Từ đầu năm đến hết tháng 3 âm lịch, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội và các hoạt động phục vụ nhu cầu du xuân của nhân dân. Để các hoạt động diễn ra đúng quy định, bảo đảm an ninh, an toàn, đúng thuần phong mỹ tục, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã thành lập Đoàn kiểm tra các lễ hội, di tích văn hóa lịch sử, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, tập trung vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024.
Đoàn kiểm tra đã phối hợp với phòng văn hóa và thông tin (VH&TT) các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội, công tác chuẩn bị đón tiếp du khách tại một số di tích, khu, điểm du lịch trọng điểm như: Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương, Hội xuân Tam Chúc, chùa Đọi Sơn, chùa Tiên, chùa Địa Tạng Phi Lai, đền Trúc – Ngũ Động Sơn, chùa Bà Đanh – núi Ngọc, cụm di tích đền Vĩnh Sơn – chùa Hàm Long, Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện động viên cán bộ và nhân dân Hà Nam chống hạn, Khu Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến…
Tại các nơi kiểm tra, đoàn đã đề nghị phòng VH&TT các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cấp chính quyền địa phương chỉ đạo Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội thực hiện tốt các văn bản của Trung ương, của tỉnh, của ngành trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội và khai thác giá trị di tích lịch sử, văn hóa; công tác đón tiếp du khách nhân dịp đầu xuân tại các di tích, khu, điểm du lịch như: Luật Du lịch; Luật Di sản văn hóa; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và các nghị định, thông tư, chỉ thị, công văn… có liên quan.
Với các lễ hội, qua kiểm tra đều cho thấy sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền địa phương, Ban tổ chức lễ hội và nhân dân.Các lễ hội đều được Ban tổ chức xây dựng kế hoạch, kịch bản, có sự phân công cụ thể cho từng thành viên, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, lực lượng tham gia tổ chức lễ hội, công tác vệ sinh môi trường, xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, công tác tuyên truyền cổ động về giá trị văn hóa, lịch sử lễ hội.
Với các di tích, khu, điểm du lịch, Ban quản lý cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án chuẩn bị đón tiếp du khách nhân dịp đầu xuân, chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, bố trí hàng quán gọn gàng, quan tâm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ…
Thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán, đoàn đã kiểm tra thực tế tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương, Hội xuân Tam Chúc, cụm di tích đền Vĩnh Sơn – chùa Hàm Long, đền Trúc – Ngũ Động Sơn, chùa Địa Tạng Phi Lai, đền Lảnh Giang. Qua kiểm tra các lễ hội, hội xuân đều được tổ chức đúng theo quy định, phù hợp với phong tục, tập quán địa phương, bảo đảm an ninh trật tự, công tác đón tiếp du khách chu đáo, thân thiện, bảo đảm vệ sinh môi trường. Theo số liệu từ Sở VH,TT&DL, từ đầu năm đến nay, tổng số khách đến Hà Nam tham quan, du lịch ước đạt gần 3,2 triệu lượt người, tổng thu từ du lịch ước đạt trên 2.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra cũng cho biết vẫn còn không ít những tồn tại như tại một số di tích, khu, điểm du lịch vẫn còn hiện tượng xem bói, chưa niêm yết công khai mức giá trông xe, để đồ hành lễ không bảo đảm mỹ quan, sử dụng nến cốc chưa bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, tiếp nhận công đức bằng hiện vật. Công tác tuyên truyền, quảng bá tới nhân dân và du khách thập phương của một số khu, điểm du lịch mới được công nhận còn hạn chế. Với những hạn chế này, Đoàn kiểm tra đã đề nghị chính quyền địa phương, Ban quản lý các di tích, khu, điểm du lịch tăng cường phối hợp với các cấp, ngành để không xảy ra các hiện tượng lưu hành những ấn phẩm không tem nhãn, đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, hoạt động mê tín dị đoan, ăn xin gây mất trật tự, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích và văn hóa lễ hội; thực hiện niêm yết công khai giá dịch vụ và bán đúng giá niêm yết; thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá tới nhân dân và du khách thập phương về giá trị văn hóa và lịch sử của di tích, lễ hội, khu, điểm du lịch.
Ông Nguyễn Văn Hướng, Phó Chánh Thanh tra Sở VH,TT&DL cho biết: Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, du lịch thì các phòng chức năng của sở phải tăng cường công tác tham mưu cho lãnh đạo sở ban hành các văn bản chỉ đạo trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa; hướng dẫn cơ sở tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo phân cấp quản lý; hướng dẫn tổ chức các hoạt động lễ hội theo đúng quy định của Trung ương, của tỉnh.
Tham mưu lãnh đạo sở ban hành các văn bản hướng dẫn các khu, điểm du lịch tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá tới nhân dân và du khách thập phương về giá trị văn hóa, lịch sử và thực hiện nghiêm các quy định về quản lý khu, điểm du lịch.
Tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành tới nhân dân, khách du lịch góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong giữ gìn, bảo vệ di tích, khu, điểm du lịch. Thường xuyên kiểm tra, nắm bắt các hoạt động VH,TT&DL trên địa bàn, kịp thời tham mưu xử lý sai phạm nhằm giúp các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động, kinh doanh lĩnh vực ngành quản lý thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Chu Bình