kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Nhà báo làm thơ: “Thơ là định mệnh, báo là định danh”

Nhà báo làm thơ: “Thơ là định mệnh, báo là định danh”

Điểm lại những nhà báo nổi tiếng trong làng báo Việt Nam đến hôm nay hầu như ai cũng biết làm thơ và còn làm thơ rất hay. Đầu tiên, chính là người thầy của Báo chí cách mạng Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó là Chế Lan Viên, Chu Cẩm Phong, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh… và Hải Đường, Trần Gia Thái (Câu lạc bộ Nhà báo Hà Nam). Cùng dùng ngôn ngữ làm phương tiện biểu đạt, nhưng khi làm thơ là “bứt hương trên ngọn cây”, khi làm báo “thì phải nếm cả rễ cây dưới đất”.

Quả thực, trong tủ sách gia đình tôi có hàng trăm tập thơ, toàn là thơ tặng. Rất ít tập thơ dày in theo kiểu của Đinh Nam Khương, thường chỉ là những tập thơ in khổ nhỏ, điệu đà và dễ cầm để đọc. Trong hàng trăm tập thơ đó, thơ của các nhà báo là những tập thơ tôi thích hơn cả! Và, tôi nhận ra một điều, cũng không mới mẻ gì, hầu hết các tác giả của những tập thơ đó đến với thơ trước khi làm báo! Nói như nhà báo Phan Quang: “Xưa tôi làm thơ, tôi bứt hương trên ngọn cây, giờ làm báo tôi nếm cả dễ dưới đất”. Văn chương và báo chí là hai lĩnh vực gần gũi với nhau, cùng sử dụng vũ khí chung là ngôn ngữ. “Khi nhà thơ đi làm báo, họ có rất nhiều thuận lợi trong việc diễn đạt các vấn đề gai góc của báo chí một cách mềm mại và uyển chuyển bằng ngôn ngữ văn chương” (nhà thơ Nguyễn Quang Thiều).

Nhà báo - nhà thơ Trần Gia Thái (thứ 2 từ trái sang) tham quan các tác phẩm nhiếp ảnh tham dự Giải Báo chí quốc gia 2023.

Nhà báo Hải Đường (quê ở Bình Lục) vốn nổi tiếng trong làng báo Việt Nam với mảng đề tài về xây dựng Đảng. Ông viết xây dựng Đảng mà người đọc không thấy “khô”, chỉ thấy sự tươi mới, trong sáng, nhiều gợi mở và giàu sáng tạo ở các tác phẩm từ bình luận ngắn đến những những tác phẩm dài kỳ. Ông nói: Với tôi, muốn cho đỡ khó, đỡ “khô” thì phải có sự rung động, phải từ trái tim mà đến với trái tim. Nhà báo viết về xây dựng Đảng có những thuận lợi nhất định. Họ được tiếp cận nhanh với các thông tin chính thống; tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo và những người có thẩm quyền, có trí tuệ, trưởng thành từ thực tiễn, sẽ cung cấp nhiều thông tin khái quát, chọn lọc, giúp nhà báo có thể đi “đường tắt” trong quá trình sáng tạo tác phẩm.

Ông Hải Đường trước khi làm báo đã từng làm thơ. Ông yêu thơ từ lúc còn trên ghế nhà trường và bắt đầu làm thơ năm học lớp 8. Ông kể, có lần một phóng viên tạp chí phỏng vấn: "Ông viết báo hay làm thơ trước? Với công việc của một Ủy viên Ban Biên tập tờ báo hằng ngày khá là bận rộn, thời gian đâu ông dành cho nàng thơ duyên dáng, nhưng không kém phần góc cạnh và nhiều khi trái tính trái nết?". Tôi trả lời, khi còn trẻ, làm thơ và viết báo là một niềm thích thú. Khi ấy viết ra không nghĩ là để đăng báo. Thấy trong lòng chợt vui, chợt buồn là lấy giấy bút làm thơ. Như vậy là tôi bắt đầu làm thơ từ khi còn đi học phổ thông trung học, sớm hơn rất nhiều so với viết báo.

Những tập thơ của nhà báo Hải Đường được in như “Khoảng lặng”, “Hai bờ thời gian”, “Mùa đi”, “Lãng mạn 4.0”... đều làm cho độc giả và đồng nghiệp chăm chú đọc. Nhà thơ Vũ Bình Lục nhận xét: “Hải Đường là một thi sỹ không chủ trương đổi mới thơ bằng cách xáo trộn chữ nghĩa, chuyển đổi vung vít vị trí của các tổ hợp từ, cố tạo cảm giác lạ. Anh đi theo hướng khác, vẫn giữ được cái thản nhiên của sự bình dị ở lời thưa tiếng gửi, nhưng trong nó phải là sự chuyển động của dòng mạch tư duy, tác động sâu vào trí tuệ người đọc...”. Còn nhà thơ Vương Tâm, khi đọc “Lãng mạn 4.0” cho rằng: “Thi pháp trong thơ của Hải Đường đã được định hình. Anh không chạy theo sự cầu kỳ trong tiến trình đổi mới mà hướng nội với độ hàm súc dồn nén. Từ đây, triết lý nhân sinh được định hình...”. Đó chính là: “Câu thơ chỉ có một dòng/Sống lâu hơn nhiều trang tiểu sử” (Thơ hai câu). Nó đúng với quan điểm về thơ của Vissarion Grigor’evich Belinskij (1811 - 1848), nhà phê bình văn học, nhà chính luận, nhà dân chủ cách mạng, nhà triết học duy vật Nga: “Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật”.

Nhà báo Hải Đường tự nhận “tôi làm thơ không nhiều”, là bởi “thời gian chủ yếu dành cho làm báo”. Và ông cho rằng: Có lẽ hạnh phúc nhất đối với người làm báo là được đi nhiều, đến những miền đất mới, cho ta cảm xúc, cho ta liên tưởng, suy ngẫm những điều mới mẻ. Nhưng cảnh đấy, người đấy chỉ là cái cớ. Cảm xúc, ý tứ lắm khi không rõ rệt, nó chỉ thoáng hay chợt qua, thế là có thể đụng bút. Bài thơ hay được nhìn ở chiều sâu hơn là bề rộng, ở cái tầm triết lý cuộc sống hơn là phản ánh quy mô cuộc sống. Cho nên, “Là nhà báo – nhà thơ, như các anh ở Hội Nhà văn thường bảo: Ông sướng nhất, thơ là định mệnh, báo là định danh. Ông làm báo để nuôi thơ. Thời buổi này, sống bằng thơ thì... không sống được”.

Ai viết báo và làm thơ chả nghĩ như Hải Đường. Trước ông, Chế Lan Viên từng nói: “Bài báo khác với bài văn. Cách làm việc của nhà báo cũng khác nhà văn. Nhưng nhà báo đồng thời có thể là nhà văn, hơn thế, nhà văn nên làm cả một nhà báo” (Trích “Vào nghề” của Chế Lan Viên). Sau này, người cùng thời với ông, cùng quê với ông có nhà báo, nhà thơ Trần Gia Thái. Làm báo cả đời, từ phóng viên đến Tổng Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội, nhưng cuối cùng, nhà thơ Vũ Quần Phương khẳng định: “Căn cước nghệ thuật của Trần Gia Thái sẽ là thơ!”. Nhận xét này làm tôi hiểu, thơ là định mệnh của Trần Gia Thái. Khi “Lời nguyện cầu trước lửa”, “Mưa không mùa” được xuất bản, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm phải thốt lên: “Dòng sông thơ của anh là một dòng sông đắng – vị đắng chát được chắt lọc qua sự trải nghiệm điềm tĩnh của một cây bút có nhân cách và có nghề”.

Tôi vốn là người cùng quê với ông, cùng làm báo, nhưng là thế hệ học trò của ông. Tác phẩm văn chương đầu tiên của ông tôi được đọc chính là truyện ngắn “Hắn là tôi”. Trần Gia Thái viết văn hay làm thơ đều mang nặng tâm tình về nguồn cội. Ông không thể nào thoát được những ám ảnh về cuộc sống nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng đầy mộng mơ của những đứa trẻ vùng quê chiêm trũng Bình Lục.

Ông viết: “Thật đáng sợ khi mọi thứ đều trơn tuột/ Và trong ta xúc cảm chết không mồ” (Sợ). Ông đến với văn chương trước khi đến với nghề báo. Có lẽ, vốn liếng văn chương, tâm hồn văn chương dồi dào, nhiều xúc cảm đó của ông đã giúp cho công việc làm báo của ông uyển chuyển hơn! Và, đương nhiên, ai viết báo và làm thơ giỏi đều có chung một con đường phát triển ấy!

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy