Góp phần để bản hùng ca Điện Biên Phủ vang mãi

Một trong những chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) là Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách năm 2024.

 Liên hoan đã kết thúc, nhưng với những cán bộ làm Thư viện tỉnh niềm vui còn đọng lại bởi họ đã được sống trong không khí ngày hội non sông ở nơi 70 năm trước, một chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã diễn ra; được ca những bản hùng ca về cuộc chiến oai hùng; giới thiệu đến công chúng những cuốn sách hay, mang nhiều thông điệp qua mốc son chói lọi này. Đặc biệt, với sự cố gắng, nỗ lực cùng cảm xúc hân hoan, tự hào, Đoàn cán bộ Thư viện tỉnh Hà Nam đã giành được giải Nhất của Liên hoan.

Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách năm 2024 có sự tham gia của 42 đoàn với gần 1.200 cán bộ thư viện đại diện cho hơn 10.000 người làm công tác thư viện của các tỉnh, thành phố và thư viện thuộc lực lượng vũ trang, các trường đại học trong cả nước tham gia. Liên hoan diễn ra tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên với chủ đề: “Điện Biên – Vang mãi bản hùng ca”.

Liên hoan với mục đích tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách quốc tế về ý nghĩa to lớn của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, về đường lối lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng sự chiến đấu anh dũng, hy sinh của biết bao anh hùng, chiến sĩ đã làm nên chiến thắng vĩ đại này. Qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, khát vọng cống hiến trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời, là sân chơi bổ ích để người làm công tác thư viện trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, học hỏi và lan tỏa những mô hình hay, ý tưởng sáng tạo trong hành trình đưa sách tới người đọc.

Phần giới thiệu sách của Đoàn cán bộ Thư viện tỉnh tại Hội sách tỉnh Hà Nam năm 2024.

Tham dự Liên hoan, Đoàn cán bộ Thư viện tỉnh Hà Nam có hơn 20 người tham gia. Theo thể lệ Liên hoan, mỗi đoàn phải dự thi 4 phần: Giới thiệu đội hình; giới thiệu sách, giới thiệu một mô hình mới, hiệu quả trong phát triển văn hóa đọc và phục vụ học tập suốt đời tại địa phương, đơn vị; phần thi năng khiếu. Trong các phần thi, phần thi quan trọng là giới thiệu sách, Đoàn Hà Nam đã chọn tập truyện và ký “Đồng đội” của Thiếu tướng, Tiến sĩ, Nhà văn Nguyễn Chu Phác. Sau Chiến dịch Thượng Lào, Nhà văn Nguyễn Chu Phác tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ phối hợp cùng các đơn vị kéo pháo vào trận địa.

Chị Phạm Thị Tuyết Mai, cán bộ Thư viện tỉnh Hà Nam, với kỹ năng giới thiệu sách xuất sắc đã lấy câu chuyện đắt giá nhất trong tập truyện để làm nổi bật lên những hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Điện Biên. Với chất giọng biểu cảm, Tuyết Mai dẫn chuyện: Một đêm mưa, một khẩu pháo do đơn vị ông phụ trách phải vượt qua đoạn dốc núi gấp khúc. Sau những tiếng hô “Ha..i, ba…!Hai…i, ba này!… Dô…ô ta này!… Giữ chặt lấy càng, đẩy pháo vào vách núi! Chèn, chèn mau lên…” là tiếng thét thất thanh, đầy đau đớn: “Pháo đè lên em rồi! Đau lắm các anh ơi!”. Người chiến sỹ ấy đã hy sinh trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi rừng sâu, núi cao thăm thẳm: “Mọi người không sao quên được, đêm nào đó các chiến sĩ hối hả đưa Giáo về phía sau cứu chữa. Nhưng mới đi được một đoạn ngắn, người Giáo lạnh toát, các chiến sĩ đặt cáng của Giáo nằm xuống ven rừng. Giáo nắm chặt tay tiểu đội trưởng quờ quạng rồi ngừng thở. Tất cả mọi người chung quanh đều nghẹn ngào rưng rưng như muốn khóc. Tiểu đội trưởng vuốt hai hàng mi của Giáo xuống. Giáo yên lặng như người ngủ say. Đôi môi hơi nở ra như đang mỉm cười, vui mừng với giấc mơ tuyệt đẹp. Đồng chí cán bộ và tiểu đội trưởng quấn cho Giáo một tấm vải hoa màu đỏ. Trong ánh đêm mờ mờ, người thanh niên anh dũng đã vĩnh biệt đồng đội. Đêm vắng giữa rừng Điện Biên, một tốp người đứng thành hàng ngang, yên lặng cúi đầu trước nấm mồ đất mới. Xa xa tiếng hò kéo pháo vẫn âm vang trong rừng… Người chiến sĩ đó là Hồ Ngọc Giáo, quê Yên Thành, Nghệ An hy sinh khi kéo pháo vào trận địa”.

Bên cạnh những mất mát hy sinh, ký ức của nhà văn Nguyễn Chu Phác vẫn có những phút giây lãng mạn với bài hát gắn liền với thời trai trẻ mà họ từng hát trong khói súng Điện Biên Phủ, bài hát “Quê em miền trung du” đã tạo nên một sức mạnh tinh thần để chiến sỹ vượt mọi gian khổ, tin tưởng chiến đấu và chiến thắng; là một đêm trời lấp lánh đầy sao, gió nhẹ, hương thơm của những bông hoa rừng từ bản Noong Nhai, sông Nậm Rốm, ven suối khô đưa lên man mác…

Cùng với giọng tuyên truyền sách tràn đầy cảm xúc và những phân đoạn nhập vai nhân vật trong câu chuyện của Tuyết Mai là những hoạt cảnh do các diễn viên của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh phối hợp thực hiện. Những hình ảnh kéo pháo “phải nâng càng pháo cao hơn mặt đất, rồi có lúc lại phải nhịp nhàng vít nòng pháo thấp xuống thì pháo mới di chuyển được trên địa hình phức tạp của núi rừng”; hình ảnh hy sinh của chiến sĩ Hồ Ngọc Giáo, hay những khi đồng đội quây quần bên nhau học chữ, học hát giữa núi rừng Tây Bắc và niềm vui ngày chiến thắng… Những hình ảnh được tái hiện trên nền nhạc những bản hùng ca về Điện Biên Phủ càng làm nên cảm xúc thăng hoa cho tuyên truyền viên hoàn thành trọn vẹn phần thi của mình.

Phần thi tuyên truyền giới thiệu sách của Đoàn cán bộ Thư viện tỉnh Hà Nam trước đó đã được trình diễn tại Hội sách tỉnh Hà Nam năm 2024, được đông đảo các em học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đón nhận và cổ vũ nồng nhiệt. Tham gia Liên hoan, Đoàn cán bộ Thư viện tỉnh Hà Nam đã góp phần đưa bản hùng ca Điện Biên Phủ vang mãi.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy