Đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong 2 năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023, việc triển khai Chương trình tiếng Anh hệ 10 năm đối với giáo dục phổ thông (GDPT) đã được thực hiện nền nếp, có chất lượng tới 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 trong tất cả các trường phổ thông của tỉnh. Các môn ngoại ngữ thuộc Chương trình GDPT 2018 (môn tiếng Anh đối với lớp 3, 4, 6, 7, 10) được các cơ sở giáo dục (CSGD) nghiêm túc triển khai.

Các loại sách giáo khoa tiếng Anh sử dụng trong nhà trường, cấp học bao gồm: sách Phonix Smart lớp 3 của NXB Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, sách MacMillan Next Mover lớp 4 của NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, sách Global Success lớp 6 và lớp 7 của NXB Giáo dục Việt Nam, sách Global Success lớp 10 của NXB Giáo dục Việt Nam và sách i-Learn Smart World lớp 10 của NXB Đại học Huế. Điều đó tạo thuận lợi và sự thống nhất trong việc tổ chức dạy, học, kiểm tra, đánh giá của từng cấp học, mỗi nhà trường.

Đối với cấp tiểu học, Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT hướng dẫn các CSGD tiểu học có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, có hợp đồng thuê giáo viên đạt chuẩn đào tạo… triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh cho học sinh lớp 1, lớp 2 với thời lượng 2 tiết/tuần, nhằm tạo cho học sinh cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh, giúp học sinh mạnh dạn tự tin và thêm hứng thú với môn học, tạo nền tảng ban đầu vững chắc cho học sinh khi học tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia bắt đầu từ lớp 3. Giáo viên giảng dạy bảo đảm chuẩn năng lực, chịu sự quản lý, kiểm tra kế hoạch giảng dạy, thăm dự giờ lớp học của Sở GD&ĐT. Quá trình triển khai được thực hiện đồng thời giữa việc dạy học và tổ chức đánh giá học sinh đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; đã có 100% trường tiểu học triển khai chương trình làm quen tiếng Anh cho 100% học sinh lớp 1, lớp 2. Đồng thời, tiếp tục dạy học tiếng Anh cho 100% học sinh các lớp 3, 4, 5 với thời lượng 4 tiết/tuần. Các đơn vị và nhà trường đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa với nhiều hình thức phong phú, như: giao lưu môn tiếng Anh, ngày hội tiếng Anh, Olympic tiếng Anh cấp trường, cụm trường, cấp huyện… hình thành nên những “sân chơi” hấp dẫn, bổ ích, thu hút ngày càng nhiều học sinh tham gia. Chất lượng dạy và học tiếng Anh tại các trường tiểu học vì thế cũng được nâng cao dần về chất lượng qua mỗi năm học.

Ở cấp trung học, việc dạy và học ngoại ngữ được gắn với các mục tiêu giáo dục của từng cấp học, có giá trị quan trọng giúp học sinh định hướng tốt cho phát triển học tập và nghề nghiệp trong tương lai. Với quyết tâm lấy việc dạy học ngoại ngữ là một trong những điểm đột phá cho phát triển tích cực nguồn nhân lực, ngành Giáo dục và các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Phủ Lý đã tổ chức thực hiện tương đối tốt Đề án Ngoại ngữ quốc gia, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện cả về nội dung, phương pháp đã mang tới cho giáo viên và học sinh các nhà trường thêm nhiều cơ hội được dạy và học ngoại ngữ một cách thiết thực, hiệu quả hơn. Tại các trường phổ thông trên địa bàn, việc dạy và học ngoại ngữ theo định hướng đổi mới đã mang tới nhiều sự thay đổi, cách dạy, cách học ngoại ngữ theo lối truyền thống chủ yếu là về ngữ pháp, cấu trúc, nay chuyển sang phải bảo đảm đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Hầu hết các nhà trường đã có những cách thức thực hiện khá bài bản, được đánh giá đi đúng định hướng và gặp nhiều thuận lợi do có sự ủng hộ từ phía cha mẹ học sinh, đội ngũ giáo viên có chuyên môn vững vàng, bảo đảm việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay.

Đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông
Một tiết học tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Thi Sơn (Kim Bảng). Ảnh: Hà Thanh

Bà Đặng Thị Thu Hương, Tổ Trung học cơ sở, Phòng GD&ĐT thành phố Phủ Lý cho biết: Bên cạnh việc chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình mới, Phòng GD&ĐT còn chỉ đạo các nhà trường tổ chức tốt các tiết học chính khóa, bám sát nội dung chương trình theo quy định, tổ chức có hiệu quả tiết học tự chọn, chương trình bổ trợ hữu ích. Đồng thời, phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ thành lập câu lạc bộ tiếng Anh, tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, trau dồi khả năng nghe, nói bằng tiếng Anh cho học sinh khi tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn, phù hợp lứa tuổi, với các chủ đề mở. Hiệu quả thấy được rõ nét nhất thông qua các hoạt động này chính là đã xóa dần khoảng cách giữa học sinh với giáo viên và giữa học sinh với nhau khi giao tiếp ngôn ngữ bằng tiếng Anh, sự nhút nhát và thiếu tự tin của học sinh được khắc phục từng bước.

Đến nay, chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Phủ Lý đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ riêng cấp THCS, chất lượng kiểm tra đại trà, số học sinh đạt điểm trên trung bình môn tiếng Anh của học sinh THCS toàn thành phố tăng qua từng năm học; chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi môn tiếng Anh cũng được cải thiện với hàng trăm lượt học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi các cấp. Thành phố Phủ Lý cũng là đơn vị thường xuyên dẫn đầu về chất lượng thi môn tiếng Anh vào lớp 10 chuyên và không chuyên.

Riêng với cấp THPT, việc thực hiện dạy ngoại ngữ với yêu cầu đổi mới toàn diện cả về nội dung và phương pháp đã mang tới cho giáo viên, học sinh các nhà trường nhiều cơ hội được dạy và học ngoại ngữ một cách thiết thực, hiệu quả hơn. Hiện nay, có tới 22/23 trường THPT đạt chuẩn quốc gia đều được xây dựng các phòng học tiếng Anh riêng và trang bị tương đối đầy đủ máy chiếu, bảng thông minh phục vụ yêu cầu dạy và học. Yếu tố quan trọng nhất là đội ngũ cũng được bảo đảm khi các trường đã có 141 giáo viên tiếng Anh có năng lực ngoại ngữ đạt chuẩn theo quy định của cấp học. Theo nhận xét từ phía các cán bộ quản lý các nhà trường, đội ngũ giáo viên tiếng Anh bên cạnh việc đáp ứng tốt yêu cầu về trình độ đào tạo, còn có năng lực tiếp cận tốt với học sinh, chủ động, linh hoạt cao trong xây dựng kế hoạch bài dạy, thiết kế bài giảng và các bài kiểm tra phù hợp với lượng kiến thức cung cấp cho học sinh, tăng cường các kỹ năng trong từng đơn vị bài học.

Theo điều kiện của từng trường THPT, việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia được thực hiện với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thu hút sự quan tâm của các cấp quản lý, cha mẹ học sinh và sự tham gia tích cực của học sinh. Qua đó, tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận nhanh, hiệu quả với phương pháp học ngoại ngữ mới; giúp đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ cũng như các nhà trường tích lũy tài liệu, kinh nghiệm dạy học, kiểm tra, đánh giá dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế; tổ chức thực hiện tốt hơn các yêu cầu dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường.

Để hỗ trợ các trường phổ thông trong triển khai thực hiện dạy và học ngoại ngữ, ngành giáo dục đã tham mưu, phối hợp tuyển dụng bổ sung giáo viên tiếng Anh cho các cấp học, nâng tổng số giáo viên tiếng Anh phổ thông toàn tỉnh lên 707 người, trong đó, cấp tiểu học có 296 giáo viên, cấp THCS có 267 giáo viên và cấp THPT có 141 giáo viên; 100% đội ngũ giáo viên đều có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đạt chuẩn theo quy định đối với từng cấp học.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT cũng tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho giáo viên; phấn đấu mục tiêu đến hết năm 2023, 100% đội ngũ giáo viên tiếng Anh phổ thông của tỉnh đạt chuẩn về năng lực nghề nghiệp theo quy định và được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giai đoạn 2019-2023.

Có thể thấy, với các biện pháp tổ chức, phong trào và chất lượng dạy học ngoại ngữ ở nhiều đơn vị đã được thúc đẩy, nâng cao tương đối toàn diện. Khả năng giao tiếp, nghe, nói bằng tiếng Anh của nhiều học sinh, nhất là học sinh khá, giỏi đã được cải thiện tích cực, tốt hơn nhiều so với các thế hệ học sinh học chương trình tiếng Anh hệ 7 năm trước đây. Mỗi năm học, đã có khoảng 20%-35% học sinh ở các khối lớp đạt điểm khá và giỏi trong các kỳ khảo sát chất lượng học kỳ môn tiếng Anh theo đề của Sở GD&ĐT; nhiều học sinh lớp 12 có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt điểm cao và được xét tuyển thẳng vào các trường đại học trong và ngoài nước. 

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy