Cô đồng Mai Thu Thủy và câu chuyện lan tỏa những giá trị văn hóa của nghi lễ Chầu văn

Mang một vẻ đẹp vừa trong trẻo, vừa ma mị với đôi mắt hút hồn, một tâm hồn thiện lương, Thủy đã đem đến nghi thức hầu đồng một màu sắc mới mẻ, một góc nhìn mới đối với hình thức nghệ thuật dân gian một thời bị cấm đoán, bị coi là mê tín dị đoan.

Tôi biết Thủy qua một đồng nghiệp và cũng xem nhiều giá đồng Thủy hầu qua các kênh youtube nhưng chỉ khi gặp và nghe Thủy tâm sự, mới hiểu hầu đồng với Thủy giống như một nhu cầu tự nhiên, như khí trời, như cơm ăn nước uống hằng ngày vậy. Khi đến với các giá đồng, Thủy như được sống, được trở về với bản ngã. Sau gần 4 năm, vượt qua những bất ổn trong cuộc sống, những “lời ong tiếng ve” của thiên hạ, Thủy không chỉ trở thành một trong những thanh đồng khá “hot” trong giới hầu đồng mà còn được ghi nhận là một trong những người có công truyền dạy và bảo tồn văn hóa truyền thống trong nghi lễ Chầu văn và được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam vinh danh.
Nếu như trước đây, những hoạt động hầu đồng, hầu bóng được coi như những hoạt động mê tín dị đoan thì sau khi nghi lễ Chầu văn được UNESCO công nhận là một trong những hoạt động văn hóa tâm linh trong tín ngưỡng dân gian thờ đạo Mẫu cần được bảo tồn và phát huy, thì nghi lễ Chầu văn mới thực sự có cơ hội phát triển và lan tỏa những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống trong đời sống xã hội.

Tín ngưỡng thờ Mẫu hay tín ngưỡng thờ “Tam Phủ”, “Tứ Phủ” trong đó có nghi lễ hát văn, hầu đồng hiện nay được tôn thờ nhiều trong các lễ hội dân gian, tạo nên một bức tranh hết sức đa dạng và phong phú của đời sống văn hóa tâm linh mang bản sắc riêng của Việt Nam.

Theo nhà nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian Phạm Trọng Lực, nghi lễ Chầu văn trong đạo Mẫu, hay còn gọi là hầu đồng, hiểu một cách đơn giản là hình thức diễn xướng dựa trên cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời ca trau chuốt, cùng các nghi lễ nghiêm trang và hình thức múa để con người có thể giao tiếp với thần linh. Khác với hát ca trù, quan họ cổ hay hát xẩm - hát Chầu văn hầu thánh là sự kết hợp cả dân ca và dân vũ. Hình thức hát văn cũng rất phong phú, gồm hát thờ, hát thi, hát hầu (phục vụ hầu đồng, lên đồng) và hát nơi cửa đền... 

Cô đồng Mai Thu Thủy và câu chuyện lan tỏa những giá trị văn hóa của nghi lễ Chầu văn
Cô đồng Mai Thu Thủy nhận Giấy chứng nhận về những đóng góp và bảo tồn văn hóa truyền thống trong nghi lễ Chầu văn do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tổ chức. Ảnh: Trương Dũng

Thủy chia sẻ, nếu như hầu đồng với nhiều người được coi là một nghề để mưu sinh, thì với cô, hầu đồng chỉ đơn thuần là được trở về với bản ngã, được lan tỏa những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống đến với mọi người, nhất là các bạn trẻ. Mỗi lần hầu đồng, Thủy luôn gửi gắm những nguyện ước vào cõi tâm linh mong được giải hạn, trừ tai ương, cầu cho cuộc sống nhân sinh luôn gặp vạn sự tốt lành…

Một điều đặc biệt, tất cả giá đồng mà Thủy hầu đều không cần phải tập luyện để khớp với cung văn mà hoàn toàn diễn theo ngẫu hứng. Chỉ một vuông chiếu trong một không gian khá chật hẹp với những đạo cụ đơn giản, như: đao, kiếm gỗ; mồi nến, quạt giấy, dải lụa, hương, nến… hàng chục các bóng Quan lớn, Chầu bà, ông Hoàng, bà Chúa, Thánh Cậu, Tiên Cô được Thủy nhập vai khá xuất sắc, dù cô chỉ là “lính mới” trong giới hầu đồng.

Mang một vẻ đẹp vừa trong trẻo, vừa ma mị với đôi mắt hút hồn, một tâm hồn thiện lương, Thủy đã đem đến nghi thức hầu đồng một màu sắc mới mẻ, một góc nhìn mới đối với hình thức nghệ thuật dân gian một thời bị cấm đoán, bị coi là mê tín dị đoan.

Thủy nói: Chỉ khi đến với hầu đồng, tôi mới hiểu, thực ra hầu đồng là chương trình biểu diễn nghệ thuật tâm linh, trong đó diễn viên là thanh đồng, các nhạc công là cung văn. Về cơ bản, các bài hát văn đều có nội dung ca ngợi đất nước, quê hương, đời sống mới, với những chất liệu âm nhạc đặc sắc, tươi vui, sống động được chắt lọc từ âm nhạc cổ truyền. Vì vậy, khi tham dự các giá hầu ta không chỉ được thưởng thức văn hóa văn nghệ truyền thống mà còn thỏa mãn được nhu cầu tâm linh. Đó chính là những giá trị mà nghi lễ Chầu văn nói chung, nghi thức hầu đồng nói riêng muốn lan tỏa… 

Cô đồng Mai Thu Thủy và câu chuyện lan tỏa những giá trị văn hóa của nghi lễ Chầu văn
Một trong những giá hầu của cô đồng Mai Thu Thủy. Ảnh: Trương Dũng

Trải qua bao thăng trầm, nghi lễ Chầu văn, một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian đã tìm được chỗ đứng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của nghi lễ Chầu văn; đồng thời, không để một số nghi thức bị biến tướng thành mê tín dị đoan, nặng về vật chất, trước hết, mỗi người dân nói chung, mỗi thanh đồng nói riêng cần hiểu đúng về tín ngưỡng thờ Mẫu để tự điều tiết các hành vi của mình trong niềm tin thờ Mẫu. Cùng với đó, ngành chức năng, các nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian cần quan tâm sưu tầm nghiên cứu các bài hát Chầu văn để bổ sung vào kho tàng văn hóa phi vật thể. Đồng thời, tăng cường tập huấn để định hướng nhận thức giữ gìn văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc ta đối với những người tổ chức và tham gia các nghi lễ Chầu văn. 

Khép lại những câu chuyện về hầu đồng, về nghi lễ Chầu văn và về “duyên nghiệp” của cô đồng trẻ Mai Thu Thủy, sống chậm một chút, buông bỏ một chút để cảm nhận những giá trị đích thực của cuộc sống, để cùng nhau lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước, yêu nguồn cội qua nghệ thuật hát văn, hầu đồng.                                                     

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy