảng không gian để hướng dẫn học sinh tham gia xây dựng và bảo vệ trường lớp xanh - sạch - đẹp, hình thành và duy trì văn hóa ứng xử văn minh. Không những thế, nhà trường còn nghiêm túc thực hiện giảng dạy chương trình môn Đạo đức ở tất cả các khối lớp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội tổ chức nhiều hoạt động giáo dục thiết thực để phát huy khả năng sáng tạo và giáo dục học sinh. Chỉ riêng trong năm học 2021- 2022, nhà trường đã có 2 học sinh đạt giải Giao lưu an toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ cấp quốc gia; 10 học sinh đạt giải Giao lưu IOE cấp tỉnh và thị xã; 12 học sinh đạt giải Giao lưu Violympic Toán cấp quốc gia và cấp tỉnh; có 10 bài dự thi được chọn tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc cấp tỉnh.

Quan điểm giáo dục của nhà trường luôn đồng nhất với quan điểm lấy học sinh là trung tâm của mọi hoạt động đổi mới phương pháp dạy học nên đã có sự áp dụng thực hiện linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế với nhiều giải pháp giúp học sinh  theo kịp với yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục. Để hỗ trợ học sinh học tập, bên cạnh việc nâng cao chất lượng các giờ học chính khóa, các hoạt động ngoại khóa, nhà trường có sự đầu tư phát triển mạnh hệ thống thư viện trường học, giúp học sinh có thêm điều kiện tiếp cận, tìm hiểu thông tin, khuyến khích gia tăng nhu cầu đọc sách trong học sinh. Thư viện nhà trường hiện có 9.188 sách giáo khoa trong "Tủ sách giáo khoa dùng chung", 1.028 bản sách nghiệp vụ, 9.503 bản sách tham khảo cùng hàng nghìn loại báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục… Để mở rộng không gian đọc sách, nhà trường đã xây dựng mô hình “Thư viện xanh”,  “Thư viện cộng đồng” và duy trì hiệu quả các hoạt động đọc sách, mượn sách, viết, vẽ, kể chuyện, trò chơi theo sách, giới thiệu sách mới, sách hay theo chủ đề. Qua đó, giúp học sinh vận dụng kiến thức vào các môn học, đặc biệt là mở rộng vốn từ vựng để học tốt môn tập làm văn, luyện từ và câu; vận dụng vào giao tiếp hằng ngày, về cách cư xử lịch sự, đúng mực với bạn bè, lễ phép với thầy cô và mọi người.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy