Theo quy định, căn cứ vào năng lực học tập và nguyện vọng cá nhân sau tốt nghiệp THCS có thể theo học ở các hệ: THPT, sơ cấp hoặc trung cấp giáo dục nghề nghiệp, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giáo dục thường xuyên (GDTX). Cả nước phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và tăng lên 40% vào năm 2025. Tuy nhiên, cũng như hầu hết các địa phương khác, hiện nay, tại Hà Nam vẫn chưa đạt được các mục tiêu này.
Với tổng số hơn 10.000 học sinh tốt nghiệp THCS mỗi năm, toàn tỉnh Hà Nam có hơn 70% học sinh vào học THPT, chỉ có xấp xỉ 12% học sinh tham gia học GDNN, còn lại là tham gia làm nghề truyền thống, làm nghề tự do và có sự tồn tại của một bộ phận học sinh tham gia vào thị trường lao động nhưng chưa qua đào tạo nghề.
Nguyên nhân của thực tế này đến từ nhiều phía. Trong đó, hầu hết các bậc cha mẹ học sinh đều có chung tâm lý mong muốn con mình đỗ được vào các trường THPT để sau này thuận lợi hơn khi có nhu cầu học cao hơn, không có nhu cầu cho con vào học trong các cơ sở GDNN. Không ít người còn cho rằng, học sinh sau tốt nghiệp THCS còn ít tuổi, chưa va vấp, tính tự lập kém, không thích hợp với việc tham gia học nghề sớm.
Đối với các nhà trường, hoạt động tư vấn học đường và tư vấn nghề cho học sinh THCS còn nhiều hạn chế; thiếu hệ thống thông tin về GDNN và định hướng PLHS sau THCS; thiếu cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, về ngành nghề đào tạo và các cơ sở đào tạo, về chính sách đối với người học và chính sách ưu đãi trong GDNN, về cơ hội tìm kiếm việc làm... Trong khi đó, học sinh còn khá thụ động trong việc tự đánh giá năng lực của bản thân, tìm hiểu ngành nghề để lựa chọn hướng đi, nghề nghiệp tương lai cho phù hợp.
Không có được những thuận lợi như hệ THPT, các hệ đào tạo khác phải đối diện với rất nhiều khó khăn, áp lực để có thể làm tốt công tác tuyển sinh, thu hút học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học. Đối với hệ GDTX, nhiều năm nay, các Trung tâm GDNN-GDTX chịu sự yếu thế hơn hẳn về tuyển sinh khi các trường đại học, cao đẳng có rất nhiều ngành nghề đào tạo cùng các chính sách hấp dẫn thu hút người học. Hơn thế, với những khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, việc tuyển sinh của các trung tâm GDNN-GDTX bị hạn chế rất nhiều. Vai trò của hệ thống các trung tâm GDNN-GDTX trong tham gia thực hiện PLHS sau tốt nghiệp THCS chưa được khẳng định đúng mức.
Đối với các cơ sở GDNN, theo đánh giá chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh chưa thực sự đạt chất lượng, hiệu quả như mong muốn. Hầu hết các cơ sở thực hiện dạy nghề chưa sát với thực tế và nhu cầu của thị trường lao động, chưa tiệm cận được với yêu cầu đào tạo nghề cho thị trường lao động, giáo trình dạy nghề còn nặng về lý thuyết chưa cân xứng với thực hành, chưa đáp ứng đòi hỏi của doanh nghiệp. Do nhiều nguyên nhân, một bộ phận học sinh tốt nghiệp GDNN chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, khó tìm được việc làm, hoặc làm việc không đúng với ngành nghề và trình độ được đào tạo khiến các cơ sở GDNN kém hấp dẫn và khó thu hút học sinh vào học, gây khó khăn trong việc PLHS sau tốt nghiệp THCS.
Để nâng cao hơn hiệu quả công tác PLHS sau tốt nghiệp THCS cần có những giải pháp tích cực hơn. Theo đó, các ngành, các cấp và các nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc PLHS sau tốt nghiệp THCS đối với cha mẹ học sinh và bản thân học sinh để từng bước thay đổi tư duy học theo năng lực, nhu cầu của học sinh. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai hoạt động tư vấn học đường và tư vấn nghề cho học sinh THCS, tăng cường thông tin về GDNN và định hướng PLHS sau THCS; cung cấp đầy đủ cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, ngành nghề đào tạo, về chính sách đối với người học trong các cơ sở GDNN và phối hợp dự báo về xu hướng của thị trường lao động. Cần quan tâm đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ và cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để các trung tâm GDNN-GDTX phát triển, đáp ứng yêu cầu học văn hóa, học nghề của học sinh sau tốt nghiệp THCS.
Đối với hệ thống các cơ sở đào tạo nghề, cần linh hoạt, chủ động thực hiện đổi mới phương pháp đào tạo theo yêu cầu thực tế, tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn trong tham gia xây dựng, điều chỉnh chương trình; tham gia giảng dạy về kỹ năng, tiêu chuẩn nghề nghiệp phù hợp yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa GDNN, đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, tăng quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng và cơ cấu ngành nghề đào tạo bám sát yêu cầu của thị trường lao động. Nâng dần tỉ lệ thu hút học sinh lớp 9 vào học nghề qua việc duy trì và mở rộng mô hình đào tạo 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng, góp phần gia tăng lực lượng lao động đã qua đào tạo có tay nghề tốt.
Thanh Hà