Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Khuyến là giải thưởng danh giá của tỉnh Hà Nam tôn vinh các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, ghi nhận lao động nghệ thuật sáng tạo, giàu cống hiến của các tác giả trong lĩnh vực văn hóa, VHNT, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với nhiều lý do khách quan, Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến lần thứ VIII, giai đoạn 2016-2020 phải lùi lễ trao giải đến giữa năm 2022. Sau cuộc họp Ban Tổ chức Giải thưởng, chính thức triển khai Kế hoạch xét tặng Giải thưởng vào trung tuần tháng 10/2021, Hội VHNT Hà Nam - cơ quan thường trực Giải thưởng đã nhận được 147 tác phẩm của trên 80 tác giả, nghệ sỹ thuộc các loại hình nghệ thuật: Văn xuôi, Thơ, Văn nghệ dân gian, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Múa, Âm nhạc gửi về tham dự xét giải. Một số bộ môn nghệ thuật có nhiều tác phẩm tham dự xét giải, gồm: Nhiếp ảnh, Thơ, Mỹ thuật, Sân khấu.
Căn cứ Quy chế xét tặng Giải thưởng, Hội VHNT Hà Nam đã ra quyết định thành lập 07 Hội đồng sơ khảo xét tặng Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến lần thứ VIII giai đoạn 2016-2020, mỗi hội đồng gồm 03 thành viên, trong đó trưởng các chi hội của Hội VHNT Hà Nam là Chủ tịch hội đồng sơ khảo. Ngày 16/02/2022, tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Quy chế Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến lần thứ VIII cho các thành viên hội đồng sơ khảo và tiến hành bàn giao các tác phẩm cho hội đồng nghệ thuật. Trong thời gian từ 16/2 đến 5/3/2022, các hội đồng sơ khảo thẩm định, xét chọn các tác phẩm đã gửi về ban tổ chức, báo cáo kết quả về cơ quan thường trực giải để tổng hợp báo cáo Ban tổ chức.
Ông Lê Minh Sơn, Chủ tịch Hội VHNT Hà Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Giải thưởng cho biết: Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khách quan, sau thời gian xem xét, nghiên cứu, thẩm định và căn cứ Quy chế Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến lần thứ VIII, hội đồng sơ khảo các loại hình VHNT đã chọn được 112/147 tác phẩm của 74 tác giả, đạo diễn, diễn viên ca sỹ. Riêng đối với chuyên ngành múa, các tác phẩm tham dự đều đủ điều kiện theo Quy chế của Giải thưởng, do chuyên ngành chưa có hội đồng sơ khảo nên các tác phẩm được chuyển trực tiếp cho hội đồng chung khảo.
Tuy nhiên, mọi công tác chuẩn bị cho lễ trao tặng Giải thưởng diễn ra đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trong cộng đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai các bước. Dù vậy, các khâu chuẩn bị theo kế hoạch vẫn tiếp tục được tiến hành như tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về Giải thưởng, cơ quan thường trực của Ban Tổ chức Giải thưởng tập trung hoàn thành nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo, xây dựng kịch bản lễ trao giải...
Nhạc sỹ Sỹ Thắng chia sẻ: “Chúng tôi vinh dự được mời tham gia hội đồng sơ khảo xét tặng các tác phẩm, công trình âm nhạc đã làm việc công khai, minh bạch, khách quan theo đúng quy chế, thể lệ giải thưởng. Lẽ ra, Giải thưởng phải được trao trước thời điểm này một năm hoặc hơn một năm, vì dịch bệnh và nhiều lý do phải lùi đến bây giờ, làm cho anh em văn nghệ sỹ rất chờ đợi. Đây là lần trao – nhận giải thưởng có ý nghĩa với một số văn nghệ sỹ lớn tuổi, tuổi cao, sức yếu!”.
Những năm qua, VHNT Hà Nam vừa kế thừa, vừa phát triển theo xu thế mới. Cùng với những đề tài truyền thống như lịch sử, chiến tranh cách mạng, văn nghệ sỹ đã hướng tới những đề tài đời sống xã hội nhiều hơn, thể hiện rõ cái nhìn nhiều góc cạnh đời thường của con người, cuộc sống, làm sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân văn của VHNT. Việc truyền bá những tác phẩm trong đời sống xã hội cũng đã có những thay đổi, phần nào đáp ứng được nhu cầu thị hiếu hưởng thụ văn nghệ của nhân dân.
Nhà thơ Đinh Thị Hằng, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo loại hình thơ cho rằng, VHNT của chúng ta đã trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh hoàn thiện nhân cách, đạo đức con người, xây dựng một xã hội lành mạnh. Những tác phẩm văn xuôi để lại ấn tượng tốt đẹp đối với công chúng là những tác phẩm đi sâu phản ánh những vấn đề cuộc sống, cổ vũ cái mới, vạch trần mạnh mẽ những cái xấu, cái ác, những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của con người. Điều đó đồng nghĩa với việc, VHNT đã và đang thực hiện tính chiến đấu nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp, đẩy lùi và ngăn chặn những tiêu cực nảy sinh trong xã hội hiện đại. Đó là những tác phẩm của nhà văn Đoàn Ngọc Hà, Lê Thanh Kỳ, Vũ Thị Minh Thúy…
Cùng với đó, các loại hình VHNT khác như Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Thơ... cũng có những tác phẩm chất lượng, mang dấu ấn nghề nghiệp, phản ánh sự cố gắng, nỗ lực của nhiều nghệ sỹ. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn về sức khỏe, về kinh phí, nhưng nhiều văn nghệ sỹ cao tuổi vẫn không ngừng sáng tạo. Và, điều đáng ghi nhận nhất trong số những tác phẩm gửi về Ban Tổ chức Giải thưởng lần này là công trình nghiên cứu phê bình văn học của một tác giả trẻ.
Theo ông Lê Minh Sơn, rất hiếm khi có được tác phẩm, công trình lý luận phê bình văn học tham dự ở những Giải thưởng các giai đoạn trước. Trên diễn đàn văn nghệ của hội thời gian qua, mảng nghiên cứu lý luận phê bình luôn là mảng yếu nhất.
Dù đây mới chỉ là những nhận xét ban đầu của hội đồng sơ khảo khái quát đôi chút về các tác phẩm, công trình VHNT tham gia dự giải lần này, nhưng đã phần nào phản ánh không khí và tinh thần của Giải thưởng lần thứ VIII. Trong những ngày sắp tới, Ban Tổ chức Giải thưởng sẽ họp thống nhất kết quả sơ khảo các bộ môn; đồng thời mời các hội chuyên ngành Trung ương tham gia Hội đồng chung khảo xét tặng Giải thưởng theo từng bộ môn nghệ thuật để bảo đảm tính khách quan, chất lượng, công bằng. Lễ trao giải dự kiến được tổ chức sau dịp 30/4/2022.
Giang Nam