Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trong quá trình xây dựng và phát triển, nguồn nhân lực được xác định là một trong ba trụ cột quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 chỉ rõ “Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động” là một trong những khâu đột phá để Hà Nam sớm đạt mức phát triển khá của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn

Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam là một trong 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có quy mô và chất lượng đào tạo đứng trong tốp đầu ở tỉnh hiện nay. Bám sát mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp, xây dựng trường phát triển, tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng đào tạo, tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường với hệ thống quản trị tiên tiến; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đồng bộ; phát triển chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt; đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên đạt chuẩn; có năng lực tự chủ; bảo đảm đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn Trường Cao đẳng chất lượng cao. Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam từng bước nâng cao chất lượng tuyển sinh, quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học; triển khai đồng bộ hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng; thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên; đổi mới phương pháp dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển kỹ năng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, thực hành, giới thiệu việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong tình hình mới.

Đoàn công tác Đại sứ quán Nhật Bản và JICA tham quan các phòng thực hành của Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam. Ảnh: Giang Nam

Ngoài các nghề đào tạo truyền thống, gắn với nhu cầu thị trường lao động, trường còn được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp đăng ký bổ sung các nghề mới, như cơ điện tử, logistics... nâng tổng quy mô đào tạo đối với hệ cao đẳng, trung cấp lên gần 3.000 học sinh, sinh viên (HSSV). Năm 2022, trường được công nhận đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN), năm 2023 đạt kiểm định chất lượng chương trình đào tạo nghề điện công nghiệp và công nghệ ô tô. Thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo triển khai Dự án “Đầu tư nâng cấp, cải tạo, mua sắm trang thiết bị Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam”. Nhờ đó, cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư, sửa chữa khang trang, các phòng học thông minh được bổ sung thiết bị phục vụ chuyển đổi số, thiết bị đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu thực tế. 95-100% HSSV ra trường có việc làm ngay với mức thu nhập từ 5 - 12 triệu đồng/người/tháng.

Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Dưỡng, các CSGDNN trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực. Các ngành nghề chủ yếu được người học và các CSGDNN quan tâm hiện nay thuộc các nhóm ngành nghề kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện, điện tử, viễn thông, máy tính và công nghệ thông tin, du lịch, điều dưỡng, y học, xây dựng, nông nghiệp và thủy sản… Trong số 22 CSGDNN, có 7 trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt, lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Mỗi năm, các CSGDNN tuyển sinh đào tạo trung bình trên 20.000 người, trong đó trình độ cao đẳng từ 300-400 người, trung cấp từ 2.500 đến 3.000 người, sơ cấp gần 7.000 người. Ngoài ra, tổ chức đào tạo cho hàng trăm học viên theo Đề án Đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 20.000 - 24.000 lao động; giải quyết việc làm thêm cho 25.000 - 27.000 lao động…

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Dưỡng khẳng định: Công tác giải quyết việc làm cho người lao động những năm qua đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội thông qua các chương trình giải quyết việc làm - dạy nghề, các chương trình phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tư vấn giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Cơ cấu nhân lực theo từng địa bàn, lĩnh vực chưa đồng đều. Vì thế, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, việc phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài trở nên cần thiết và cấp bách lúc này, đòi hỏi Hà Nam cần có cơ chế chính sách, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực một cách phù hợp, khoa học.

Tận dụng thời cơ, điều kiện thực tế

Dân số Hà Nam được đánh giá đang ở thời kỳ “dân số vàng”. Số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hằng năm gần 480 nghìn người, chiếm trên 55% dân số toàn tỉnh. Tuy nhiên, so với mức bình quân chung của cả nước, Hà Nam đang có lợi thế thấp hơn về nguồn nhân lực. Số lượng người xuất cư trung bình ở tỉnh lớn hơn so với lượng xuất cư trong vùng. Điều đó cho thấy, Hà Nam chưa khai thác tối đa hiệu quả các tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội để thu hút nhân lực, nhân tài từ bên ngoài tỉnh và giữ chân lao động địa phương. Trong khi lực lượng lao động  của tỉnh đang có dấu hiệu giảm theo giai đoạn, nhưng tốc độ tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên; cơ cấu lao động giảm dần trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, tăng dần đều trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 8 khu công nghiệp được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động, thu hút trên 500 dự án, gần 100.000 lao động. Cùng với các CSGDNN, Khu Đại học Nam Cao đã có 4 trường đại học đầu tư xây dựng, sẽ là nơi cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp.

Những năm qua, Hà Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phát triển nguồn nhân lực, như: Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1942/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019-2025; Quyết định số 530/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; các kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động, giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Hà Nam xác định phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút nhân tài một cách toàn diện sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Chú trọng việc sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ trên 60%. Giải quyết việc làm mới cho 25.000 lao động. Đến năm 2030, có 30% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo chuyên môn sau đại học; 100% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên…

Để đạt được mục tiêu đó, Hà Nam cần phát triển có trọng tâm, thu hút nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong các ngành dịch vụ, công nghiệp; giảm tỷ lệ lao động trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; thu hút, khuyến khích các cơ sở giáo dục đào tạo đại học, giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao về đầu tư, xây dựng cơ sở tại tỉnh. Hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích tạo điều kiện cho người lao động tham gia bồi dưỡng và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Xây dựng và vận hành cơ chế hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Đặc biệt, Hà Nam tiếp tục duy trì chính sách thu hút, tôn vinh, tạo điều kiện cho những người có trình độ cao về công tác tại tỉnh; đồng thời, đổi mới các khâu tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, gắn đào tạo với thu hút và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy