Giáo dục theo phương pháp STEM - Những kết quả bước đầu

Cùng với dạy học theo hướng tích hợp, dạy học liên môn, một vài năm gần đây, các trường trung học đang từng bước làm quen với một phương pháp dạy học mới. Đó là ứng dụng giáo dục STEM - một trong những phương pháp giáo dục tích cực nhằm trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan tới các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Một sản phẩm của học sinh khối THCS tham gia Ngày hội STEM năm 2019 được tổ chức tại Trường THPT chuyên Biên Hòa.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thúy Liệu, giáo viên Trường THCS Trần Quốc Toản: Mặc dù khái niệm tương đối mới mẻ nhưng STEM khi được ứng dụng trong quá trình giảng dạy cơ bản đều phải được tổ chức thông qua cách giảng dạy tích hợp, liên môn nên chỉ cần giáo viên có sự chủ động, sáng tạo trong giảng dạy, tổ chức được các hoạt động giáo dục có tính ứng dụng, thực hành cho học sinh tham gia. Để giáo dục STEM thực sự phát huy được tính hiệu quả trong nhà trường, ngoài yếu tố người dạy cũng rất cần yếu tố “đối ứng”, đó là sự đam mê nghiên cứu, khám phá, sáng tạo khoa học của học sinh…

Ở Hà Nam, từ năm học 2018-2019, việc dạy học theo phương pháp STEM đã được triển khai điểm tại Trường THPT chuyên Biên Hòa. Song song với các phương pháp giáo dục truyền thống, giáo dục hiện hành, việc thực hiện dạy và học theo phương pháp giáo dục STEM ở đây được ghi nhận đã mang tới cho giáo viên và học sinh nhiều trải nghiệm hiệu quả. 

Trong hầu hết hoạt động giáo dục được tổ chức như: học lý thuyết trên lớp; học thực hành, hoạt động sáng tạo ngoại khóa… yếu tố thực hành và vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề của thực tiễn đã được phát huy tích cực. 

Theo đó, nhiều học sinh có cơ hội thể hiện ưu thế nổi bật về kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học, khả năng sáng tạo, tư duy logic. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên trở thành người thiết kế hoạt động phù hợp với học sinh, có khả năng tích hợp, lồng ghép các kiến thức có liên quan để học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng, thực hành, tạo ra được những sản phẩm hữu ích. 

Việc học theo phương pháp STEM trên thực tế là một cách học tổng hòa nhiều dạng kiến thức trong một thể tích hợp, vừa giúp học sinh có thái độ học tập tích cực, vừa có thể tạo ra khá nhiều tác dụng tích cực tới việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. 

Một điểm mạnh khi áp dụng STEM vào giảng dạy là giáo viên đã trao quyền chủ động tổ chức các tiết học cho học sinh, tiệm cận từng bước tới mục tiêu học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình. Tất cả những yếu tố giáo dục này hoàn toàn phù hợp khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai thực hiện đối với cấp THCS vào năm học 2021-2022 và vào năm học tiếp theo đối với cấp THPT.

Hiện nay, các trường trung học đang có sự bắt nhịp dần với giáo dục STEM. Thầy giáo Trương Văn Tuyến, giáo viên Toán - Tin Trường THCS Đạo Lý (Lý Nhân) cho biết: Trong quá trình giảng dạy trên lớp, giáo viên đã thường xuyên cho các em học sinh làm quen với việc sáng tạo từ việc tích hợp kiến thức các môn học. Với sự hướng dẫn, định hướng của giáo viên, các em đã biết tự rút kinh nghiệm từ việc lập ý tưởng cho tới quá trình nghiên cứu, chế tạo các dự án. Không phải học sinh nào cũng đều có năng khiếu, tố chất nghiên cứu, sáng tạo khoa học, kỹ thuật nên khi dạy học tích hợp, liên môn theo phương pháp STEM, giáo viên phải biết phân loại học sinh để khơi gợi khả năng sáng tạo và rèn cho các em kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện… Mới đây, thầy Tuyến đã hướng dẫn hai học sinh nghiên cứu thành công một dự án liên quan đến ứng dụng phần mềm có tên gọi “Phần mềm trợ lý ảo 3D tự động trả lời các câu hỏi trong quá trình học tập của học sinh”. 

Đây là một sản phẩm được nghiên cứu trên cơ sở tích hợp kiến thức của các môn học như: Toán, Tin học, Vật lý, Công nghệ, có khả năng giải đáp các câu hỏi của học sinh thông qua kho dữ liệu tìm kiếm được trên Internet. Cách giao tiếp với phần mềm khá đơn giản, phù hợp với nhiều đối tượng học sinh, khi tham gia Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học của huyện đã được Ban giám khảo đánh giá có tính ứng dụng cao. Từ những hoạt động này giúp nhà trường dễ dàng hơn trong việc đưa phương pháp giáo dục STEM vào giảng dạy.

Giáo dục STEM Khơi gợi tư duy sáng tạo trong học sinh

Giáo dục STEM Khơi gợi tư duy sáng tạo trong học sinh

Theo quan điểm giáo dục STEM chính là một trong những phương pháp giáo dục tích cực nhằm trang bị cho người học những kiến thức kỹ năng cần thiết liên quan tới các lĩnh vực khoa học công nghệ kỹ thuật và toán học Đồng thời các kiến thức kỹ năng này đều phải được tổ chức thông qua cách giảng dạy tích hợp liên môn

Qua tìm hiểu được biết thêm, tuy được đánh giá là phương pháp giáo dục có tính tích cực, được nhiều nền giáo dục của các nước tiên tiến áp dụng nhưng việc triển khai cũng đặt ra cho các nhà trường và các cấp, ngành một số vấn đề cần quan tâm. Việc chọn triển khai phương pháp giáo dục STEM với các môn học trên nền tảng công nghệ thông tin như khoa học máy tính, robotics, khoa học dữ liệu… nhưng không phải cơ sở giáo dục nào cũng được trang bị đầy đủ hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ quá trình nghiên cứu, thực hành của giáo viên và học sinh. Cùng với đó, do sĩ số học sinh các lớp học hiện khá đông; không gian lớp học thậm chí không gian trường học ở nhiều nơi còn quá chật chội, không bảo đảm cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo định hướng STEM. Về phía đội ngũ, việc đổi mới mang tới cho giáo viên không ít khó khăn, vất vả nên sẽ không phù hợp với một bộ phận giáo viên chậm đổi mới, ngại đổi mới. Ngay cả với các giáo viên có tinh thần đổi mới cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là những giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.