Mùa Xuân năm Hợi và lễ Tịch điền đầu tiên

Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, nhân dân xã Đọi Sơn (Duy Tiên) lại náo nức những công việc chuẩn bị để hân hoan đón mời du khách thập phương hội tụ về với Lễ hội Tịch điền. Nhân năm Kỷ Hợi 2019, chúng ta hãy hồi cố về năm Đinh Hợi lịch sử cách đây 1.032 năm, khi Hoàng đế Lê Đại Hành lần đầu tiên cày ruộng Tịch điền dưới chân núi Đọi.

Theo quan niệm của người xưa, ngũ cốc là sinh mệnh của muôn dân, là vật quý hệ trọng của quốc gia. Ở một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, dưới các triều đại phong kiến, không ít lễ hội, tục thờ cúng liên quan đến cây lương thực, thể hiện rõ tầm quan trọng của ngũ cốc, thóc gạo trong đời sống cộng đồng.

Theo “Việt lược sử”, cuốn sử có niên đại lớn nhất còn tồn tại đến ngày nay: Năm Đinh Hợi, hiệu Thiên Trù, năm thứ 7 (987), vua Lê Đại Hành bắt đầu cày ruộng Tịch điền ở Đội Sơn, được một lọ vàng bạc, cày ở núi Bà Hối được một lọ nữa, vua đặt tên đất đó là ruộng Kim Ngân. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” (do Ngô Sỹ Liên biên soạn vào thế kỷ XX)  cũng ghi chép rất rõ ràng, cụ thể về sự kiện này, đại ý: Mùa Xuân năm Định Hợi (987), vua Lê Đại Hành lần đầu tiên cày ruộng Tịch điền ở núi Đọi, hay còn gọi là Đội Sơn, được một hũ nhỏ vàng. Năm sau, cày ở núi Bàn Hải được một hũ nhỏ bạc nên vua đặt là ruộng Kim Ngân.

Cuốn “Việt giám thông khảo tổng luận” do Lê Tung (1452- 1514, quê xã An Cừ, nay thuộc thôn Chảy, Liêm Thuận, Thanh Liêm) cũng viết: “Dùng bọn Hồng Hiến, Cự Lạng, Từ Mục, Tử An để làm tả hữu. Cày ruộng Tịch điền ở Long Đọi, mời người xử sỹ ở Tượng Sơn, kén dùng hiền tài, lập ra học hiệu, có đại lược của bậc đế vương” để đánh giá về công tích của vua Lê Đại Hành.

Diễn xướng vua cày ruộng trong Lễ hội Tịch điền. Ảnh: Lương Thế

Như vậy, có thể thấy, các cuốn sử cũ đều ghi chép Lê Hoàn, người sáng lập vương triều Tiền Lê là vị vua đầu tiên dưới chế độ phong kiến Việt Nam tiến hành cày Tịch điền với ngụ ý coi trọng và khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Từ đó, hằng năm cứ vào đầu Xuân, các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn nối tiếp nhau long trọng cử hành nghi lễ Tịch điền, đích thân vua xuống đồng cày ruộng để cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Những vị vua đức cao vọng trọng cởi bỏ long bào, mặc quần áo vải mộc, lội ruộng, xuống đồng cùng trâu cày như những nông dân. Hành động ấy không chỉ thể hiện tư tưởng “gần dân” mà hơn thế nữa là sự coi trọng, quan tâm của các bậc đế vương đến những người nông dân chân lấm tay bùn, đến sự phát triển sản xuất nông nghiệp nước nhà.

Ý nghĩa của lễ Tịch điền còn được vua Thiệu Trị thể hiện trong bài “Thường Mậu quan canh” nhân một lần lên đài quan canh xem các quan cày ruộng: “Chót vót lầu cao giữa khoảng không/Nhìn xa quang cảnh chốn nương đồng/Ba đường dẫn lối khuyên cày cấy/Năm tháng thương người trọng việc nông…”. Tuy vậy, theo dòng biến cố lịch sử, bởi nhiều nguyên do khác nhau nên lễ Tịch điền đã tạm thời bị gián đoạn kể từ thời vua Khải Định nhà Nguyễn.

Sau hàng trăm năm bị gián đoạn, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Duy Tiên) được khôi phục lần đầu vào năm 2009 với tinh thần kế thừa mỹ tục của các bậc tiền nhân, tái hiện huyền tích Lê Đại Hành hoàng đế làm lễ Tịch điền, nhà vua xuống đồng cày ruộng ở chân núi Đọi từ hơn một nghìn năm trước. Từ năm 2009 đến nay, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được tổ chức trang trọng vào mùng 7 tháng Giêng hằng năm.

Lễ Tịch điền được phục dựng theo thứ tự: vua Lê Đại Hành (do một vị bô lão tuổi cao, đức độ của làng Đọi nhập thế, mặc long bào, mang mặt nạ…) cày ba sá đầu tiên, khai mở đất lấy may. Tiếp theo là đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước cày ba sá, lãnh đạo tỉnh cày  năm sá, lãnh đạo huyện Duy Tiên cày bảy sá, lãnh đạo xã Đọi Sơn và các bô lão cày chín sá...

Từng sá cày tinh khôi lật lên cùng tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng những ngày đầu năm mới mang lại hy vọng vào một năm mùa màng bội thu. Cùng với ý nghĩa đó, Lễ Tịch điền Đọi Sơn còn là một lễ hội liên hoàn nhiều nghi lễ và diễn xướng, kết hợp với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao diễn ra trong không gian rộng, từ trung tâm chùa Long Đọi Sơn đến làng Đọi Tam, mang nét đặc trưng văn hóa cộng đồng cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Phần lễ bao gồm: Lễ rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng (Liêm Cần, Thanh Liêm), lễ cáo yết mở cửa đình, lễ  rước nước lên Đàn tế Thần nông, lễ sái tịnh, lễ cầu an trên chùa Đọi, lễ rước kiệu vua Lê Đại Hành, kiệu Thành hoàng làng và kiệu Tổ nghề trống, lễ khai hội Tịch điền, lễ dâng hương trước bàn thờ Thần nông và linh vị vua Lê Đại Hành,… Phần hội bao gồm các hoạt động văn hóa, thể thao mang dấu ấn bản sắc truyền thống đậm nét như: Hội thi trang trí trên mình trâu, tổ chức thi đấu vật, thi đấu cờ tướng, biểu diễn nghệ thuật chèo, trưng bày triển lãm sản phẩm nông nghiệp, làng nghề…

Năm 2019 là năm thứ 11 lễ hội được UBND huyện Duy Tiên duy trì, tổ chức nhằm quảng bá với du khách thập phương về những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của địa phương. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất, bố trí lực lượng đã được lên kế hoạch cụ thể, bảo đảm một mùa lễ hội đúng quy mô, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương đến tham gia, chiêm bái, thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Lễ Tịch điền mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nêu cao truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đó là từ vị vua đầu triều cũng như dân đều yêu mến làm việc, coi trọng nông nghiệp theo tinh thần “thực túc, binh cường”, phát triển đất nước. Vì vậy, việc phục hồi nghi lễ này không chỉ nhằm ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân, tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn phù hợp với chủ trương chính sách phát triển nông nghiệp của Đảng, Nhà nước, một thế mạnh của nước nhà.

Thanh Vân

Thanh Vân, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy