Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn trường học

Chúng tôi có mặt tại Trường Mầm non Tiên Hiệp (thành phố Phủ Lý) khi các nhân viên nhà bếp đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh. Điều cảm nhận đầu tiên là khu bếp có không gian thoáng mát, sạch sẽ và được thiết kế theo quy trình một chiều với các khu riêng biệt, bao gồm: khu tiếp nhận, khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn, khu chia thức ăn.

Nhà trường lựa chọn những cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Việc lưu mẫu thức ăn cũng được thực hiện theo đúng quy định. Năm học 2020-2021, nhà trường được UBND thành phố Phủ Lý hỗ trợ hệ thống máy lọc nước công nghiệp, nâng cao chất lượng nước phục vụ nấu ăn cho trẻ. 

Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn trường học
Giờ ăn trưa của trẻ tại Trường Mầm non Tiên Hiệp (thành phố Phủ Lý).

Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tiên Hiệp cho biết: Nhà trường hiện có 285 trẻ ở 10 nhóm lớp. Với môi trường đặc thù là nuôi dạy trẻ nên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Nhà trường đã đầu tư xe đẩy cơm đến các lớp, trong đó có các xoong đựng thức ăn mặn, cơm, canh được bảo quản sạch sẽ, bảo đảm cho học sinh ăn uống tại lớp, thuận tiện trong việc quản lý, chia suất ăn cho học sinh… Nhà trường cũng công khai thực đơn, khẩu phần ăn của trẻ hằng ngày trên bảng tin để phụ huynh biết và giám sát.

Nhiều năm qua, chưa có sự cố nào liên quan đến ATTP xảy ra tại trường, tạo sự tin tưởng đối với các bậc phụ huynh. Đội ngũ nhân viên bếp luôn mặc đồng phục và đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc; được khám sức khỏe định kỳ và tham gia đầy đủ các lớp tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh tổ chức.

Qua kiểm tra bếp ăn tập thể hằng năm của ngành y tế cho thấy, 100% các trường mầm non tự tổ chức ăn bán trú cho học sinh; xây dựng mô hình bếp ăn một chiều, bảo đảm vệ sinh từ khâu tiếp nhận, bảo quản, sơ chế đến chế biến thực phẩm, chia thức ăn phục vụ học sinh. Các trường cũng phân công một đồng chí trong ban giám hiệu phụ trách công tác bảo đảm ATTP tại bếp ăn tập thể.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, như: phần lớn các trường chưa xây dựng được các quy trình quản lý đối với bếp ăn tập thể; việc sơ chế, chế biến, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ và vệ sinh cơ sở có lúc chưa thực hiện đầy đủ các bước; kiến thức, thực hành về ATTP của người trực tiếp chế biến và phục vụ ăn uống tại các bếp ăn tập thể còn hạn chế…Chính vì vậy, việc quản lý và tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ trong trường học một cách khoa học, chặt chẽ bằng cách phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên từ người quản lý đến người thực hiện, phòng tránh ngộ độc thực phẩm là hết sức cần thiết.

Năm 2018, Chi cục ATVSTP tỉnh đã xây dựng điểm mô hình kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể các trường mầm non trên địa bàn thành phố Phủ Lý. Qua đánh giá, mô hình đã bảo đảm được tính khoa học, hiệu quả giúp cho việc kiểm tra, giám sát của ban giám hiệu và ban chỉ đạo y tế học đường được thường xuyên, thuận lợi, chặt chẽ hơn; người trực tiếp chế biến và phục vụ ăn uống cũng thực hành tốt hơn về ATTP, tuân thủ tốt các quy định về ATTP; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng thực phẩm qua từng khâu từ sơ chế đến chế biến.

Trên cơ sở đó, năm 2019, Chi cục đã phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Lý Nhân và thị xã Duy Tiên xây dựng mô hình kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể các trường mầm non, tiểu học và năm 2020 nhân rộng ra 3 đơn vị còn lại là các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm và Bình Lục. Mô hình được triển khai tại tất cả các trường mầm non công lập, 6 trường tiểu học thuộc các huyện Bình Lục, Kim Bảng, thị xã Duy Tiên và một số nhóm trẻ tư thục.

Tham gia mô hình, 100% bếp ăn tập thể nhà trường được điều tra thực trạng điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và 100% người quản lý, người trực tiếp chế biến thực phẩm, phục vụ ăn uống tại các bếp ăn được tiếp cận, tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các quy định, các biện pháp bảo đảm ATTP. Đội ngũ này cũng được đánh giá sự thay đổi về kiến thức, thái độ và thực hành về các biện pháp bảo đảm ATTP sau khi triển khai các biện pháp can thiệp (tập huấn phổ biến các quy định về ATTP, hướng dẫn áp dụng các quy trình quản lý ATTP vào bếp ăn tập thể của trường, tuyên truyền).

Theo đánh giá của Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Trần Quốc Trịnh, mô hình kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể trường mầm non, trường tiểu học được thực hiện với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác quản lý và bảo đảm điều kiện ATTP đối với bếp ăn tập thể trong trường học; chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Kết quả điều tra, đánh giá sau quá trình can thiệp cho thấy việc triển khai mô hình có hiệu quả tốt, công tác ATTP tại các trường có chuyển biến rõ rệt. 100% bếp ăn có sự chỉ đạo của nhà quản lý và sự tham gia của các đơn vị liên quan. Tỷ lệ hiểu biết về nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, thực hành ATTP tăng mạnh. Đây chính là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng công tác ATTP trong nhà trường, bảo đảm an toàn và đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ phát triển tốt cả về trí lực và thể lực.

Hải Yến

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy