Tại Liên hoan Cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách năm 2022 vừa diễn ra tại tỉnh Quảng Trị với chủ đề “Những người con bất tử”, Thư viện tỉnh Hà Nam đã xuất sắc giành giải A. Đây là năm liên hoan có sự tham gia của 33 tỉnh, thành, ngành – nhiều đơn vị nhất từ trước đến nay với gần 700 người làm công tác thư viện.
Bám sát chủ đề “Những người con bất tử” nhằm kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2022), Thư viện Hà Nam đã chọn cuốn sách mang tựa đề “Một thời hoa lửa” để tuyên truyền, giới thiệu.
Cuốn sách “Một thời hoa lửa” do Nhà xuất bản Trẻ và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp ấn hành xuất phát từ một chương trình giao lưu trên truyền hình giữa sinh viên thủ đô với các cựu binh đã từng chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị và thân nhân các liệt sỹ, phát sóng vào năm 2005. Cuốn sách được bổ sung khá nhiều tư liệu, hình ảnh, hồi ức, nhật ký, thư từ, thơ ca, câu chuyện… của những nhân chứng lịch sử, của gia đình, người thân các liệt sĩ đã từng có mặt và chiến đấu tại mảnh đất này.
Bà Dương Thị Thu Hồng, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Tham gia Liên hoan Cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách nằm trong kế hoạch năm 2022 của ngành, vì vậy công tác chuẩn bị được thực hiện từ khá sớm. Cụ thể, tháng 7/2022 liên hoan diễn ra nhưng chúng tôi phải chuẩn bị trước đó khoảng 4 – 5 tháng. Trước hết là chọn những cuốn sách liên quan đến chủ đề liên hoan, sau đó chọn ra khoảng 10 cuốn sách sát chủ đề nhất để đọc chọn một quyển cuối cùng. Việc đọc 10 cuốn sách để chọn một cuốn hay nhất, tâm đắc nhất rồi chọn chi tiết, điểm nhấn viết thành kịch bản văn học, tiếp đến chuyển thể thành kịch bản sân khấu, sau cùng cho tuyên truyền viên tập duyệt không hề dễ dàng. Chúng tôi chọn cuốn sách “Một thời hoa lửa” vì ở đó chúng tôi đã được gặp nhiều người lính đã làm nên bản hùng ca cách mạng 81 ngày đêm khói lửa bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Đó là Nguyễn Văn Thạc “Mãi mãi tuổi 20” và chứng kiến những giây phút bi hùng của anh gần Thành cổ và đồng cảm với những trang nhật ký của chị Phạm Thị Như Anh – người yêu của anh; gặp lại “chú chim quyên trong Thành cổ Quảng Trị” Nguyễn Xuất Hiện khi ấy anh mới 14 tuổi với tài năng thổi sáo rất hay; bức di thư với dự báo đặc biệt của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Đây là những tấm gương anh hùng, liệt sĩ điển hình trong rất nhiều những tấm gương người lính chúng tôi lựa chọn trong tác phẩm để thực hiện phần thi giới thiệu tuyên truyền sách.
Được sự hỗ trợ của nghệ sĩ Phạm Thế Công, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh – người chuyển thể kịch bản sân khấu và làm đạo diễn đã tạo cho phần thi của Thư viện tỉnh thoát khỏi lối mòn và có sự sáng tạo đặc biệt. Nghệ sĩ cho biết, khi chuyển thể sang kịch bản sân khấu bản thân tôi không chỉ đọc kỹ cuốn sách “Một thời hoa lửa” mà còn đọc thêm một số cuốn sách khác về cuộc chiến tranh của dân tộc, đặc biệt là trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị để hiểu thêm và có nguồn tư liệu đối chứng.
Ngoài ra, phải tìm ra điểm nhấn của tác phẩm, đôi khi chỉ là một hình ảnh, một câu nói đã làm toát lên tư tưởng toàn bộ tác phẩm. Nhưng để làm được điều đó phụ thuộc rất nhiều vào tuyên truyền viên. Tuyên truyền viên phải là người nhập vai như một diễn viên thực thụ trên sân khấu chứ không phải như một người dẫn lại cốt truyện của cuốn sách. Muốn làm được như thế, yêu cầu tuyên truyền viên phải có sự hiểu biết cơ bản về kịch sân khấu và đặc biệt là phải có đài từ (tiếng nói sân khấu) tốt.
Chị Phạm Thị Tuyết Mai là một tuyên truyền viên tài năng của Thư viện tỉnh. Tuyết Mai từng đạt được rất nhiều giải thưởng trong những hội thi, liên hoan do Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, như: giải tuyên truyền viên xuất sắc nhất, giải tuyên truyền viên có câu trả lời ứng xử hay nhất… đã giúp Thư viện tỉnh luôn nằm trong tốp những đơn vị có thành tích cao. Từ kịch bản sân khấu mộc, Tuyết Mai đã làm quen với vai trò diễn viên và học đài từ với đạo diễn trong vòng gần 1 tháng. Là một kịch bản với những nhân vật có số phận đặc biệt, trong đó Tuyết Mai hóa thành nhân vật Nguyễn Văn Thạc nên sự cố gắng của cô rất lớn để lột tả được khát vọng to lớn cũng như vẻ hào hoa, lãng mạn của người lính sinh viên trẻ này. Ngoài khả năng diễn, là tuyên truyền viên chính, Tuyết Mai còn phải học thêm múa để thể hiện phần thi năng khiếu. Những giọt mồ hôi rơi trên sân khấu, những giọt nước mắt nhập vai của Tuyết Mai đã làm nên thành công cho phần thi tuyên truyền giới thiệu sách của Thư viện tỉnh.
Để làm nên thành công của một vở kịch sân khấu không thể không nhắc đến phần âm nhạc. Bằng sự tài hoa của mình, nhạc sĩ Hoàng Bản (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh) đã tạo nên tác phẩm âm nhạc hỗ trợ cho kịch bản với 2 nét âm nhạc chính vừa hào hùng, khốc liệt của chiến tranh, lại vừa lãng mạn, bay bổng của những thanh niên trí thức “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Đây cũng là sự đầu tư của Thư viện tỉnh khi không sử dụng nhạc sẵn có trên internet. Sự thành công của chương trình dự thi của Thư viện tỉnh còn có sự hỗ trợ của rất nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh.
Chỉ với sự trình diễn trên sân khấu trong thời lượng 30 phút, nhưng với sự chuẩn bị kỹ càng, dài hơi, chương trình tuyên truyền giới thiệu sách của Thư viện tỉnh Hà Nam đã tạo nên sự xúc động với khán giả và các bạn đồng nghiệp, có cả những khoảng lặng và những giọt nước mắt rơi khi bức thư của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được cất lên, hay tiếng sáo réo rắt vui tươi cùng câu trả lời khi được hỏi “Có sợ chết không?” và câu trả lời “Sợ gì mà sợ, chết có gì mà sợ…” của người lính 14 tuổi Nguyễn Xuất Hiện do em Phạm Thế Anh (học sinh lớp 8 Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong, con trai của đạo diễn Phạm Thế Công) thể hiện.
Và điều được hơn hết, đó chính là thông qua liên hoan nói chung và phần dự thi của Thư viện Hà Nam nói riêng đã góp phần phổ biến đến những độc giả yêu sách và các tầng lớp nhân dân về những tư liệu, hình ảnh, di vật, hiện vật, những câu chuyện, bài viết về những tấm gương anh dũng hy sinh, những thương bệnh binh đã mất một phần thân thể của mình và những người cựu binh đã tham gia chiến đấu để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Đồng thời, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, khát vọng cống hiến xây dựng đất nước phồn vinh trong thế hệ trẻ hôm nay.
Chu Bình