Ghi nhận công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở Kim Bảng

Trên địa bàn huyện Kim Bảng có tổng số 54 trường học các cấp, gồm 18 trường mầm non, 18 trường tiểu học và 18 trường THCS. Với sự quan tâm, vào cuộc từ nhiều phía, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia của Kim Bảng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn huyện đã có 100% trường học các cấp được công nhận đạt chuẩn; trong đó có tới 35 trường học đạt chuẩn mức độ 2 (với 12 trường mầm non, 15 trường tiểu học và 8  trường THCS), có 9/18 xã có cả 3 trường học đạt chuẩn mức 2.

Ông Trần Ngọc Thành, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Kim Bảng khẳng định: Kết quả này không chỉ giúp ngành giáo dục có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện đổi mới giáo dục, triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà còn hoàn thành tốt mục tiêu về xây dựng trường chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020- 2025.

Trường Tiểu học Thi Sơn là một trong những đơn vị được công nhận đạt chuẩn mức độ 2 từ khá sớm, làm điều kiện cho nhà trường phấn đấu thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục hằng năm. Qua công tác tự đánh giá, đến nay nhà trường đã có được một số tiêu chí bảo đảm tốt yêu cầu xây dựng trường chuẩn, như: có cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học bảo đảm; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn, có năng lực chuyên môn vững vàng; bảo đảm quản lý tốt hoạt động giáo dục; duy trì tốt mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội; có kết quả giáo dục theo từng năm học đạt cao…

Theo chia sẻ của lãnh đạo nhà trường, những năm qua tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường luôn nỗ lực thực hiện tốt việc thi đua dạy và học, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục bảo đảm giữ vững các tiêu chí của trường học đạt chuẩn mức 2. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường đều có trình độ chuyên môn tốt, đáp ứng các yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục. Hằng năm, tỉ lệ giáo viên của nhà trường được công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp luôn đứng trong top đầu các đơn vị trường tiểu học của huyện.

Đặc biệt, khi xã Thi Sơn được chọn là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh xây dựng nông thôn mới, nhà trường đã được hưởng lợi rất nhiều. Theo đó, nhà trường đã nhanh chóng được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung đầy đủ phòng học tập và phòng chức năng phục vụ dạy và học ở một trường đạt chuẩn mức 2. 

Ghi nhận công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở Kim Bảng
Trường THCS Đại Cương (Kim Bảng) được công nhận đạt chuẩn mức độ 2.

Hằng năm, Phòng GD&ĐT huyện đã xây dựng kế hoạch, tổ chức rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường lớp, đội ngũ của ngành, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của các cấp học, nhất là với các trường trọng điểm, các trường nằm trong lộ trình xây dựng trường chuẩn, nâng chuẩn. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đối chiếu các tiêu chí trường đạt chuẩn theo thông tư của Bộ GD&ĐT đối với từng trường, từng cấp học; kịp thời tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đầu tư kinh phí, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu xây dựng trường chuẩn.

Được biết, bằng nguồn vốn từ các chương trình, dự án kết hợp nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, huyện Kim Bảng đã ưu tiên đầu tư kinh phí theo hướng tập trung để tăng cường cơ sở vật chất cho các trường chuẩn hóa và kiên cố hóa, nhằm bảo đảm cho lộ trình xây dựng trường chuẩn mức 2. Căn cứ thực tế quỹ đất quản lý, hầu hết các địa phương trong toàn huyện đều có sự ưu tiên dành đất cho quy hoạch xây dựng trường học. Một số địa phương đã có tầm nhìn xa, dự báo được sự gia tăng dân số cơ học và nhu cầu học tập của người dân nên đã chủ trương mở rộng tối đa quỹ đất dành cho xây dựng trường lớp, bình quân có thể đạt từ 1,5-2,5 ha/trường. 

Do nhiều yếu tố, xã Thụy Lôi là một trong 2 địa phương của huyện Kim Bảng có cả 3 trường học đều chưa đạt chuẩn mức 2 nhưng hiện đã quy hoạch được quỹ đất để xây dựng mới cả 3 cấp học, mỗi trường rộng tới 2 ha. Hay ở xã Thanh Sơn, trên nền diện tích rộng tới 24.000m2, hiện Trường Tiểu học Thanh Sơn A đang được xây dựng với quy mô, chất lượng đạt chuẩn cao và sẽ được đưa vào sử dụng đúng tiến độ.

Còn tại Trường THCS Đại Cương, với nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách địa phương, mô hình trường học đạt chuẩn quốc gia mức 2 đã được xây dựng khang trang với đầy đủ phòng học, phòng bộ môn, các công trình phụ trợ có công năng sử dụng đạt chuẩn, trang thiết bị dạy học được đầu tư đồng bộ. Trên nền diện tích rộng trên 22.000m2, hiện nay nhà trường có 13 phòng học, 18 phòng chức năng và phòng bộ môn; có đầy đủ nhà tập đa năng, sân thể dục, sân bóng đá. Hệ thống trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng đạt chuẩn, hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu giảng dạy và học tập của các khối lớp.

Thầy giáo Trương Văn Tĩnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Cương cho biết: Trường học đạt chuẩn quốc gia có tầm quan trọng và ý nghĩa lớn đối với quá trình thực hiện các nhiệm vụ giáo dục nói chung và đổi mới giáo dục nói riêng. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã rất quan tâm tới sự nghiệp giáo dục trên địa bàn. Sự quan tâm đó không chỉ thể hiện ở các cơ chế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị mà còn được thể hiện qua việc điều chỉnh mở rộng diện tích trường học, đón đầu sự gia tăng dân số cơ học từ việc phát triển các khu, cụm công nghiệp ở các địa bàn lân cận. Đây chính là tiền đề giúp cho nhà trường triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ giáo dục. 

Trên thực tế, việc đầu tư kinh phí cho thực hiện các tiêu chí về giáo dục tương đối lớn. Theo tính toán, để có được một đơn vị trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, ngân sách phải đầu tư tới khoảng 20 tỷ đồng, chỉ riêng một dãy phòng học cấp THCS đạt chuẩn cũng mất tới 5-7 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến kinh phí mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học tối thiểu. Kinh phí đầu tư xây dựng trường học là rất lớn nên các cấp, ngành, địa phương trong toàn huyện luôn đặc biệt quan tâm, quyết liệt trong việc tìm nguồn, tạo nguồn, kêu gọi đầu tư để hỗ trợ giáo dục, xây dựng trường chuẩn, tích cực đầu tư chống xuống cấp về cơ sở vật chất cho các trường đã được công nhận đạt chuẩn. Làm được điều này không chỉ có tác động tích cực đến việc duy trì, giữ vững mức độ chuẩn để có thể được công nhận lại sau 5 năm mà còn với cả việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn, ngành giáo dục huyện chủ trương lấy chất lượng làm thước đo đánh giá hiệu quả chung. Theo đó, trên địa bàn huyện đã sớm chấm dứt tình trạng một số trường đã được công nhận đạt chuẩn nhưng vẫn “nợ” chuẩn. Mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện sẽ có từ 75-80% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đây là mục tiêu mà huyện đang nỗ lực thực hiện và tin rằng Kim Bảng sẽ đạt được.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy