kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng”

Thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng”

Những ngày gần đây, tại các khu chợ, địa điểm công cộng, khu dân cư… trên địa bàn tỉnh, nhiều bạn trẻ trong màu áo xanh tình nguyện đã đến gặp từng người dân để tuyên truyền, cài đặt và hướng dẫn sử dụng nhiều ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh. Đây là một trong những hoạt động thiết thực mà Đội hình thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng” của các tổ chức đoàn thanh niên trên toàn tỉnh đang thực hiện, hướng tới mục tiêu hình thành nên những công dân số.

7 giờ sáng ngày Chủ Nhật, 17/7/2022, tại chợ Tâng (xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm), nhiều bạn trẻ trong màu áo xanh tình nguyện đã có mặt từ rất sớm để chuẩn bị cho buổi ra quân tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng”.

Gần 20 tình nguyện viên là đoàn viên, thanh niên của Đoàn thanh niên xã Thanh Hương đã chia thành từng nhóm nhỏ 2 người, tới gặp từng tiểu thương, người dân để tuyên truyền, vận động sử dụng các ứng dụng tiện tích trên điện thoại thông minh như: công dân số, sổ sức khỏe điện tử, bảo hiểm xã hội online…

Để hỗ trợ tối đa cho người dân, các tình nguyện viên đã chủ động hỗ trợ cài đặt ứng dụng, nhập thông tin dữ liệu và hướng dẫn sử dụng tại chỗ.

Thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng” mang chuyển đổi số tới từng người dân
Đội hình thanh niên tình nguyện "Chuyển đổi số cộng đồng" thực hiện tuyên truyền tại các chợ, khu dân cư.

Chị Bùi Thị Luyến, một tiểu thương đang kinh doanh mặt hàng rau quả tại chợ Tâng chia sẻ: Công việc buôn bán của tôi rất bận rộn, không có mấy thời gian rảnh rỗi để sử dụng điện thoại. Vẫn biết hiện nay có nhiều ứng dụng hỗ trợ người dân theo dõi sức khỏe, lịch tiêm phòng hay thực hiện nhiều thủ tục hành chính tiện ích....nhưng do quá bận mà tôi cũng không có thời gian tìm hiểu, bản thân cũng không thành thạo công nghệ. Nay được các bạn tình nguyện viên hỗ trợ cài đặt và hướng dẫn sử dụng nên tôi thấy rất hài lòng, giúp chúng tôi tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức tìm hiểu cách cài đặt và sử dụng.

Thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng” mang chuyển đổi số tới từng người dân
Các tình nguyện viên hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng "Công dân số", "Sổ sức khỏe điện tử".

Ngay trong ngày đầu ra quân, Đội thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng” xã Thanh Hương đã hỗ trợ hơn 70 người dân cài ứng dụng Công dân số và ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.

Không chỉ dừng lại ở đó, vào các ngày cuối tuần, Đội thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng” xã Thanh Hương đã phân công lực lượng tới từng thôn, vào từng nhà, gặp từng người để hướng dẫn nhân dân cài các phần mền ứng dụng chuyển đổi số trên điện thoại thông minh. Đến nay, hàng trăm lượt người dân đã được tuyên truyền, hỗ trợ cài đặt và hướng dẫn sử dụng thành thạo ứng dụng "Công dân số", "Sổ sức khỏe điện tử".

Thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng” mang chuyển đổi số tới từng người dân
Nhờ có các tình nguyện viên, người dân tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu, cài đặt các ứng dụng tiện ích.

Chị Nguyễn Thị Ánh, Bí thư Đoàn thanh niên xã Thanh Hương cho biết: Thời gian qua, Đoàn thanh niên xã đã phối hợp với các ban, ngành liên quan để vận động đoàn viên, thanh niên phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ và học tập; đẩy mạnh nghiên cứu, có nhiều giải pháp sáng tạo và là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc chuyển đổi số tại địa phương. Đội hình thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng” đi vào hoạt động nhằm cụ thể hóa mục tiêu trên, góp phần chung tay thực hiện mục tiêu, tiêu chí để xã Thanh Hương về đích nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng” mang chuyển đổi số tới từng người dân
Các tình nguyện viên chia thành từng nhóm 2 người để thuận tiện trong việc tuyên truyền, cài đặt và hướng dẫn sử dụng cho người dân.

Chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện. Vì thế, chỉ khi nào toàn bộ người dân sử dụng các nền tảng số, các ứng dụng số để phục vụ việc làm ăn, sinh hoạt hàng ngày thì khi đó chuyển đổi số mới thực sự thành công.

Để đạt được mục tiêu trên, đoàn viên, thanh niên được xác định là nguồn nhân lực trẻ có trình độ chuyên môn cao, khả năng tiếp cận, sử dụng và sáng tạo công nghệ nhanh nhạy, sẽ trở thành nguồn nhân lực đảm nhận những việc khó, việc mới, nắm “ngọn cờ đầu” trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số hiện nay.

Cụ thể hóa nhiệm vụ trên, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Nam đã chỉ đạo 100% xã, phường, thị trấn thành lập đội hình thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng” nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực số cho thanh thiếu nhi và người dân.

Đến nay, ghi nhận trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 50 Đội hình thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng” đã được thành lập và đang duy trì hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, đoàn viên, thanh niên tại các thôn, tổ dân phố đang là thành viên nòng cốt của 131 Tổ công nghệ số cộng đồng do UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập.

Thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng” mang chuyển đổi số tới từng người dân
Thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng” mang chuyển đổi số tới từng người dân.

Theo anh Vũ Trần Tùng Anh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hà Nam: Theo từng giai đoạn triển khai, các Đội hình thanh niên tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng” bước đầu sẽ thực hiện nhiệm vụ truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.

Giai đoạn sau sẽ tập trung triển khai các hoạt động trang bị kỹ năng số cho học sinh hướng đến hình thành công dân số: Kỹ năng vận hành thiết bị và phần mềm; khai thác thông tin và dữ liệu; giao tiếp và hợp tác trong môi trường số; an toàn và an sinh số; sáng tạo nội dung số; học tập và phát triển kỹ năng số; sử dụng năng lực số cho nghề nghiệp… Đồng thời, tư vấn, tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ trong nông - lâm - ngư nghiệp.

Hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng địa phương; tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân. Hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; hướng dẫn nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp; cách thức đăng ký, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản; kỹ thuật chế biến và bảo quản nông sản, thực phẩm sạch, kết nối với doanh nghiệp và kết nối với người tiêu dùng.

Hỗ trợ thanh niên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và chuyển đổi số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương…

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy