Sáng 18/9, tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã diễn ra lễ khởi công vở “Cây gậy thần”. Đây là vở diễn đầu tiên về Chử Đồng Tử và Tiên Dung kết hợp giữa cải lương và xiếc.
“Cây gậy thần” là vở đặt hàng của Bộ VHTT&DL đối với Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam. Vở diễn tái hiện mối tình giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung, thể hiện khát vọng tự do và hạnh phúc của con người. Câu chuyện đã ăn sâu bén rễ trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, một câu chuyện thấm đẫm chất thơ và nhiều những chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh.
Trong lịch sử hình thành và phát triển của sân khấu cải lương Việt Nam đã từng có sự kết hợp giữa nghệ thuật cải lương và xiếc như những màn đua ngựa, đu bay, phóng dao phun lửa... trên sân khấu cải lương đầu thế kỷ XX. Nhưng vở “Cây gậy thần” là sự kết hợp toàn diện đầu tiên giữa cải lương và xiếc.
NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn đang gặp rất nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19 nhưng các nghệ sĩ xác định sẽ phải vượt qua. Mục đích là làm sao lôi kéo người xem đến rạp bằng việc phải đổi mới.
Trong khi cải lương đi sâu vào khai thác nội tâm nhân vật, tiết tấu chậm rãi thì xiếc lại thiên về giải trí, bùng nổ. Sau nhiều lần bàn luận, lãnh đạo hai nhà hát đã quyết định đề xuất lãnh đạo Bộ cho phép thực hiện dự án này. Bằng niềm say mê, các nghệ sĩ của hai nhà hát tin tưởng vở diễn sẽ thành công.
Đồng đạo diễn của vở diễn là NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, những lúc nghệ sĩ ca vọng cổ, điểm rơi của câu hát sẽ là hành động của xiếc. Các nghệ sĩ xiếc không thoại mà chỉ bằng hành động. Ví dụ, các diễn viên xiếc phi ngựa, đu dây để minh họa cho cặp cải lương đang biểu diễn trên sân khấu. Những kĩ xảo của xiếc luôn minh họa, và đồng diễn cùng các nghệ sĩ cải lương, thậm chí tạo ra những khoảng lặng để khán giả tập trung hơn.
Ông Lê Minh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn mong rằng, sự phối hợp này sẽ khởi đầu cho những tác phẩm có sự kết nối giữa các loại hình nghệ thuật một cách ăn ý. Những người làm nghệ thuật đã rất tâm huyết, để cùng ngồi lại, tìm ra “chìa khóa” hợp tác với nhau.
Về phương diện cơ quan quản lý Nhà nước, Cục sẽ xây dựng chính sách kịp thời, để các đơn vị nghệ thuật có cơ sở triển khai các dự án, các chương trình ngay từ kịch bản. Mục tiêu trong thời gian tới cần phải tạo điều kiện làm những điều then chốt, để giải quyết những khó khăn của ngành nghệ thuật biểu diễn.
Vở diễn với thời lượng khoảng 90 phút sẽ có phiên bản sân khấu tròn và sân khấu hộp hướng tới các đối tượng khán giả trong nước và quốc tế. Sau khi ra mắt, vở diễn dự kiến sẽ công diễn trên 58 tỉnh thành của Việt Nam.
Hà Tùng Long