Khi các vấn đề xã hội được đưa vào thi cử

Những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới giáo dục, các vấn đề liên quan tới thi cử của học sinh cũng đang có nhiều thay đổi. Một trong những thay đổi dễ nhận thấy, đó là việc đưa các vấn đề mang tính thời sự, các vấn đề xã hội được dư luận quan tâm vào đề thi.

Các dạng đề có tính mở được đưa vào trong các đề thi đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình không chỉ từ phía giáo viên, học sinh mà với cả dư luận xã hội với mong muốn khắc phục dần một số hạn chế của chương trình giáo dục hiện hành là thiếu thực tiễn, nặng tính hàn lâm, kiến thức học tập trong tất cả các cấp học ít có hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn. Ghi nhận từ thực tế thấy rõ, khi đưa các vấn đề xã hội vào đề thi, ngành giáo dục và các cơ sở giáo dục đã có sự tìm hiểu, lựa chọn tương đối kỹ các nội dung. Vấn đề, sự kiện, sự việc vừa gần gũi với thực tế của giới trẻ, tạo sự hấp dẫn, thú vị với học sinh, vừa đạt được mục tiêu định hướng và giáo dục. 

Khi các vấn đề xã hội được đưa vào thi cử
Nhiều thí sinh dự Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT không chuyên năm 2020-2021 tại điểm thi Trường THPT A Phủ Lý đã thể hiện khá tốt suy nghĩ cá nhân về ý nghĩa của sự chia sẻ được đề cập trong đề thi môn Ngữ văn.

Có thể đưa ra một vài ví dụ về tính mở của các đề thi gắn với các vấn đề được xã hội quan tâm hiện nay: Anh (chị) hãy viết một bài văn nghị luận phát biểu ý kiến cá nhân về vấn đề “Hiện tượng sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với người thân, gia đình và cộng đồng của một bộ phận người trẻ hiện nay”; Nêu suy nghĩ của bản thân về vấn đề sử dụng ngôn ngữ giao tiếp của học sinh hiện nay; hay Hãy viết một bài nghị luận về tình trạng nói tục, chửi thề trong học sinh…

Mới đây nhất, trong các đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT của tỉnh, thi tốt nghiệp THPT, một số vấn đề xã hội tiếp tục được xây dựng thành những câu hỏi hay để thí sinh giải quyết như: Viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về vấn đề “Chấp nhận phần khuyết của chính mình”; Trình bày suy nghĩ cá nhân về ý nghĩa của sự chia sẻ; Từ nhận định “Sống hết mình cho hiện tại sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai”, hãy trình bày suy nghĩ của mình về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày; Xác định quyền công dân trước việc làm viết một bài báo bày tỏ lòng tri ân đối với các nhân viên y tế trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19 (đề thi môn GDCD, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020); thậm chí, trong cả đề thi khoa học tự nhiên như môn Sinh học (thi tốt nghiệp THPT 2020) cũng đã có câu hỏi liên quan đến dịch bệnh Covid-19 khi hỏi thí sinh đếm xem có bao nhiêu cách giúp phòng, chống dịch bệnh này…

Theo em Mai Quang Hưng (học sinh lớp 12, Trường THPT A Phủ Lý), đối với các vấn đề xã hội được đưa vào các môn thi, làm theo hình thức trắc nghiệm, sẽ có những câu trả lời sẵn để thí sinh lựa chọn, tuy không khó nhưng lại mang tới cho thí sinh sự thích thú bởi tính mới. Riêng với môn Ngữ văn, các câu hỏi trong phần làm văn ở các đề thi Ngữ văn, mỗi thí sinh có thể tự lựa chọn cho mình một phương thức biểu đạt phù hợp để làm bài…

Trên thực tế, qua ý kiến của nhiều giáo viên đã từng tham gia chấm thi, phần lớn học sinh đã lựa chọn nghị luận làm phương thức biểu đạt cho mình. Vì qua đây, các em có thể nêu lên thực tế của vấn đề và rất dễ thể hiện cũng như bày tỏ được quan điểm, thái độ, suy nghĩ của mình về vấn đề bàn luận. Tuy vậy, với quan điểm: Văn học là nhân học, học văn để học làm người, giáo dục phải có tính định hướng, nên việc lựa chọn các vấn đề xã hội làm thành một nội dung trong đề thi môn Ngữ văn cũng không đơn thuần là có sự kiện, vấn đề gì đang được xã hội quan tâm cũng đều có thể mang ra cho học sinh bình luận, đánh giá.

Một giáo viên dạy môn Ngữ văn, chia sẻ: Thực ra, việc lựa chọn vấn đề để xây dựng thành các đề thi mang tính mở cũng không có nhiều khó khăn. Trong đời sống xã hội, với những biến động không ngừng như hiện nay thì việc tìm vấn đề, sự kiện cho học sinh bày tỏ quan điểm, thái độ càng dễ dàng hơn nhiều. Nhưng theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng, không phải vấn đề, sự kiện nào cũng có thể đưa thành đề thi cho học sinh mà phải có sự cân nhắc, tính toán một cách thận trọng để có sự lựa chọn vấn đề bảo đảm yêu cầu phù hợp với lứa tuổi, tâm lý, tình cảm của học sinh.

Hơn thế, trong quá trình học tập tại trường, thông qua các đề kiểm tra dạng mở, các nhà trường đã kiểm tra, đánh giá được tương đối sát thực năng lực học sinh, góp phần cung cấp thêm nhiều thông tin để học sinh biết vấn đề mình học gắn với thực tiễn như thế nào, định hướng giáo dục cho các em ra sao, giúp học sinh hiểu rõ hơn các giá trị mà mình đã được học, cả về kiến thức và đạo đức, lối sống, quan điểm sống.

Việc đưa các đề thi mang tính mở, đề thi gắn với các vấn đề xã hội vì vậy vẫn cần tiếp tục được quan tâm. Định hướng cho các đề thi mở tuy không giới hạn về vấn đề, nhưng nội dung cần đi sâu vào việc tăng cường các câu hỏi tổng hợp, câu hỏi có tính vận dụng cao, gắn với các chủ đề phù hợp với học sinh để các em có thể bày tỏ chính kiến của mình. Để làm được điều đó, việc làm bài của học sinh sẽ không chỉ dừng lại ở việc phân tích, cảm nhận đơn thuần những kiến thức đã được học trong sách giáo khoa mà phải có được sự so sánh, liên hệ, cảm nhận và thể hiện quan điểm của mình về vấn đề đưa ra trong đề thi.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy