Báo động tình trạng dư thừa nam giới

9 tháng năm 2019, mức chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) của Hà Nam tăng cao nhất từ trước tới nay: 115,2 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2018 tỷ số GTKS của tỉnh là 113,6 trẻ trai/100 trẻ gái).

Theo TS. Tạ Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, với tốc độ tăng này Hà Nam là một trong những địa phương có tỷ số mất cân bằng GTKS cao của cả nước.

TS. Tạ Thị Hoa (người đứng), Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh truyền thông về mất cân bằng giới tại xã Kim Bình (TP. Phủ Lý).

Tư tưởng “nối dõi” vẫn nặng nề, sinh con trai “dự phòng”

9 tháng, tổng số trẻ sinh ra là 8.575 trẻ, so với cùng kỳ tăng 50 trẻ, tương đương 0,58%. Trong đó có 4.590 trẻ trai, 3.985 trẻ gái. Như vậy, chênh lệch giữa số trẻ em trai và trẻ em gái khi sinh tăng cao: 115,2 trẻ trai/100 trẻ gái.

Kim Bình (thành phố Phủ Lý) là một trong những xã có chênh lệch tỷ số GTKS cao. Chị Vũ Thị Hồng, cán bộ dân số của xã cho rằng tư tưởng phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên vẫn còn khá nặng nề trong người dân. Điều kiện kinh tế của các gia đình bây giờ tốt hơn, sẵn sàng đầu tư để sinh con theo ý muốn. Khoa học kỹ thuật phát triển, việc hỗ trợ sinh con theo ý muốn dễ dàng hơn rất nhiều, trong khi việc kiểm soát các hoạt động này vô cùng khó khăn. 

Ngoài ra, còn một yếu tố khác của xã hội hiện đại: có không ít nguy cơ cướp đi tính mạng người trẻ, như tai nạn, nghiện hút,… Vì thế, không ít gia đình, nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế tốt muốn sinh thêm con trai để “dự phòng”. Chính vì thế, nhà có 2 con gái muốn có thêm con trai đã đành, nhà có đủ nếp tẻ rồi vẫn muốn thêm con trai nữa. 

Ngoài ra, tìm hiểu thực tế thấy rằng từ khi chính sách dân số được “nới lỏng”, tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng mạnh. 9 tháng năm 2019, toàn tỉnh có 1.415 trẻ được sinh ra là con thứ 3, chiếm 16,5% tổng số trẻ được sinh ra, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2018. Số trẻ sinh ra là con thứ 3 của năm 2018 cũng cao hơn nhiều so với năm 2017. Hầu hết các gia đình khi chủ ý sinh con thứ 3 đều đã có 2 con gái muốn sinh thêm trai, hoặc đã có một gái một trai nhưng vẫn muốn sinh thêm trai, vì thế họ sẽ tìm các biện pháp hỗ trợ lựa chọn giới tính và kết quả đạt được thường rất cao, số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên tỷ lệ trẻ trai chiếm phần lớn.

Trong cuộc sống hiện đại không ít cặp vợ chồng bị vô sinh (vô sinh nguyên phát hoặc vô sinh thứ phát). Và khi đi chữa vô sinh thường có sự thỏa thuận với bác sỹ để có con theo ý muốn. Tỷ lệ trẻ trai được sinh ra ở cặp vợ chồng đi chữa vô sinh cũng rất cao. Ngoài ra, nhiều cặp vợ chồng với sự hỗ trợ của người có chuyên môn, thực hiện chế độ ăn uống “để dễ có con trai”, rồi canh ngày rụng trứng,… cũng có được con trai theo ý muốn…

Siết chặt hoạt động hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi, thay đổi nhận thức người dân

Đây được xem là hai biện pháp chủ yếu để giảm thiểu mất cân bằng GTKS. Tuy nhiên, theo TS. Tạ Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, việc lựa chọn giới tính thai nhi bị cấm, nhưng thực tế rất khó kiểm soát. Đơn giản như việc siêu âm, dù cấm bác sỹ không được tiết lộ giới tính thai nhi nhưng nếu không tiết lộ các phòng khám tư ngoài bệnh viện không thể thu hút khách. Và bác sỹ “lách” bằng cách nói lái đi: Giống bố (mẹ), lá mít, cái dép (con gái), gậy, mầm (con trai),… người nói và người nghe vẫn hiểu nhưng người kiểm tra để bắt bẻ khó vô cùng. 

Biện pháp nền tảng, vững bền và toàn diện nhất phải là truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân. Tuy nhiên, biện pháp này cần thời gian, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành. 

Bà Tạ Thị Hoa cũng cho biết ngành dân số đã và đang nỗ lực bền bỉ thực hiện truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của người dân về việc không lựa chọn giới tính thai nhi. Việc truyền thông gần như mở rộng ở hầu khắp các đối tượng: Học sinh trong nhà trường, thanh niên, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, bố mẹ các cặp vợ chồng trẻ, ông bà của họ. Ngoài đối tượng chính là các cặp vợ chồng trẻ thì việc tuyên truyền trong học sinh được hiểu là “ngăn chặn từ xa”, tuyên truyền sớm để các em nhận thức được vấn đề. Đối tượng bố mẹ, ông bà các cặp vợ chồng trẻ cũng được đẩy mạnh tuyên truyền vì họ có vai trò quan trọng tác động đến con cháu trong việc sinh đẻ.

Trong tháng 9 và tháng 10/2019, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức các buổi truyền thông tại 18 xã, phường, thị trấn có mức chênh lệch tỷ số GTKS cao nhất tỉnh thuộc 3 huyện và thành phố Phủ Lý. Cụ thể: Kim Bảng 7 xã, thị trấn; Lý Nhân 4 xã; Phủ Lý 5 phường, xã; Duy Tiên 2 xã. Trong đó, 8 tháng qua chỉ có 2 xã số bé gái sinh ra nhiều hơn bé trai, 16 đơn vị còn lại số bé trai sinh ra đều cao hơn nhiều so với số bé gái, có xã tỷ số GTKS lên đến gần 200 bé trai/100 bé gái. Đối tượng tham dự các buổi truyền thông là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã có 2 con gái hoặc đã có 2 con cả trai và gái có nguy cơ sinh thêm con, bố mẹ, ông bà của họ.

Tại các buổi truyền thông, cán bộ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh nói về những hệ lụy của việc cố gắng sinh con trai, sinh nhiều con, nhấn mạnh vào những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ, sức khỏe em bé, chất lượng cuộc sống các thành viên trong gia đình, tương lai con cái, cũng như nảy sinh các vấn đề xã hội. Để sinh bằng được con trai không ít phụ nữ đã phá thai khi biết là con gái, vì thế cán bộ dân số cũng tập trung nói về tác hại của việc nạo phá thai đối với sức khỏe người phụ nữ, yếu tố nhân đạo, tâm linh… Với cách truyền đạt đi vào những vấn đề trực tiếp, câu chuyện cụ thể, phân tích, lý giải phù hợp với tâm lý, suy nghĩ của người Việt Nam, khơi gợi yếu tố văn hóa truyền thống, các buổi truyền thông đã thu hút sự chú ý của người nghe, tạo được hiệu ứng tốt trong công tác tuyên truyền.

Tuy nhiên như đã nói ở trên, việc tuyên truyền phải có thời gian mới thẩm thấu làm thay đổi suy nghĩ, quan niệm của người dân. Các biện pháp kiểm soát hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi, xử lý các trường hợp vi phạm để hạn chế, răn đe là việc cần phải làm ngay, làm quyết liệt, dù khó cũng phải làm bởi hậu quả, những vấn đề xã hội phức tạp của việc thừa nam giới đã nhìn thấy rất rõ ràng.

Yên Chính

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy