Người lưu giữ di sản Liễu Đôi

“Hoàn vương ca tích” là sản phẩm của tâm hồn, trí tuệ nhân dân vùng Liễu Đôi, huyện Thanh Liêm. Không ai nghĩ, ở vùng đất nghèo khó, xa xôi ấy lại tồn tại một kho tàng văn hóa cổ, giá trị và có ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần và đời sống văn hóa của nhân dân hàng nghìn năm như thế. Người góp công lưu giữ kho tàng văn hóa đó đến hôm nay là một người bình thường ở xã Thanh Lưu, ông Nguyễn Văn Điềm.

Năm nay ông Điềm đã gần 100 tuổi, da  dẻ vẫn hồng hào, đôi mắt vẫn ánh lên sự tinh anh, nhưng đi lại khó khăn hơn. Nhân dân khu vực biết đến ông bởi ông là thầy thuốc đông y tâm đức, giỏi nghề.

Căn nhà đơn sơ giản dị được ông gìn giữ theo đúng cốt cách sống của mình. Hiệu thuốc của ông không lớn, nhưng cũng đủ để giúp nhân dân  quanh vùng. Phương châm sống được gửi vào đôi câu đối treo trong nhà: Y đạo gia truyền phương cận viễn – Cứu nhân độ thế thọ khang trường. Nghĩa là: Nhà làm thuốc gia truyền có tiếng tăm gần xa – Chữa thuốc cứu người giời ban cho tuổi thọ.

Ông Điềm kể: Nhà ông có nghề thuốc gia truyền, đến đời ông là đời thứ 7. Ông học nghề làm thuốc từ nhỏ. Gia đình khi đó cũng có điều kiện cho ông theo học trường Nguyễn Biểu ở Thành Chung đệ nhất một thời gian. Sau đó, ông ở nhà học Nho do cha dạy với lý do duy trì nghề thuốc của gia đình. Đến giờ, ông  vẫn giữ được nhiều sách quý như: “Y học hiệp môn” của Trương Trọng Cảnh, “Thọ Thế”, “Ngoại cảm thông trị” của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, “Bút hoa y kính”…

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Quang Cẩm trao đổi với ông Nguyễn Văn Điềm (ngoài cùng bên trái) và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Cường trong lễ trao Giải Nguyễn Khuyến lần thứ 7.

Ông Nguyễn Văn Điềm mê sách cổ. Sách cổ trong nhà  được coi là tài sản lớn của cuộc đời ông. Trời phú cho ông có một trí nhớ khá tốt, vốn chữ Hán phong phú nên việc dịch thuật những cuốn sách đó rất thuận lợi.

Ông ngoại ông Điềm là cụ Trương Ngọc Họa, một thầy đồ có tư chất khảng khái, thông minh, trọng sách vở, chữ nghĩa. Trong nhà cụ Họa có nhiều sách quý, trong đó có cuốn Lê Vương. Người Thanh Lưu nói rằng, nếu ai có cuốn sách quý này và giữ được nó sẽ gặp nhiều ân phúc lớn. Vì thế ở đất Thanh Lưu khi đó, khá nhiều người thuộc lòng sách cổ và còn sao chép để cùng nhau lưu truyền.

Năm cụ Họa 87 tuổi, biết mình sắp qua đời đã đưa cuốn sách Lê Vương cho bố ông Điềm giữ. Một thời gian sau, cuốn sách được bên ngoại xin về với lý do đó là sách quý, phải lưu truyền trong dòng tộc. Bố ông Điềm ngay sau đó đã cật lực chép lại toàn bộ trước khi trả bản gốc cho nhà ngoại. Sau mấy lần bên ngoại xây dựng nhà cửa, cuộc sống thay đổi, cuốn sách Lê Vương cũng mất luôn.

Vậy là đến giờ, cả vùng đất Liễu Đôi gồm mấy xã Thanh Lưu, Liêm Cần, Liêm Thuận, Liêm Sơn, Thanh Thủy không ai còn giữ được cuốn sách đó ngoài ông Điềm với bản chép tay mà bố ông để lại. Nhà văn Đoàn Ngọc Hà sau này là người may mắn được tiếp cận sớm nhất với cuốn sách vô cùng sửng sốt về sự tồn tại của cuốn sách này.

Ông nói: Nó quá đồ sộ, tầm vóc và giá trị văn chương. Cuốn sách là một bản trường ca, một bức tranh sinh động, dồn dập những sự kiện khốc liệt và những chiến công vang dội với những nhân vật lịch sử như Ðinh Bộ Lĩnh, Ðinh Ðiền, Nguyễn Bặc, Lê Hoàn, Thiên Cang, Minh Quang, Nhữ Nương, Phạm Lạng (Phạm Cự Lạng), Từ Mục, Dương Thiệu Nga (Dương Vân Nga), Ðinh Tuệ, Lê Long Ðĩnh v.v… và những con người có tên và không tên khác đã làm nên kỳ tích thời ấy, được vẽ lên trong bản trường ca này. Tác phẩm cung cấp cho ta nhiều điều ta chưa từng biết, chưa từng nghe, kiến giải sáng tỏ nhiều điều mà ngàn năm vẫn là những điều lờ mờ trong lịch sử.

Cuốn sách này có giá trị khá với những cuốn sách cổ khác trong nhà ông Nguyễn Văn Điềm. Ông nói, ông giữ nó như giữ tâm phúc của tổ tiên, cuộc sống của ông không cầu vinh hoa mà mong một sự thanh bạch. Ở đất này, nhiều người đã sống như ông. Bởi lẽ, đất Liễu Đôi là một vùng đất cổ, ẩn chứa nhiều giai thoại và trầm tích lịch sử chưa nhiều người biết đến.

Câu chuyện trong cuốn sách Lê Vương là thí dụ. Đó là câu chuyện kể bằng thơ lưu truyền bao đời nay trong nhân dân, được nhân dân thờ phụng nâng niu một cách thiêng liêng với mong muốn gìn giữ cho muôn đời và khẳng định với muôn đời về giá trị lịch sử, văn hóa của nó.

Ông Điềm cũng cho rằng, ngoài việc những người cùng lớp tuổi ông thời trước học thuộc sách Lê Vương phải chép lại để lưu truyền dấu tích một cách chính xác. Có làm như thế mới tránh được việc cuốn sách bị tam sao thất bản khi truyền miệng. Nhưng ai là tác giả của cuốn sách này thì thật khó xác định. Nhưng tên cuốn sách thì không phải chỉ một mà còn tồn tại nhiều tên khác: Sách Lê Vương, sách Thiêng đời Lê Vương, Hoàn Vương tích sử, Hoàn vương ca tích.

Trong quá trình đi tìm một di sản khác ở Liễu Đôi, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Văn Cường đã gặp được ông Điềm. Họ hàn huyên, tâm giao thực sự, trở thành đôi bạn thân thiết và kính trọng nhau. Ông Nguyễn Văn Điềm đã trao lại cuốn sách cho ông Cường với một hy vọng nó đến với cuộc đời, sống với giá trị đích thực lớn lao của nó.

Tại Hội thảo về Lê Hoàn do Tỉnh ủy Hà Nam và Viện Khoa học Lịch sử tổ chức năm 2016, cố Giáo sư Phan Huy Lê nhận xét: Có thể nói đây là một tác phẩm cực kỳ hiếm hoi, đến bây giờ tôi chỉ thấy duy nhất bản trường ca. Tôi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp cho một bản về đọc, thấy rất thú vị. Bản trường ca này dài tới trên 8.000 câu mà diễn tả lại, tất nhiên dưới góc độ của văn học nhưng nó vẫn giữ được cốt cách lịch sử của nó. Tất nhiên, đi vào văn học, bao giờ cũng có sự hư cấu, bao giờ cũng có các tình tiết, câu chuyện của các nhân vật chắp nối lại nhưng nó vẫn giữ nguyên được cốt cách dân gian.

Và dựa vào câu chuyện đó với nền tảng truyền thuyết là thống nhất, ta có thể khẳng định vùng Thanh Liêm là quê gốc của Lê Hoàn, ta khẳng định từ thời ông nội của Lê Hoàn là ở đây, rồi sau đó Lê Hoàn trở về đây rất nhiều lần, đặc biệt là thời gian xây dựng lực lượng quân sự để tham gia sự nghiệp định loạn 12 sứ quân. Còn Thanh Hóa là nơi ông sinh trưởng và sau đó lên làm vua, chúng ta biết là ông ấy về Hoa Lư chứ thời gian ông ở Thanh Hóa không nhiều nhưng để lại dấu tích theo tôi cũng không thể phủ nhận được.

Cuốn sách được đánh giá cao về giá trị lịch sử, giá trị văn học. Câu chuyện về việc giữ gìn và ý thức coi trọng sách quý của nhân dân Liễu Đôi làm chúng ta thấu rõ một điều: Di sản văn hóa được sinh ra từ nhân dân, do nhân dân sáng tạo và bảo lưu, nên đời sống của mỗi di sản cũng phụ thuộc vào ý thức của nhân dân. Cuốn sách được giữ đến hôm nay sau không biết bao nhiêu năm ra đời cho thấy lòng dân luôn hướng về tiên tổ và đất nước với một tấm lòng thủy chung và tôn kính. Nhờ đó mà nhiều di sản văn hóa của dân tộc vẫn được giữ gìn đến hôm nay.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy