kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 – Trách nhiệm vì học sinh thân yêu

Lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 – Trách nhiệm vì học sinh thân yêu

Năm học 2020-2021 là năm học bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó khối lớp 1 của các trường tiểu học sẽ là đối tượng đầu tiên được học theo chương trình mới.

Để chuẩn bị các điều kiện cho triển khai dạy và học theo chương trình này, bên cạnh các yếu tố về cơ sở vật chất, đội ngũ, thời gian qua Hà Nam đã thực hiện lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 bảo đảm đúng thời gian, có sự đồng thuận và thống nhất cao.

Lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 – Trách nhiệm vì học sinh thân yêu
Hội đồng lựa chọn SGK lớp 1 tại các trường tiểu học có sự tham gia tích cực của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Có định hướng kịp thời

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), việc chọn SGK lớp 1, năm học 2020-2021 ở Hà Nam được triển khai theo đúng quy định. Các trường tiểu học trên địa bàn đã được trao quyền quyết định lựa chọn SGK, làm tiền đề để tỉnh thống nhất chọn ra bộ SGK tốt nhất. Đã có 5 bộ sách được đưa về các nhà trường, gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Cùng học để phát triển năng lực (đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) và Cánh diều (của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh). Đây là những bộ sách được đánh  giá cao về nội dung, hình thức, tiệm cận với nhiều kiến thức, kỹ năng phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Để giúp các nhà trường có sự chọn lựa sách đúng hướng, có trọng tâm, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, cùng với những hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tỉnh ta đã ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh từ năm học 2020-2021 với 6 nhóm tiêu chí cụ thể, gồm: phù hợp với việc học tập của học sinh; phù hợp, thuận tiện, hiệu quả đối với xây dựng kế hoạch bài dạy của giáo viên; ngữ liệu; phù hợp với điều kiện của địa phương; phương pháp dạy học; các yếu tố đi kèm với SGK nhằm hỗ trợ, bảo đảm chất lượng dạy và học. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới nhóm tiêu chí lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện thực tế dạy và học, có nội dung bảo đảm tính kế thừa về ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương; bảo đảm tính mềm dẻo, có thể điều chỉnh để phù hợp với khả năng học tập của nhiều nhóm đối tượng học sinh tại địa phương; phù hợp với năng lực chung của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương; phù hợp với khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại các cơ sở giáo dục.

Trong năm 2019, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các nhà xuất bản giới thiệu các bộ SGK và cung cấp thông tin giới thiệu về SGK cho các cơ sở giáo dục. Đồng thời, tổ chức hội nghị giới thiệu SGK lớp 1 theo danh mục SGK đã được phê duyệt, giúp các cơ sở giáo dục và giáo viên được lựa chọn dạy lớp 1 năm học 2020-2021 có điều kiện nắm bắt nội dung các bộ sách, sẵn sàng tham gia lựa chọn SGK tại cơ sở giáo dục.

Sự chủ động của các cơ sở giáo dục

Trên cơ sở định hướng cụ thể này, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã chủ động, khẩn trương tiếp cận nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung các môn học, các bộ sách được cung cấp, công tác chọn SGK được thực hiện bài bản. Tại các nhà trường, giáo viên được chia thành khối, tổ bộ môn trao đổi, thảo luận và trình bày tổng hợp của nhóm, khối về những ưu điểm, khuyết điểm của từng phân môn trong 5 bộ sách. Sau khi giáo viên tự nghiên cứu, các nhà trường tổ chức trao đổi để từng nhóm, tổ chia sẻ công khai, khách quan về những lợi thế, cũng như nhược điểm của các môn trong từng bộ sách mới.

Theo thầy giáo Lại Văn Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Tân (Thanh Liêm), đây là nền tảng ban đầu để nhà trường thực hiện nghiêm các quy trình lựa chọn SGK, phát huy được tư duy của các thành viên trong Hội đồng chọn SGK của nhà trường. Mặc dù bản mẫu SGK chuyển đến các cơ sở giáo dục không cùng thời điểm, không đầy đủ hoặc chuyển rải rác các đầu sách gây khó khăn ban đầu cho các nhà trường và giáo viên trong việc đọc, nghiên cứu, nhưng với sự chủ động, tích cực từ nhiều phía, nhà trường đã sớm hoàn thành việc lựa chọn SGK. Cô giáo Nguyễn Thị Thu (Trường Tiểu học Thanh Tân, Thanh Liêm) chia sẻ: Được tham gia lựa chọn SGK lớp 1, bản thân tôi đã thực hiện nghiêm quy trình lựa chọn của Hội đồng chọn SGK nhà trường. Tôi và các thành viên trong tổ đã nghiên cứu kỹ và đọc hết những danh mục sách quy định. Với 5 bộ sách, chúng tôi dành rất nhiều thời gian, công sức đánh giá ưu, khuyết điểm của từng bộ, thống nhất ý kiến lựa chọn một bộ chung phù hợp với nhận thức của học sinh và với tình hình của địa phương, bảo đảm chuẩn kiến thức kỹ năng và tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh trong quá trình tiếp cận bài học.

Qua quá trình nghiên cứu, lựa chọn SGK mới, khi được hỏi, đa số giáo viên của các trường tiểu học đều khẳng định, nội dung của SGK mới có những ưu điểm nhất định. Ví dụ, bài luyện đọc ở phân môn Tiếng Việt 1 được tăng cường nhiều, thay vì trước đây ngữ liệu trong sách rất ít nên giáo viên thường phải tìm thêm để bổ trợ cho học sinh; sách có hình ảnh đẹp, gần gũi với học trò; có bộ sách, chữ cái của bài học trong tuần được in ở góc phải, cũng là cách để học sinh dễ nhớ bài. Ngoài ra, nội dung bài học được thiết kế phù hợp nhằm phục vụ kĩ năng nghe, nói, đọc, viết của học sinh…

Tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý), ngay sau khi Bộ GD&ĐT có Thông tư số 01/2020/TT-BGD&ĐT hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông và văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ động tìm hiểu về 5 bộ sách để biết được bộ nào là phù hợp nhất với đơn vị mình. Nhà trường đã thành lập Hội đồng thẩm định SGK với 17 thành viên, thực hiện việc tổng hợp các ý kiến, sự lựa chọn của các tổ, nhóm, tiến hành bỏ phiếu lựa chọn bộ SGK nhận được nhiều ý kiến lựa chọn nhất. Cô giáo Phạm Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Quan điểm của nhà trường và cá nhân mỗi giáo viên chính là phải công tâm, khách quan, có trách nhiệm cao để chọn lựa được bộ sách có giá trị về mọi mặt, sẽ được sử dụng lâu dài trong nhà trường và nhà trường chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình trước sự đánh giá của cơ quan chức năng và phụ huynh học sinh. Trên cơ sở đó, ngày 28/4, Hội đồng lựa chọn SGK của trường đã chọn xong bộ sách với 8 môn bắt buộc và môn Tiếng Anh tự chọn; đồng thời, chủ động đề xuất phương án sử dụng bộ sách này cho năm học mới.

 

Sự vào cuộc tích cực

của phụ huynh

Trong quy định của việc chọn lựa SGK lớp 1, yêu cầu Hội đồng lựa chọn SGK của các nhà trường phải có mặt và đóng góp ý kiến của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo ý kiến của các nhà trường, sự có mặt, đóng góp ý kiến của đại diện cha mẹ học sinh có ý nghĩa rất quan trọng nhằm bảo đảm tính minh bạch, khách quan cho suốt quá trình chọn sách. Tuy vai trò của đại diện cha mẹ học sinh không được thể hiện rõ ràng đối với chuyên môn nhưng lại được coi như những giám sát viên trong suốt quá trình lựa chọn sách ở mỗi nhà trường.

Chị Hoàng Thị Liên (công tác tại Trung tâm Khuyến nông, Sở NN&PTNT) khi được mời tham gia Hội đồng lựa chọn sách của Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý đã xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc tham gia lựa chọn được bộ sách tốt nhất. Chị Liên chia sẻ: Bên cạnh việc dành thời gian đọc kỹ 45 đầu sách, tôi còn có những buổi thảo luận riêng với các phụ huynh khác trước khi bỏ lá phiếu của mình lựa chọn SGK theo quy định. Bên cạnh yếu tố giá cả, điều chúng tôi quan tâm nhất chính là bộ sách được chọn phải có nội dung, dung lượng kiến thức đáp ứng yêu cầu thúc đẩy khả năng học tập của học sinh, không quá tải nhưng cũng không quá hời hợt. Sau một thời gian tự nghiên cứu, được bàn bạc, trao đổi, thảo luận, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã đồng thuận với nhà trường quyết định chọn những cuốn sách có giá trị, phù hợp nhất để sử dụng trong năm học 2020-2021…

Không chỉ riêng chị Hoàng Thị Liên, trên cơ sở được trao đổi, thảo luận, bàn bạc dân chủ, công khai, Ban đại diện cha mẹ học sinh các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp không nhỏ vào việc lựa chọn bộ SGK theo hướng thống nhất, có chất lượng.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, đã có 123/123 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh lựa chọn các cuốn sách: Tiếng Việt 1 (trong bộ sách Cùng học để phát triển năng lực của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), Đạo đức 1, Tự nhiên và Xã hội 1, Âm nhạc 1 (trong bộ sách Cùng học để phát triển năng lực của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam); Toán 1, Mĩ thuật 1, Hoạt động trải nghiệm 1 (trong bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam); Giáo dục thể chất (trong bộ sách Cánh diều của Nhà xuất bản Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh); Tiếng Anh 1 của chủ biên Nguyễn Thu Hiền. Các nhà trường đã công bố công khai và thực hiện niêm yết danh mục SGK được lựa chọn sử dụng trong năm học 2020-2021 tại cơ sở giáo dục trước ngày 5/5. Với sự lựa chọn này, bảo đảm cho trên 16.000 học sinh lớp 1 bước vào năm học 2020-2021 sẽ có đầy đủ hơn các điều kiện được học tập tốt theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy