kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Cần trả lại vẻ đẹp cảnh quan của di tích, danh thắng

Cần trả lại vẻ đẹp cảnh quan của di tích, danh thắng

Từ chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, những năm gần đây, hàng nghìn di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, danh thắng… trong tỉnh đã được nhiều cấp, ngành, cộng đồng làng xã chủ động khai thác các nguồn lực để bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phục dựng bằng nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, đâu đó đã xuất hiện một số việc làm tự phát chưa phù hợp, ít nhiều ảnh hưởng đến cảnh quan di tích, rất cần sự quan tâm tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ từ phía các cơ quan chuyên môn nhằm tiếp tục phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở mỗi cộng đồng, làng quê.

Bộ khung rạp dựng cố định làm mất vẻ mỹ quan của không gian di tích đình Chiềng.

Theo số liệu thống kê của Bảo tàng Hà Nam, toàn tỉnh hiện có 1.784 di tích thuộc nhiều loại hình (di tích lịch sử; di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật; di tích lịch sử lưu niệm sự kiện; di tích lịch sử và thắng cảnh; thắng cảnh…), trong đó có 2 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia; 113 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước các cấp, nguồn kinh phí huy động từ các hình thức xã hội hóa phục vụ công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, khai thác, phát huy giá trị của các di tích cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nhờ đó, hầu hết các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trong tỉnh đã được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phục dựng và khai thác, phát huy giá trị. Đáng tiếc là trong quá trình khai thác, phát huy giá trị di tích, một số ban khánh tiết đã tự phát dựng lên một số kết cấu không phù hợp, ít nhiều làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp cảnh quan di tích.

Đến với đình Chiềng (thôn Chiềng, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2004) dường như ai cũng trầm trồ bởi vẻ đẹp uy nghiêm, hữu tình của địa chỉ văn hóa này. Ngôi đình cổ tọa lạc trên thế đất đẹp, phong quang ở khu vực đầu thôn, nhìn ra cánh đồng, với mái ngói cổ kính rêu phong ẩn hiện hài hòa cùng không gian giếng nước, sân đình và những tán cây lưu niên cổ thụ sum suê, xanh mát. Đáng tiếc là xuất phát từ suy nghĩ coi trọng tính tiện ích, phục vụ công tác tổ chức các hoạt động thường niên của làng nên ban khánh tiết đã cho dựng cố định một bộ khung rạp bằng kim loại (ống tuýp nước) tại khoảng sân lát gạch phía trước đình. Việc làm tự phát tưởng chừng vô hại này đã vô tình làm phá vỡ nét cổ kính, uy nghiêm về không gian cảnh quan di tích. Được biết, một lần có phóng viên đến đây tìm hiểu tư liệu, viết bài giới thiệu về di tích đã phải trình bày với các cụ cao niên trong ban khánh tiết tạm dỡ bộ khung rạp kim loại cố định này xuống mới có thể chụp được bức ảnh đẹp, phù hợp về cảnh quan di tích để minh họa cho bài viết.

Tình trạng trên đây cũng xảy ra tại di tích Từ đường Lương Quận công Trần Như Lân (thôn Thượng Lang, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, Di tích lịch sử được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1995). Từ đường Lương Quận công Trần Như Lân là công trình được xây dựng từ năm Chính Hòa thứ hai 1681 (thờ Quận công Trần Như Lân, một vị quan có công lớn với triều đình thời Hậu Lê), là nơi lưu giữ niềm tự hào của dòng họ Trần Như vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng Ngọc Lũ. Theo ông Trần Như Cảnh (hậu duệ dòng họ Trần Như), ban khánh tiết và dòng họ cũng chỉ nghĩ giản đơn là dựng sẵn bộ khung rạp cố định để hằng năm mỗi khi có hội hè, việc làng vừa đỡ vất vả cho ban tổ chức, vừa tiết kiệm một phần kinh phí, quả thật chưa lường hết đến việc làm ảnh hưởng đến nét đẹp không gian, cảnh quan di tích.

Cung cấp thêm thông tin chung quanh vấn đề này, ông Lại Năng Ý (xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý) cho biết: Trước đây tại Nhà thờ họ Lại Phù Vân (Di tích lịch sử lưu niệm sự kiện cấp tỉnh, nơi lưu giữ niềm tự hào của họ Lại có thành tích tiêu biểu về công tác tòng quân trong kháng chiến chống Pháp, được Bác Hồ gửi thư khen năm 1950), ban khánh tiết cũng đã từng cho dựng một bộ khung rạp cố định tại khu vực sân phía trước tiền đường. Tuy nhiên, khi nhận thấy việc làm này ít nhiều làm mất đi vẻ mỹ quan của di tích, ban khánh tiết đã quyết định không duy trì cố định bộ khung rạp nữa. Sau mỗi lần tổ chức kỷ niệm ngày đón thư khen của Bác Hồ, hoặc giỗ họ, dâng hương tưởng nhớ các vị tiền nhân, bộ khung rạp được tháo dỡ, trả lại vẻ đẹp của nhà thờ, giúp thuận tiện cho khách thập phương khi đến đây tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu lịch sử phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền.

Trên đây chỉ là ba trong số khá nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh thắng trong tỉnh đang (và đã từng) bị ảnh hưởng bởi những việc làm tự phát chưa phù hợp của ban khánh tiết, ban quản lý di tích, danh thắng. Đóng góp ý kiến về vấn đề này, họa sĩ Lê Minh Sơn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam cho rằng: Những việc làm tự phát, chưa phù hợp trên đây rất cần sự định hướng, tư vấn, giúp đỡ và chấn chỉnh kịp thời từ phía cơ quan chuyên môn các cấp, qua đó giúp trả lại sự phù hợp về không gian và vẻ đẹp cảnh quan cho di tích, danh thắng.

Thế Vĩnh

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy