Chiều 31/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến về tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại 64 điểm cầu. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội, cùng dự có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Tại điểm cầu Hà Nam, đồng chí Đinh Thị Lụa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Báo cáo nhanh về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ông Mai Văn Chinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã chủ động mọi điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên cơ sở bám sát 5 nhiệm vụ trọng tâm. Toàn bộ văn bản, quy chế hướng dẫn thi, các phần mềm quản lý thi, chấm thi trắc nghiệm… đã chuyển về các địa phương đầy đủ. Bộ đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi ở các địa phương. Công tác tập huấn nghiệp vụ thi cho cán bộ làm công tác coi thi đang được tiến hành.
Đối với các địa phương, việc chuẩn bị cho tổ chức kỳ thi đến thời điểm này cơ bản đã hoàn thành, như: Đã thành lập Ban chỉ đạo kỳ thi của tỉnh, Hội đồng thi và các Ban của hội đồng thi, hội đồng chấm thi, hội đồng in, sao, vận chuyển đề thi, sắp xếp điểm thi và lên phương án điểm thi dự phòng.
Về cơ sở vật chất, thiết bị chuẩn bị cho kỳ thi của các đơn vị đều cơ bản đáp ứng yêu cầu. Hầu hết các địa phương đã chủ động chọn lựa cán bộ, giáo viên, lực lượng làm công tác thi có năng lực, tinh thần trách nhiệm… sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong kỳ thi.
Phát biểu tại hội nghị, nhiều địa phương cho rằng, đây là một kỳ thi đặc biệt nhất từ trước tới nay do dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng vẫn chủ động chuẩn bị mọi điều kiện để kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch đảm bảo an toàn, nghiêm túc, khách quan, tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam đã đề xuất Bộ GD&ĐT đặc cách xét tốt nghiệp THPT cho các học sinh hai địa phương này khi mà tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại đây. Riêng tỉnh Quảng Nam còn đề xuất phương án có thể cho học sinh tỉnh thi sau 1 tháng bằng đề thi dự phòng của Bộ nếu đến thời điểm diễn ra kỳ thi, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Bộ Công an đề nghị công an các địa phương rà soát kế hoạch cụ thể để bố trí lực lượng vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo an ninh trật tự cho kỳ thi.
Bộ Y tế cho rằng, các ngành Giáo dục, Y tế, Công an, Quân sự là 4 ngành cốt lõi tham gia tổ chức kỳ thi này nên phải phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành. Bộ Y tế đề xuất các địa phương không chỉ thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh mà cần có cả Ban chỉ đạo cấp huyện vì hầu hết các điểm thi đều thuộc địa bàn các huyện quản lý, cần có sự tham gia vào cuộc của các lực lượng chức năng cơ sở mới đảm bảo hiệu quả…
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các địa phương trong công tác chuẩn bị, triển khai tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 trong điều kiện đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhiều địa phương được đặt trong tình trạng nguy cơ cao.
Bộ trưởng yêu cầu các địa phương cần chủ động mọi tình huống, không chỉ đảm bảo an toàn về an ninh mà còn đảm bảo an toàn về sức khỏe cho tất cả mọi người, từ học sinh, giáo viên, cán bộ làm công tác thi đến lực lượng an ninh, nhân dân…Đồng thời, các địa phương tiếp tục bám sát diễn biến của kỳ thi, riêng hai tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cần bình tĩnh, sát sao tình hình, tiếp tục kế hoạch theo lịch trình, báo cáo bộ, ngành liên quan để các bộ, ngành tham mưu với Chính phủ có quyết định phù hợp với tình hình.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các cơ quan truyền thông thông tin về kỳ thi cũng như tình hình dịch bệnh một cách kịp thời, hợp lý tránh thông tin gây nóng vấn đề, tạo tâm lý hoang mang, bất ổn cho phụ huynh và học sinh.
Giang Nam