Tính ra mỗi năm, trên địa bàn Hà Nam tổ chức ít nhất 2 đến 3 cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật - thời sự, chủ yếu gắn các tác phẩm vào các sự kiện chính trị, thời sự để tuyên truyền, cổ vũ... Nhưng theo dõi các triển lãm này một vài năm trở lại đây cho thấy, nếu thông qua các tác phẩm được trưng bày ở triển lãm thì người xem có cảm giác cuộc sống xã hội rất ít đổi mới. Điều đó có nghĩa, ngay lúc này, nhiếp ảnh Hà Nam cần có những thay đổi để phát triển theo kịp yêu cầu thời đại.
Tính chuyên nghiệp chưa cao
Hầu hết các triển lãm ảnh nghệ thuật – thời sự đều do Hội Văn học – Nghệ thuật, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức. Việc lấy chủ đề của triển lãm hằng năm đều "bám sát các nhiệm vụ chính trị của địa phương" như mừng Đảng – mừng Xuân, mừng kỷ niệm Ngày thành lập tỉnh, chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9… Với những tiêu đề chung chung của triển lãm, các nghệ sỹ tha hồ sáng tạo và hy vọng vào đứa con tinh thần của mình gửi đến Ban tổ chức có thể được chọn treo, chấm thưởng. Với công chúng, khi đến các triển lãm như thế này luôn thấy sự thiếu cuốn hút, thiếu hấp dẫn bởi một cảm giác quen thuộc "giống năm ngoái". Đến chuyện tác phẩm, mỗi người cảm nhận một cách, nhưng ai cũng sẽ hiểu được đâu là bức ảnh nói được nhiều điều, biểu đạt được ý tưởng của nghệ sỹ, phản ánh được thực tế đời sống xã hội đang hối hả từng ngày, nóng lên với những vấn đề xã hội được nhiều người quan tâm như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, ô nhiễm môi trường, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị… Người ta cũng có thể cảm thấu được cái đẹp mang tính nghệ thuật đặc trưng của nhiếp ảnh thông qua kỹ năng nghề nghiệp của tác giả. Tuy nhiên, ở ngay các triển lãm này, người xem dễ dàng nhận ra sự lẫn lộn giữa ảnh nghệ thuật và ảnh thời sự (báo chí). Hầu như bức ảnh nào cũng sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa, thậm chí có những sự chỉnh sửa làm mất đi vẻ đẹp vốn có, tự nhiên của bức ảnh, làm sai lệnh màu sắc và ánh sáng thật của nó. Nhất là với những bức ảnh phản ánh đời sống, mang tính thời sự, đòi hỏi cần có sự trung thực, phản ánh đúng bản chất sự kiện, sự việc, hoạt động, cảm xúc của con người, tác giả lại chỉnh sửa làm cho bức ảnh không phản ánh đúng nội dung sự việc.
Nhiều người quan tâm đến nhiếp ảnh đã từng đặt câu hỏi vì sao những hạn chế như thế vẫn tồn tại trong các triển lãm, không riêng gì ở Hà Nam. Theo nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam: “Nhiếp ảnh Việt Nam đang gặp vấn đề lẫn lộn giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật. Người làm báo cứ thích chỉnh sửa cho ảnh mình trở nên đẹp hơn”. Vì sao lại thích chỉnh sửa ảnh, ông Vũ Huyến cho rằng, hiện rất nhiều nhiếp ảnh trẻ cứ thích đóng giả, dựng cảnh, photoshop làm người xem không biết nên tin hay không. Nhiều trường hợp ảnh nghệ thuật, ảnh kỷ niệm được đăng báo thì gọi ngay là ảnh báo chí, nhưng ít ai xem kỹ đó chỉ là hình ảnh minh họa cho một bài văn, bài thơ… Không phải cứ ảnh nào đăng báo là ảnh báo chí. Ông khẳng định: “Sở dĩ xảy ra tình trạng này vì thực tế những môi trường đào tạo về tư duy báo chí, về bố cục hình ảnh không có mấy cơ sở ngoài Đại học KHXH&NV, Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Trong khi đó, bên ngoài có hàng trăm nơi dạy chỉnh sửa ảnh, photoshop và giới trẻ đua nhau vào học rồi mua máy ảnh, “tự nhận” mình thành nhà nhiếp ảnh”.
Vấn đề của tư duy và sáng tạo
Xã hội càng phát triển, khi nhiếp ảnh được quan tâm thì các triển lãm ảnh nghệ thuật – thời sự càng cần có những đổi mới về tư duy và sáng tạo. Triển lãm luôn là phương tiện, một kênh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về văn học nghệ thuật đến với nhân dân. Đồng thời, thông qua triển lãm để thấy diện mạo, đời sống lao động nghệ thuật, khả năng và tiềm năng của các nghệ sỹ nhiếp ảnh chúng ta ra sao.
Thực tế, chất lượng của nhiều triển lãm ảnh nghệ thuật – thời sự của Hà Nam những năm qua thiếu sức hấp dẫn với công chúng. Có triển lãm khai mạc xong không có mấy khán giả đến xem. Có một số nghệ sỹ nhiếp ảnh của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam nhận xét, nhiếp ảnh của Hà Nam đang chững lại, không tìm thấy sự đổi mới (điều nhiếp ảnh luôn cần). Các nghệ sỹ trẻ vào nghề chưa có định hướng rõ ràng trong sáng tác và tư duy nghệ thuật. Hà Nam những năm qua có bước phát triển khá nhanh, nhất là thành phố trẻ Phủ Lý, diện mạo đổi mới những miền quê, nhịp sống, phong cách sống của người dân nông thôn cũng thay đổi rất nhiều. Các làng nghề nổi tiếng cũng chẳng còn như xưa, phát triển theo thời cuộc, theo yêu cầu thị trường… Và, cũng ở một số nơi, môi trường bị ô nhiễm ảnh hưởng cuộc sống người dân… Nhiếp ảnh có thể lột tả được chân thực đời sống với nhiều góc cạnh khác nhau bởi các nghệ sỹ. Thế nhưng, ở các triển lãm, người ta nhìn thấy những cái nhìn quen thuộc của nghệ sỹ về cuộc sống quá. Với những nghệ sỹ trẻ, họ thiếu sự định hướng về chuyên môn, tư tưởng và mục đích sáng tác. Họ đang hướng cái nhìn của mình về thế giới tự nhiên nhiều hơn, tập trung vào các yếu tố thể hiện nghệ thuật mà thiếu đi sự quan tâm đến những đề tài lớn lao của đất nước, những chủ đề gắn với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lương Thế Tuân chia sẻ: Có lẽ nghệ sỹ đã có tuổi, chậm chạp trong đổi mới tư duy. Còn nghệ sỹ trẻ thì thiếu sự đào tạo bài bản, đến với nghề chỉ bằng niềm yêu thích, mặc dù, họ rất nhanh nhạy với các vấn đề đời sống xã hội, nắm bắt kịp tiến bộ của công nghệ. Bộ môn Nhiếp ảnh rất mong muốn phát triển đội ngũ để có nguồn kế cận những hội viên lớn tuổi, nhưng xem ra, chặng đường đến với nhiếp ảnh chuyên nghiệp của các bạn trẻ hiện nay còn dài lắm. Vấn đề ở chỗ, bản thân các bạn ấy phải hiểu về nhiếp ảnh chứ không nên coi nó là một cuộc chơi không cần trách nhiệm.
“Nhiếp ảnh Việt Nam đang gặp vấn đề lẫn lộn giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật. Người làm báo cứ thích chỉnh sửa cho ảnh mình trở nên đẹp hơn”...
Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam
Đối với việc tổ chức các triển lãm ảnh nghệ thuật – thời sự, cần có tiêu chí cao hơn về chọn lọc tác phẩm, có định hướng cụ thể hơn về chủ đề sáng tác, chọn tên gọi cho mỗi triển lãm có sức hút hơn, hấp dẫn hơn mà vẫn sát với chủ đề, tạo cảm giác mới mẻ, cuốn hút người xem. Điều này đòi hỏi những người trong Ban tổ chức cũng phải thay đổi tư duy và sáng tạo hơn trong mọi hoạt động.
Giang Nam