Năm học 2022 - 2023 là năm học thứ 2 các THCS triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trong đó có việc giảng dạy một số môn học tích hợp gồm: Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 môn: Hóa học, Sinh học, Vật lý). Trong điều kiện đội ngũ giáo viên hầu hết chỉ được đào tạo đơn môn nên việc triển khai dạy các môn tích hợp gây nhiều khó khăn cho chính giáo viên và các nhà trường. Tuy nhiên, với yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ giáo viên và các nhà trường đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn trong giảng dạy các môn tích hợp.
Nói về khó khăn, các giáo viên khi được phân công dạy các môn tích hợp đều có chung chia sẻ: Trong suốt thời gian công tác cả chục năm, thậm chí hơn thế, giáo viên cơ bản đều chỉ dạy một môn theo đúng chuyên môn đào tạo. Cũng có nghĩa, bằng đó năm công tác họ đều không còn học hay nắm bắt được các kiến thức của các môn học khác. Trong khi đó, theo yêu cầu mới của chương trình giáo dục, các giáo viên dạy môn Lịch sử phải dạy được cả môn Địa lý và ngược lại. Tương tự, giáo viên các môn Hóa học, Sinh học, Vật lý cũng đang chịu khá nhiều áp lực khi phải dạy nội dung các môn học không được đào tạo trước đây. Và như vậy, để dạy được theo đúng yêu cầu chương trình và sách giáo khoa mới, giáo viên buộc phải học đồng thời kiến thức nhiều môn học. Với môn học Lịch sử và Địa lý, giáo viên còn đỡ khó khăn, vướng mắc hơn giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên vì yếu tố đặc thù môn học không phải thiên về đọc chép hay soạn bài điện tử rồi trình chiếu cho học sinh xem, mà đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức nền tảng môn học vững vàng để truyền đạt cho học sinh những kiến thức, việc thực hành thí nghiệm, tư duy lô-gic. Bài giảng không chỉ là những kiến thức trong sách giáo khoa, mà giáo viên còn phải mở rộng kiến thứϲ bên ngoài để học sinh có thêm sự hiểu biết và cách vận dụng thực tế.
Chia sẻ thêm, có giáo viên đã khẳng định: Sau tầm 10 năm đứng lớp, phương pháp sư phạm của giáo viên đã có thể thành kỹ năng nên khi chuyển từ dạy đơn môn sang dạy tích hợp, giáo viên cơ bản không thiếu kỹ năng và phương pháp mà chỉ đang chưa có được dung lượng kiến thức cần về các môn học. Tuy nhiên, việc cập nhật và dung nạp kiến thức môn học khác ngoài chuyên môn đào tạo thực sự không phải là việc dễ cải thiện được, nhất là với những giáo viên có tuổi đời, tuổi nghề cao. Đó còn chưa kể tới việc giáo viên phải dạy tăng tiết, lo giáo án, làm hồ sơ, sổ sách, tham gia thao giảng, hội giảng…cũng làm ảnh hưởng khá nhiều tới việc tự học, tự bồi dưỡng các môn học.
Từ thực tế này, các trường THCS đã căn cứ vào tình hình thực tế đội ngũ để phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên và yêu cầu của bộ môn. Mặc dù quá trình triển khai giảng dạy đặt ra nhiều vấn đề đối với giáo viên nhưng cơ bản giáo viên đều thống nhất quan điểm dạy học tích hợp là đưa các nội dung giáo dục có liên quan ở các môn học độc lập thành môn học chung, tránh việc học sinh phải học đi học lại nhiều lần cùng một nội dung, kiến thức ở các môn học khác nhau. Việc tích hợp một số môn học trong Chương trình GDPT 2018 cấp THCS được kỳ vọng giúp cho học sinh có thể vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực chuyên môn giải quyết các vấn đề thực tế và giúp phát triển phẩm chất, năng lực cá nhân. Cô giáo Phạm Thị Phượng, giáo viên Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến (thị xã Duy Tiên) cho biết: Tuy là môn tích hợp, nhưng sách giáo khoa lớp 6, 7 chia rõ ràng nội dung kiến thức Lịch sử và Địa lý. Giáo viên căn cứ vào đó để soạn bài, tự xây dựng các nội dung giống nhau của 2 môn lồng ghép vào bài giảng tạo thành chủ đề chung chứ không phải 2 giáo viên cùng dạy trong một tiết.
Cũng như vậy, với môn Khoa học tự nhiên, hiện các nhà trường vẫn thực hiện phân công các giáo viên đơn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đảm nhiệm dạy học, hướng tới việc một giáo viên có thể đảm nhiệm ít nhất từ 2-3 phân môn trong các môn tích hợp và có sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục đối với các môn tích hợp. Đồng thời, xác định cụ thể lộ trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, có biện pháp hỗ trợ thực hiện bồi dưỡng tại chỗ, tạo điều kiện cho giáo viên tự bồi dưỡng để có vốn tri thức rộng và khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức các môn học liên quan. Vừa được thiết kế thành các mạch chủ đề, giáo viên được đào tạo đơn môn có thể vận dụng các thành tố của các môn học để xây dựng thành bài giảng có tính logic, khoa học, chương trình các môn học tích hợp cấp THCS vừa thêm một số chủ đề mang tính tích hợp cao nhưng vẫn bảo đảm tính độc lập tương đối, hỗ trợ học sinh tìm hiểu kiến thức ở mức độ cao hơn nên giáo viên sẽ lần lượt dạy theo chủ đề phù hợp với chuyên môn của mình và kết thúc chủ đề nào thì kiểm tra đánh giá chủ đề đó. Giáo viên đã và đang từng bước làm quen với việc tự chủ động tìm ra sự thống nhất của các môn học, nghiên cứu cách kết nối các đơn vị kiến thức còn rời rạc thành hệ thống kiến thức có tính liên kết, xây dựng thành các chủ đề dạy học.
Việc bố trí, sắp xếp thời khóa biểu môn Khoa học tự nhiên hay Lịch sử và Địa lý được các nhà trường tổ chức linh hoạt theo phân môn, tránh sự chồng chéo vì nếu học tất cả kiến thức một môn trong cả 2 hoặc 3 tiết học môn tích hợp thì những nội dung liên quan đến các môn học còn lại sẽ rất khó giải quyết và sẽ không còn giá trị môn học tích hợp nữa. Hơn thế, nếu để một giáo viên dạy hết cả 3 môn trong khi chỉ được đào tạo đơn môn thì ngoài việc không bảo đảm kiến thức sâu, giáo viên không thể giải đáp, hỗ trợ tốt cho học sinh trong quá trình học tập.
Thanh Hà