Giáo dục STEM: Khơi gợi tư duy sáng tạo trong học sinh

Theo quan điểm giáo dục, STEM chính là một trong những phương pháp giáo dục tích cực nhằm trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan tới các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Đồng thời, các kiến thức, kỹ năng này đều phải được tổ chức thông qua cách giảng dạy tích hợp, liên môn.

Một nghiên cứu tạo dòng điện nối tiếp từ những quả chanh tươi.

Năm học 2018-2019, Trường THPT chuyên Biên Hòa được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn làm đơn vị thí điểm thực hiện giáo dục STEM trong nhà trường. Mặc dù chưa hết một năm học nhưng điều dễ nhận thấy là việc thực hiện dạy và học theo phương pháp giáo dục STEM đã mang tới cho giáo viên và học sinh nhà trường nhiều trải nghiệm hiệu quả.

Về phía học sinh, trong mọi hoạt động giáo dục, yếu tố thực hành và vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề của thực tiễn đã được phát huy tích cực. Học sinh được học theo phương pháp STEM đều thể hiện rõ được các ưu thế nổi bật về kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học, cũng như khả năng sáng tạo, tư duy logic và được tạo cơ hội phát triển nhiều kỹ năng mềm toàn diện.

Đối với đội ngũ giáo viên, trong quá trình giảng dạy đã trở thành người thiết kế hoạt động phù hợp với học sinh, có khả năng tích hợp, lồng ghép các kiến thức có liên quan để học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng, thực hành, tạo ra được những sản phẩm hữu ích.

Là một giáo viên được đào tạo bài bản về giáo dục STEM, cô giáo Vũ Thị Lan Hương, Tổ trưởng Tổ Vật lý - Công nghệ (Trường THPT chuyên Biên Hòa) cho biết: Với học sinh THPT, khi được học nhiều dạng kiến thức trong một thể tích hợp, không chỉ giúp học sinh thích thú với quá trình học tập mà còn giúp học sinh nhận biết, lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Thông qua giáo dục STEM, học sinh được gợi mở nhiều cách học, thực hành hiệu quả.

Ví dụ, chỉ với kiến thức học về sóng âm ở môn Vật lý, khi giáo viên yêu cầu học sinh phải làm được một nhạc cụ, học sinh đã tự chia nhóm làm việc, tập trung kiến thức của các môn học như: Toán, Lý, Sinh, Công nghệ thực hiện thiết kế bản vẽ, tìm hiểu về cao độ, trường độ âm, đo đạc, tính toán, lựa chọn nguyên vật liệu để hoàn thiện sản phẩm.

Hay khi học về cân bằng mềm, các em đã làm được chuồn chuồn tre, học về chất lỏng có sản phẩm thổi bong bóng bằng dung dịch xà phòng, làm kính vạn hoa sau khi biết về phản xạ ánh sáng, làm tên lửa nước từ nguyên lý chuyển động bằng phản lực…

Một điểm mạnh khi áp dụng STEM vào giảng dạy là giáo viên đã trao quyền chủ động tổ chức các tiết học cho học sinh, tiệm cận từng bước tới mục tiêu học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình.

Mới đây, Trường THPT chuyên Biên Hòa đã lần đầu tiên tổ chức được một hoạt động trải nghiệm mang tên Ngày hội STEM 2019, thu hút sự quan tâm tham gia của rất đông học sinh, giáo viên nhà trường và một số trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Trong khuôn khổ Ngày hội STEM năm nay, học sinh, giáo viên và những người quan tâm tới phương pháp giáo dục này đã được trải nghiệm và hòa mình vào nhiều hoạt động thiết thực như: Trưng bày các ý tưởng và sản phẩm được sáng tạo từ STEM; tìm hiểu lý thuyết và cách áp dụng phương pháp giáo dục STEM trong trường học; lớp học STEM Robotics và chế tạo; ngày hội pha chế; các hoạt động tương tác và trò chơi tập thể; trình diễn khoa học.

Theo đó, thông qua việc xác lập ý tưởng và quá trình nghiên cứu, chế tạo công phu, học sinh các lớp, các khối trong toàn trường đã cho ra mắt nhiều “công trình” thú vị: chế tạo mô hình máy bắn đá, tạo điện năng từ thức ăn, thi bắn tên lửa nước, trình diễn Robot…

Em Đào Phương Thảo, học sinh lớp 7A1 cho biết: Trong quá trình học tập trên lớp, chúng em đã thường xuyên được làm quen với việc sáng tạo từ việc tích hợp kiến thức các môn học. Đến với Ngày hội STEM, chúng em đã suy nghĩ và xây dựng nên mô hình “Thành phố tương lai” hiện đại nhưng an toàn, không ô nhiễm môi trường và chế tạo hai loại nhạc cụ dân tộc là đàn thập lục, sáo trúc.

Em Đinh Vân Trang, học sinh lớp 10 chuyên Văn chia sẻ: Năm nay chúng em chỉ mang tới Ngày hội STEM hai sản phẩm là đèn kéo quân và ứng dụng lên men của vi khuẩn lactic nhưng với việc tự rút kinh nghiệm từ việc lập ý tưởng, nghiên cứu, chế tạo, trong các Ngày hội STEM được tổ chức sau này, chúng em chắc chắn sẽ có được những sản phẩm trưng bày có giá trị hơn.

Cũng tại Ngày hội STEM 2019, Trường THPT chuyên Biên Hòa đã phối hợp với các chuyên gia của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức lớp học cung cấp cho đội ngũ giáo viên những thông tin, kiến thức bổ ích, cần thiết về giáo dục STEM.

Tiến sỹ Tưởng Duy Hải, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Mặc dù được đánh giá là phương pháp giáo dục có tính tích cực mà nhiều nền giáo dục của các nước tiên tiến đang áp dụng nhưng việc triển khai của chúng ta đòi hỏi phải có sự quan tâm từ nhiều phía. Trong đó, đặc biệt là vai trò và sự vào cuộc của đội ngũ giáo viên. Ở đây, vì STEM ngoài năng lực sáng tạo còn đề cập chủ đạo tới tính nhân văn nên khi giảng dạy theo STEM, người giáo viên phải biết định hướng cho học sinh biết nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm khoa học nhân văn. Đồng thời, giáo dục STEM phải theo chủ đề và phải có mục tiêu mới đạt hiệu quả.

Ngày hội STEM 2019 khép lại nhưng tính hiệu quả của ngày hội và sự lan tỏa tinh thần nghiên cứu, sáng tạo trong học sinh cũng bước đầu được khẳng định để việc đưa giáo dục STEM vào giảng dạy trong các nhà trường trở thành một yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục trong những năm tiếp theo.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy