Tiếp cận đổi mới môn Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới

Theo lộ trình, chương trình sẽ được bắt đầu triển khai thực hiện từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1 và tiếp tục thực hiện đối với lớp 6 THCS trong năm học 2021-2022, lớp 10 THPT trong năm học 2022-2023.

Môn Ngữ văn là thế mạnh của các lớp chuyên Văn trong Trường THPT chuyên Biên Hòa, vì thế học sinh cũng được tiếp cận sớm hơn với những phương pháp giảng dạy mới của giáo viên.

Trong đó, việc dạy môn Ngữ văn trong các trường phổ thông được xây dựng hướng tới mục tiêu lấy người học làm trung tâm, phát huy năng lực chung và năng lực đặc thù cho học sinh. Đồng thời, tạo độ mở về nội dung và có sự phù hợp với tổng thể các thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông. 

Phân bố chương trình môn Ngữ văn trong Dự thảo chương trình GDPT mới, ở giai đoạn giáo dục cơ bản (chương trình dành cho cấp tiểu học và cấp THCS), căn cứ yêu cầu giáo dục của từng cấp học, khối lớp, học sinh sẽ bắt buộc phải học môn Tiếng Việt (thời lượng từ 245-420 tiết/năm học đối với học sinh tiểu học) và môn Ngữ văn bắt buộc (với thời lượng từ 140 tiết/năm học đối với học sinh THCS).

Là một giáo viên dạy môn Ngữ văn dày dặn kinh nghiệm, bên cạnh việc được tham gia một số lớp tập huấn về chương trình GDPT mới do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tổ chức, cô giáo Hoàng Thị Thúy Hà (giáo viên Trường THCS Bạch Thượng, huyện Duy Tiên) còn dành khá nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu những điểm mới, sự thay đổi của chương trình môn học. 

Cô Hà cho biết: Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung cốt lõi của môn Ngữ văn là sự tổng hòa giữa các mạch kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết yếu về tiếng Việt và văn học với sự phù hợp các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh mỗi cấp học. Cá nhân tôi cho rằng, chương trình GDPT mới là một chương trình mở, hợp xu thế, không chỉ trao cho giáo viên quyền được lựa chọn nội dung, ngữ liệu giảng dạy thích hợp mà còn tạo điều kiện cho học sinh được phát huy một cách tốt nhất năng lực trong học tập. 

Với yêu cầu đổi mới môn học Ngữ văn, giáo viên bắt buộc phải có sự thích ứng nhanh với việc tự đổi mới. Trên nền chương trình, giáo viên vẫn là người cung cấp kiến thức nhưng đồng thời còn phải tổ chức tốt được các hoạt động giáo dục khác nhằm thu hút học sinh tham gia có chủ đích vào việc học, hạn chế sự áp đặt trong dạy và học.

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (đối với học sinh THPT), với mục tiêu giúp cho học sinh nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt trong các hoạt động học tập, thực tiễn đời sống cũng như tiếp cận gần hơn với một số nội dung liên quan tới định hướng nghề nghiệp, đáp ứng sở thích và nhu cầu học tập của học sinh, tuy thời lượng nội dung môn Ngữ văn vẫn được cơ cấu với 105-140 tiết/năm học nhưng được nâng cao hơn về cả nội dung và hướng tới sự phân hóa. So với chương trình GDPT hiện hành, đây được xem là sự thay đổi khá mạnh mẽ về nội dung, yêu cầu học tập và giảng dạy môn Ngữ văn trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp trong các trường THPT.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Biên Hòa, cho biết: Mục tiêu của chương trình đối với môn Ngữ văn rất rõ ràng khi muốn mang tới cho người học hầu hết các kỹ năng cần thiết nghe- nói- đọc- viết. Tuy đang trong giai đoạn chuyển giao chương trình, nhưng những năm học qua, nhà trường đã chủ động tiếp cận chương trình mới, chuẩn bị tốt đội ngũ về cả tinh thần đổi mới cũng như cách thức đổi mới. 

Đối với giáo viên, nhà trường yêu cầu tăng cường việc đổi mới phương pháp theo từng bài dạy, tiết dạy và hằng tháng, hằng tuần giáo viên phải xây dựng và thực hiện được các tiết dạy đổi mới để các tổ nhóm chuyên môn dự giờ, đánh giá. Phần lớn giáo viên nhà trường đã xác định tốt trách nhiệm cá nhân trong thực hiện đổi mới, không còn bỡ ngỡ, cũng không quá khó khăn khi tiếp cận các yêu cầu đổi mới môn học.

Bên cạnh đó, sự thay đổi về nội dung chương trình cũng được xem xét để mở ra cho người dạy sự linh hoạt và những hướng lựa chọn, tiếp cận thích hợp các tác phẩm văn học khi đưa ra quan điểm để cho giáo viên dạy môn Ngữ văn có thể không cần dựa vào bất cứ cuốn sách giáo khoa nào mà có thể tùy chọn bất cứ tác phẩm nào để dạy học. Điều đó đồng nghĩa với việc tạo cho cả người dạy và người học được tiếp cận với các tiết học môn Ngữ văn có nội dung mở. 

Tuy nhiên, cũng đặt ra một số vấn đề đáng quan tâm nhất là việc thống nhất và kiểm soát được các nội dung, ngữ liệu được giáo viên đưa vào dạy học ở từng khối lớp trong các nhà trường. Nếu cho người dạy quyền được lựa chọn ngữ liệu sẽ giúp gia tăng sự linh hoạt, sáng tạo và hạn chế sự nhàm chán trong quá trình giảng dạy, tạo cảm hứng cho cả người dạy và người học nhưng khi mỗi giáo viên có cách lựa chọn tác phẩm phục vụ giảng dạy riêng thì học sinh sẽ gặp khó khăn với các đề thi chung không đề cập tới các tác phẩm văn học đã được học trên lớp. Và, các nhà trường có thể giám sát được toàn diện quá trình lên lớp của giáo viên cũng như việc lựa chọn ngữ liệu của giáo viên có chuẩn chỉ với mục tiêu giáo dục hay không? 

Vì vậy, theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, trên cơ sở thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách, mong muốn cơ quan quản lý ngành có sự xem xét thống nhất việc lựa chọn nội dung, ngữ liệu dạy học cho các nhà trường, các cấp học một cách phù hợp, hiệu quả nhất cho cả quá trình dạy và học cũng như đối với công tác quản lý chung.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy