Chùa Tế Xuyên có tên chữ là Bảo Khám tự, tọa lạc tại thôn Tế Xuyên, xã Đức Lý (Lý Nhân). Đây là một ngôi chùa lớn trong vùng.
Theo ngọc phả, sắc phong còn lưu giữ, chùa được xây cuối thời Lý. Thời Nguyễn, chùa là chốn tùng lâm – sơn môn nổi tiếng, nơi phát xuất nhiều vị cao tăng Phật giáo và còn là nơi trụ trì của nhiều bậc cao tăng miền Bắc thời kỳ này. Chùa nằm trên khu đất cao, có nhiều cây cổ thụ bao quanh. Kiến trúc chùa chính gồm tòa bái đường, gian đệ nhị và hậu cung, hai bên là hai dãy tăng phòng và nhà thờ tổ phía sau tạo thành lối nội công, ngoại quốc hài hòa, kín đáo.
Các công trình chính của Bảo Khám tự không tuân theo một khuôn khổ nhất định, mỗi tòa lại dựng theo một kiểu kiến trúc khác nhau. Tòa bái đường năm gian, hai trái làm theo kiểu chồng diêm hai tầng lợp ngói nam. Cùng với các đầu đao cong vút là hệ thống bờ cánh mềm mại, các con kìm triện tàu lá giắt làm cho chùa mang dáng vẻ cổ kính, nhưng cũng không kém phần uy nghi, bề thế. Bên trong bái đường có bốn hàng cột lim to khỏe gồm 24 chiếc. Hệ thống cột được kê trên các chân tảng đá thắt cổ bồng với những đường gờ chỉ nhấn tỉa công phu. Trong số cột thì có 8 cột cao hơn cả, tạo thành ba gian chồng diêm phía trên. Nối các cột là hệ thống xà dáng soi chỉ, ống tơ mềm mại.
Liền sát với tòa bái đường là năm gian đệ nhị với lối thiết kế ngoài chồng diêm, trong xây cuốn tạo cho công trình vẻ cao, thoáng, hài hòa với tòa bái đường. Trong cùng là toà chữ đinh có 8 gian. Đây cũng là gian có các cấu kiện chạm đầu rồng, lưỡng long chầu nguyệt, mai, trúc hóa long. Hệ thống các vì kèo cùng với 12 cột gỗ lim to khỏe là những cấu kiện chính tạo nên ba gian hậu cung vững chắc.
Ngoài việc thờ Phật, chùa Tế Xuyên còn thờ các vị tổ đã từng tu hành ở đây và vợ của chúa Trịnh Sâm. Vị phu nhân của chúa Trịnh Sâm tên là An Hòa, người Tế Xuyên, bà đã hiến 10 mẫu ruộng vào chùa. Sau này, nhân dân địa phương nhớ công ơn đã cho tạc tượng bốn mùa hương khói.
Bên cạnh giá trị kiến trúc và tâm linh, chùa Tế Xuyên còn được nhiều người biết đến là nơi lưu giữ những ván in kinh Phật.
Qua thống kê, khảo sát năm 2014 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại chùa có trên 1.500 ván in kinh Phật, đứng thứ ba sau chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bồ Đà (đều ở Bắc Giang) về số lượng ván in kinh được lưu giữ. Các tấm ván in kinh ở chùa Tế Xuyên có màu đen bóng do trải qua nhiều lần in, có nhiều kích thước khác nhau. Chữ Hán được khắc trên cả hai mặt tấm ván, kiểu chữ chân, đẹp và sắc nét. Gỗ để dùng làm ván in ở đây là gỗ thị.
Truyền thuyết dân gian cho rằng những cây thị cổ thụ là nơi ngự của thần linh mang oai, tác phúc cho dân thôn, vì vậy gỗ thị vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa mang đặc điểm tự nhiên là loại gỗ có thớ mịn, khi còn tươi rất mềm, dễ khắc, khi khô lại dai bền, ít cong vênh. Tương truyền, trước kia chùa Tế Xuyên và nhiều chùa trong vùng đều có vườn trồng thị lưu niên nên việc khai thác để làm ván in rất thuận lợi.
Kho ván in kinh Phật chùa Tế Xuyên phân theo nội dung thành hai loại: Ván in kinh Tam tạng Phật giáo; ván in các sách truyện, hướng dẫn phật sự và đồ họa. Các ván in kinh nếu phân chia cụ thể hơn có 3 tiểu loại: kinh tạng có 11 bộ, luật tạng 5 bộ và luận tạng cũng gồm 5 bộ. Theo các nhà nghiên cứu, các bộ ván kinh này đều có sự truyền thừa của một số tông phái Đại thừa nổi trội ở Hà Nam xưa mà mỗi tông phái lấy một hoặc một số bộ kinh làm cơ sở. Vị tổ thứ nhất, pháp danh là Tịch viên cư sĩ là người đầu tiên cho in một số kinh sách Phật giáo tại chùa Tế Xuyên. Công việc in được tiếp đến các tổ đời sau. Việc in kinh sách Phật giáo ở chùa Tế Xuyên đã có từ cuối thời Lý, trải qua các thời Trần, Hậu Lê đến nửa đầu thế kỷ XX.
Bên cạnh nội dung kinh Phật, những ván in ở chùa Tế Xuyên còn thể hiện nét tài hoa của nghề in mộc bản cổ truyền của dân tộc. Để có được một tấm ván in đòi hỏi nghệ nhân xưa phải có óc thẩm mỹ tinh tế, bàn tay tài hoa, thông hiểu chữ Hán, chữ Nôm, có tính nhẫn nại và cẩn trọng. Những ván in kinh này rất cần được nghiên cứu kỹ hơn nữa để làm nổi bật lịch sử của Tổ đình Tế Xuyên. Vừa qua, tại hoạt động trưng bày cổ vật tiêu biểu của tỉnh Hà Nam năm 2021, một số ván in kinh Phật chùa Tế Xuyên đã được trưng bày tạo ấn tượng cho người xem về một trong những nghệ thuật in ấn cổ xưa của cha ông ta.
Chu Bình