Xây dựng kế hoạch giáo dục trường học để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục

Thực hiện nhiệm vụ giáo dục, những năm qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là chủ động về kế hoạch giáo dục (KHGD) nhà trường bảo đảm việc dạy và học đạt hiệu quả cao nhất; đồng thời, tạo cơ hội để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, trao quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm trong việc cụ thể hóa chương trình quốc gia vào trường phổ thông cho giáo viên ở tất cả bộ môn.

Năm học 2023 - 2024, KHGD nhà trường tiếp tục được các trường học thực hiện trên cơ sở rà soát, thiết kế thành các chủ đề dạy học. Từ mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, nội dung dạy học tiếp tục được tổ chức lại, tăng tính liên thông, phối hợp, liên môn; học sinh được phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề thực tiễn, từ đó tự tìm ra kiến thức mới trên cơ sở nguồn tài nguyên học tập đa dạng do giáo viên cung cấp, góp phần phát triển khả năng tự học, tăng cường năng lực giải quyết vấn đề, hợp tác của học sinh trong suốt quá trình học tập và tham gia các hoạt động giáo dục.

Với Trường THCS An Đổ (Bình Lục), việc xây dựng KHGD nhà trường sớm, sát thực tế, phù hợp với từng năm học chính là yếu tố quan trọng để triển khai thuận lợi các nhiệm vụ giáo dục. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hằng năm, căn cứ kế hoạch thời gian năm học do UBND tỉnh ban hành và sự chỉ đạo về nội dung chương trình giáo dục chung, lãnh đạo nhà trường họp bàn với các tổ trưởng chuyên môn thảo luận xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Quá trình thực hiện KHGD sẽ linh hoạt điều chỉnh khi có những yêu cầu hoặc thay đổi nhưng vẫn bảo đảm hoàn thành chương trình theo đúng khung kế hoạch thời gian năm học.

Giáo viên Trường Mầm non Quang Trung (TP Phủ Lý) tăng cường tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện KHGD của nhà trường. Ảnh: Hà Trần

Từ đánh giá đúng tầm quan trọng của việc xây dựng KHGD nhà trường đối với thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, các nhà trường nhất quán chủ trương triển khai có hiệu quả các phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học tích cực; tăng cường đổi mới nội dung, phương thức kiểm tra, đánh giá học sinh nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; nâng cao chất lượng dạy học thực hành, thí nghiệm, dạy học ngoại ngữ, đa dạng hóa các hình thức học tập, nghiên cứu khoa học cho học sinh... Để làm được điều đó, các nhà trường đã xây dựng KHGD và chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học. Đồng thời, chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học. Về đội ngũ, các nhà trường có sự phân công giáo viên bảo đảm hợp lý, khoa học nhằm phát huy hết năng lực, sở trường của mỗi cá nhân.

Ở cấp tiểu học, quy trình xây dựng KHGD của nhà trường được thực hiện theo các bước chính: xác định căn cứ để xây dựng KHGD của nhà trường; đánh giá tình hình và các điều kiện thực hiện chương trình trong năm học; xác định mục tiêu giáo dục của nhà trường; xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục. Trên cơ sở đó, các trường tiểu học đã xây dựng KHGD bảo đảm phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng có hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động giáo dục của nhà trường; bảo đảm tính dân chủ, công khai, thống nhất giữa các tổ chức trong nhà trường; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện KHGD của nhà trường.

 Hiện nay, KHGD nhà trường được xây dựng nhằm đổi mới hoạt động dạy học, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh và trao quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm cho giáo viên; được thiết kế thành các chủ đề dạy học, nội dung dạy học theo hướng tăng tính liên thông các cấp học và liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Mặt khác, các nhà trường chủ động tự tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện chương trình môn học, bảo đảm tổng số tiết/năm học quy định; chủ động bố trí thời gian thực hiện chương trình bảo đảm tính khoa học, sư phạm. Các tổ chuyên môn căn cứ vào kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học của nhà trường quyết định để xây dựng KHGD của tổ chuyên môn. Việc xây dựng kế hoạch dạy học của giáo viên được thực hiện trên cơ sở phát triển, cụ thể hóa KHGD của nhà trường và tổ chuyên môn, bảo đảm tính logic, thống nhất. Khi đã có được KHGD phù hợp, sát thực, việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục của các nhà trường được triển khai nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy