Sáng 1/7, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Quy định số 11, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.
Dự, chủ trì hội nghị tại điểm cầu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có các đồng chí: Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trường Chính trị tỉnh Hà Nam có các đồng chí: Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đặng Đình Thoảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, các sở, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Cần phải xem việc xây dựng trường chính trị chuẩn là một giải pháp căn cơ, vừa có tính trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài, để trường chính trị tương xứng với vị trí, vai trò và thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ đã được Ban Bí thư xác định.
Theo đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải chuẩn từ công tác chuẩn bị giáo án đến bài giảng theo hướng xuyên suốt, có hệ thống, logic, phù hợp với từng đối tượng học viên từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp. Nội dung bài giảng phải liên tục đổi mới, thường xuyên cập nhật thông tin từ các chương trình, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để truyền đạt tới học viên một cách chân thực, sinh động, dễ hiểu.
Muốn làm được điều đó đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường đi thực tế để đưa thực tế vào bài giảng. Trong giờ học, các trường chính trị cần cân đối dành thời gian để học viên thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị, tạo sự tương tác giữa giảng viên và học viên.
Đồng chí cũng nhấn mạnh các tỉnh, thành ủy cần quan tâm, coi trọng hoạt động của trường chính trị, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, học tập đáp ứng tiêu chí trường chính trị chuẩn.
Theo Quy định số 11 của Ban Bí thư, trường chính trị chuẩn là trường đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định và được cấp có thẩm quyền công nhận. Có 2 mức độ trường chính trị chuẩn. Quy định 11 cũng nêu rõ các nhóm tiêu chí cụ thể để được công nhận trường chính trị chuẩn mức 1, mức 2 và nêu rõ các bước tổ chức thực hiện.
Thời gian đánh giá các tiêu chí để công nhận trường chính trị chuẩn là 5 năm trở về trước, kể từ thời điểm trường nộp hồ sơ đề nghị xét công nhận trường chính trị chuẩn. Quy định 11 cũng xác định rõ trách nhiệm củac các tỉnh, thành ủy trong việc chỉ đạo trường chính trị thực hiện tiêu chí, xây dựng, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên theo đúng quy định của Ban Bí thư; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất- kỹ thuật, đảm bảo chế độ, chính sách đối với cán bộ, giảng viên, học viên, phối hợp với các cơ quan trung ương có liên quan trong việc thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng, quy chế quản lý đào tạo, quản lý hoạt động bồi dưỡng và các hoạt động khác do cấp có thẩm quyền ban hành.
Nguyễn Hằng