Tạm dừng dạy và học trực tuyến để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong học tập

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, được sự đồng ý của UBND tỉnh, ngày 16/5/2021 Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có Công văn số 407/SGDĐT-VP thông báo và hướng dẫn việc nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 kết hợp thực hiện chương trình, kế hoạch năm học. Trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục tạm dừng tất cả hoạt động dạy, học (kể cả dạy, học trực tuyến) đối với bậc tiểu học và các lớp 6, 7, 8, 10, 11 cho đến khi có thông báo mới. Trước thông báo này, đã có không ít ý kiến phản ứng trái chiều về việc tạm dừng hoạt động dạy và học trực tuyến. Xung quanh vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT. 

P.V: Xin ông cho biết quan điểm của ngành giáo dục khi quyết định tạm dừng việc dạy và học trực tuyến đối với học sinh tiểu học và các lớp 6, 7, 8, 10, 11?

Ông Phạm Anh Tuấn: Do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và cả nước diễn biến phức tạp nên học sinh các cấp phải tạm dừng đến trường. Trong những đợt nghỉ để phòng, chống dịch, hình thức dạy và học trực tuyến được xem là giải pháp hữu hiệu để bảo đảm an toàn cho học sinh. Ở lần nghỉ học sau kỳ nghỉ lễ 30/4, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường trong toàn tỉnh thực hiện dạy học trực tuyến trong hai tuần, từ 3 - 16/5. Việc dạy học trực tuyến đã mang lại không ít hiệu quả khi giúp các em học sinh duy trì việc học tập, củng cố kiến thức. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, do nhiều nguyên nhân nên việc dạy và học trực tuyến không được hiệu quả ở tất cả các cấp học, địa bàn. 
Theo báo cáo từ các trường, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, nơi nào làm tốt cũng chỉ có khoảng 80% học sinh được học trực tuyến một cách thường xuyên, tỉ lệ này ở các khu vực thuộc địa bàn nông thôn thấp hơn rất nhiều. Khi tỉ lệ học sinh học trực tuyến không đạt 100%, sẽ có rất nhiều học sinh bị bỏ lại phía sau nên các nhà trường không thể hoàn thành chương trình bằng hình thức dạy học trực tuyến. 

Vì vậy, trước ý kiến muốn thực hiện việc đẩy mạnh việc học và kết thúc chương trình năm học sớm, tổ chức thi, kiểm tra bằng hình thức trực tuyến như nhiều địa phương khác, chủ trương của ngành là: sẽ không kết thúc chương trình năm học bằng hình thức trực tuyến vì còn nhiều học sinh không có điều kiện học trực tuyến. Việc hoàn thành chương trình, kết thúc năm học sẽ thực hiện khi điều kiện cho phép học sinh tới trường. 

Tạm dừng dạy và học trực tuyến để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong học tập
Sau 2 tuần học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19, hiện nay, học sinh tiểu học và các lớp 6, 7, 8, 10, 11 trên địa bàn tỉnh tạm dừng học trực tuyến.

P.V: Nhiều người đặt câu hỏi, việc học trực tuyến đang rất ổn định, trong khi chương trình năm học vẫn còn, học sinh các cấp chưa được kiểm tra, đánh giá cuối năm thì tại sao lại dừng việc dạy và học trực tuyến? 

Ông Phạm Anh Tuấn: Thời gian qua, mặc dù Sở GD&ĐT không bắt buộc giáo viên và các nhà trường phải triển khai dạy học trực tuyến mà chỉ khuyến khích thực hiện bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, của học sinh, nhưng các nhà trường đã có sự chủ động rất tốt trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến. Tuy vậy, sự nền nếp, ổn định không có được ở tất cả các cơ sở giáo dục, các cấp học, các địa phương. Đúng là hiện nay chưa có cấp học nào trên địa bàn tỉnh hoàn thành chương trình năm học, nhưng thời gian kết thúc năm học vẫn còn, ngành giáo dục vẫn có thể chủ động được thời điểm kết thúc năm học mà không ảnh hưởng tới chất lượng học tập của học sinh. Trước diễn biến dịch bệnh đang rất phức tạp và có thể kéo dài như hiện nay, Sở GD&ĐT chủ trương tạm dừng việc dạy, học (kể cả dạy, học trực tuyến) đối với học sinh tiểu học và các lớp 6, 7, 8, 10, 11 để giúp giáo viên và học sinh giảm bớt áp lực. Chúng ta cần dành thời gian để giáo viên bồi dưỡng chuyên môn, nghỉ ngơi tái sản xuất sức lao động để ra lớp dạy bù kết thúc năm học trong thời gian tới đây. 

Việc dừng hoạt động dạy, học (kể cả dạy, học trực tuyến) là giải pháp tối ưu trong hoàn cảnh toàn ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hiện nay. Hoạt động dạy và học trực tuyến hiện tại được ưu tiên cho học sinh lớp 9 và lớp 12 để chuẩn bị thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp và xét tuyển cao đẳng, đại học năm 2021. 

Trên thực tế, quyết định tạm dừng dạy và học trực tuyến đã nhận được sự ủng hộ của phần lớn cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành.

P.V: Đến nay, nội dung chương trình năm học của học sinh các cấp ở tỉnh ta đã được thực hiện tới đâu và sẽ còn khoảng bao nhiêu thời gian nữa mới có thể hoàn thành toàn bộ chương trình, kết thúc năm học, thưa ông?

Ông Phạm Anh Tuấn: Đến thời điểm trước khi nghỉ dịch lần này, chương trình học của các lớp, các cấp học trên địa bàn tỉnh đã gần như được hoàn thành, dung lượng kiến thức và thời lượng chương trình còn lại của năm học không nhiều (vì trước đó, các trường đã thực hiện dạy học trực tuyến được 2 tuần- PV), chỉ cần tập trung dạy và học trong khoảng 1-2 tuần nữa là có thể kết thúc. 
Thời gian kết thúc năm học có thể kéo dài hơn khung năm học theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các nhà trường có nhiệm vụ hoàn thành nốt lượng kiến thức còn lại và tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối năm khi học sinh đi học trở lại.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hà (Thực hiện)

Bình luận bài viết

Bình luận

  •  Bao Công
    2 năm trước

    Lãnh đạo sáng suốt và có tầm nhìn tốt.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy