Ghi nhận bước đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai thực hiện ở cấp THPT bắt đầu từ năm học 2022-2023. Có gần 7.800 học sinh lớp 10 hệ THPT và trên 1.350 học viên lớp 10 hệ giáo dục thường xuyên đã được học chương trình và sách giáo khoa mới.

Năm học 2022 – 2023, với 7 lớp và gần 300 học sinh lớp 10, Trường THPT Lý Thường Kiệt (Kim Bảng) đã có sự chuẩn bị khá chu đáo các điều kiện cho triển khai Chương trình GDPT 2018. Với những yêu cầu mới của chương trình, nhà trường và đội ngũ cán bộ, giáo viên đã xác định rõ trách nhiệm tích cực đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó, cơ bản nhất là thay đổi nhanh, có chất lượng về phương pháp dạy học.

Ghi nhận bước đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT
Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 10 được Trường THPT  Lý Thường Kiệt thực hiện bài bản, nền nếp.

Cô giáo Đinh Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước khi năm học mới chính thức bắt đầu, nhà trường đã chủ động xây dựng tổ hợp lựa chọn môn học từ các môn học và các chuyên đề học tập để học sinh lựa chọn theo học suốt ba năm, bảo đảm vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Đối với khối lớp 10, ngoài 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các trường xây dựng tổ hợp lựa chọn 4 môn học thuộc 9 môn tự chọn.

Trong số các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc và các môn học lựa chọn có một số môn học có chuyên đề học tập thì tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học, nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành. Việc xây dựng tổ hợp các môn học lựa chọn phải định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo hướng tuyển sinh vào các trường chuyên nghiệp, trên cơ sở dự báo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của nhà trường theo chu kỳ một khóa học là ba năm học cấp THPT.

Ở các trường THPT khác, công tác tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018 cũng được đánh giá bài bản, tạo tính hiệu quả trong thực tiễn. Qua một học kỳ, mặc dù có những thuận lợi và khó khăn đan xen nhưng đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh đã cơ bản bắt nhịp với yêu cầu mới của chương trình. Các trường THPT đều dành nguồn lực tốt nhất cho lớp 10 và việc triển khai Chương trình GDPT 2018 cơ bản vào nền nếp. Trong đó, điều dễ nhận thấy nhất là tính tích cực của việc đổi mới tư duy quản lý và phương pháp dạy học.

Ở các trường học, vai trò, trách nhiệm thực hiện đổi mới đã được phân định rất cụ thể. Đội ngũ hiệu trưởng không chỉ thực hiện tốt vai trò quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo mà còn biết khai thác các yếu tố tập thể trong xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch nhà trường, tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp kiểm tra, đánh giá, triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy mang tính sáng tạo. Các tổ trưởng chuyên môn căn cứ vào đặc điểm môn học, thực tế về số lượng và năng lực giáo viên bộ môn phải thực hiện tốt việc tham mưu, đề xuất các biện pháp giảng dạy tích cực, có trách nhiệm thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn để bàn về các biện pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá phù hợp với từng đối tượng học sinh, thống nhất các chủ đề dạy học.

Những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đều được ngành quan tâm tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, ngay sau khi có kết quả tuyển sinh, các nhà trường đã triển khai sớm, có chất lượng việc cho học sinh đăng ký nguyện vọng các môn học nên gần như không để xảy ra tình trạng thay đổi nguyện vọng làm ảnh hưởng tới kế hoạch giáo dục chung, không tạo ra sự mất cân đối trong tổ chức dạy học.

Hơn thế, đội ngũ giáo viên được lựa chọn và được tham gia đầy đủ các cuộc hội thảo, lớp tập huấn chuyên môn nên đều có tâm thế sẵn sàng học tập, tự nghiên cứu, cập nhật nội dung mới. Hầu hết giáo viên cho rằng, để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT, mỗi giáo viên cần phải xem việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh là một việc làm thường xuyên, được cụ thể ngay trong tất cả các khâu của quá trình dạy học. Đồng thời, phải chủ động hoàn toàn về phương pháp, kỹ năng dạy học cũng như tổ chức các hoạt động, quản lý học sinh và linh hoạt vận dụng các nội dung được tập huấn về chuyên môn theo chương trình mới vào từng bài giảng. Đây được xem là giải pháp tối ưu nhất khi thực hiện chương trình trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học…

Theo kế hoạch, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, các trường THPT đã tổ chức thực hiện bài kiểm tra đánh giá năng lực học sinh cuối học kỳ I. Căn cứ Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về việc kiểm tra, đánh giá học sinh, các nhà trường đã cho học sinh lớp 10 làm 3 bài kiểm tra các môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh theo đề chung Sở GD&ĐT. Một điều mới trong việc ra đề các bài kiểm tra dành cho học sinh khối 10 năm nay là các môn đều được phối hợp giữa hình thức trắc nghiệm và tự luận, kể cả môn Ngữ văn. Các môn học còn lại sẽ được hiệu trưởng các nhà trường chịu trách nhiệm chỉ đạo ra đề kiểm tra bảo đảm phù hợp với thực tế. Do được làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng về việc kiểm tra, đánh giá học sinh theo chương trình mới nên ngay trong quá trình giảng dạy, giáo viên các nhà trường đã hướng dẫn, cho học sinh làm quen với những thay đổi về hình thức, cách kiểm tra, đánh giá nên cơ bản không làm khó học sinh. Kết quả kiểm tra, đánh giá các môn học cuối kỳ I đối với học sinh lớp 10 ở các trường THPT đều phản ánh đúng chất lượng dạy và học thực tế, không có sự chênh lệch hay biến động về điểm số so với học kỳ I của những năm học liền kề trước đây.

Từ một học kỳ triển khai, để thực hiện tốt hơn Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT, trong thời gian tới vẫn cần có sự quan tâm phát triển, bồi dưỡng đội ngũ; tạo điều kiện để giáo viên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, học và tự học; tăng cường công tác quản trị nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Sở GD&ĐT cũng thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình và phản ánh thực tế triển khai ở nhà trường để có định hướng, chỉ đạo phù hợp, kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy