Kể về cuộc đời Đức Phật trên giai điệu “Dạ cổ hoài lang”

Soạn lời mới trên làn điệu dân ca là một hình thức sáng tác, giúp cho nhiều bài ca cổ tiếp tục mạch nguồn sống trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, để thành công, người viết lời mới phải hiểu về ngữ âm, thanh điệu, phong cách làn điệu dân ca… Thượng tọa Thích Nhật Từ đã làm được điều đó khi soạn lời mới về cuộc đời Đức Phật trên giai điệu “Dạ cổ hoài lang”.

Tác phẩm có tên mới “Chuyện Phật Thích ca giáng trần”. Ban đầu, mong muốn phác họa một bức tranh âm nhạc về cuộc đời Đức Phật Thích ca để chào mừng Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc - Vesak 2014 do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Ninh Bình của Thượng tọa Thích Nhật Từ là chọn một làn điệu dân ca Việt Nam nào đó phổ biến nhất để soạn lời mới.

Ông hiểu rằng, tất cả những bài dân ca, những làn điệu dân ca của Việt Nam đều được ra đời từ xã hội nông nghiệp, trong đời sống của người nông dân lam lũ, nghèo khổ các vùng miền. Nó có thể có những chủ đề khác nhau, nhưng vẫn chung những giai điệu mang phong cách riêng.

Và, ông quyết định chọn giai điệu vọng cổ từ “Dạ cổ hoài lang” làm giai điệu nền cho những ca từ viết về cuộc đời Đức Phật. Bài ca cũng gồm 20 câu, ca từ bảo đảm nghiêm luật bằng – trắc, phách nhịp của làn điệu.

Thượng tọa nói: “Tôi không phải là nhạc sỹ và tôi chỉ làm một việc viết lời mới cho một tác phẩm âm nhạc  trên một giai điệu quen thuộc để mang nội hàm mới. Dù vậy, tôi cũng hiểu những nghiêm luật trắc – bằng và nội dung thì tạo ra một sáng tác mới theo điệu nhạc cổ”.

Những ca từ đầu tiên của bài hát: 

“Từ tầng trời đâu xuống

Giáng thế xuống kiếp dương trần

Người thân tướng ham tiên phàm

Mua vui không màng…”.

(Lời của Dạ cổ hoài lang:

“Từ, (là) từ phu tướng

Báu kiếm sắc phán lên đàng

Vào ra luống trông thơ nhạn

Năm canh mơ màng…”.

Thượng tọa Thích Nhật Từ trả lời phỏng vấn báo chí trong những ngày diễn ra Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc - Vesak 2019.

Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ: Về nội hàm bài hát phác họa bức tranh tổng quát về cuộc đời Đức Phật theo hai truyền thống Phật giáo Tiểu thừa và Đại Thừa.

Từ vị trí là vị Bồ Tát ở bầu trời Âu Sức, Thái Tử đã chọn quả địa cầu này làm nơi để giáng trần. Từ đó, được sinh ra, lớn lên, nuôi dưỡng trong một hệ thống giáo dục cao cấp. Dự kiến ban đầu của vua Tịnh Phạn là để Thái Tử trở thành một vị vua yêu nước thương dân, nhưng đến khi Thái Tử trưởng thành đã không chọn con đường làm vua mà chọn con đường dẫn dắt tâm linh. Trải qua những năm tu tập, Đức Phật đã phát hiện ra con đường Trung đạo – con đường trí tuệ, đạo đức và thiền định…

Sự ra đời của Đức Thế tôn mang theo bức thông điệp đề cao trí tuệ, sự hiểu biết và lòng từ bi hướng tới xây dựng một xã hội bình đẳng, không có giai cấp, một xã hội hòa bình, không xung đột chiến tranh, hận thù. Ngài đã đưa ra con đường Trung đạo và sự kết hợp giữa từ bi với trí tuệ là giải pháp hữu hiệu để cùng nhau giải quyết những mâu thuẫn giữa con người với con người, giữa quốc gia với quốc gia trên thế giới. Ngày nay, chân lý đó của bậc Đạo sư Giác Ngộ – Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn tiếp tục là kim chỉ nam và đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của hàng triệu triệu người trên thế giới.

Chọn âm nhạc làm công cụ để chuyển tải những giáo lý Phật giáo đến với phật tử, chúng sinh là cách mà từ lâu Thượng tọa Thích Nhật Từ làm, cho thấy hiệu quả trên con đường hoằng pháp. Bởi, âm nhạc là một phần nhu cầu cuộc sống, là dòng sông tâm hồn để con người gội rửa, tắm mát hay chải chuốt mọi lo toan.

“Dạ cổ hoài lang” là tác phẩm kinh điển của ca cổ cải lương của Cao Văn Lầu, ra đời cách đây tròn 100 năm. Đây thực là một “bài ca nhớ vợ” của Cao Văn Lầu. Bài ca buồn nhưng không bi lụy. Nó được coi như một bản tâm tình của biết bao thế hệ người dân Nam Bộ. Nghe bài hát này, người ta luôn cảm thấu được tiếng lòng khắc khoải chờ mong, thấy được ước mơ, khát khao của chính mình. Thượng tọa Thích Nhật Từ đã tìm thấy sự thiêng liêng trong tư tưởng của bài hát để mượn giai điệu này nói về một sự thiêng liêng khác trong đời sống tâm linh. Và, ông đã thành công.

“Chuyện Phật Thích ca giáng trần” giữ đúng được phong cách của làn điệu vọng cổ, Thượng tọa Thích Nhật Từ còn tinh tế trong sử dụng thanh điệu, ngữ âm bài mới giúp nó hòa nhập nhanh hơn với bản sắc văn hóa vùng của bài ca cổ. Ví như, ông dùng những từ ngữ trong lời mới đều mang âm sắc địa phương Tây Nam Bộ: “Người thân tướng ham tiên phàm” hay “Ôi, tâm ngài quặn đau tứ sanh”…

Đây chính là sự vận dụng vừa sáng tạo, vừa rất bài bản của Thượng tọa Thích Nhật Từ trong nhận thức về âm nhạc truyền thống. Bài ca một lần nữa vang lên trên sân khấu lớn của chương trình nghệ thuật “Đại lộ di sản” diễn ra trước khai mạc Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc - Vesak 2019 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. Bài ca gây sự chú ý đối với những người yêu nhạc cổ Việt Nam và những người quan tâm tới văn hóa Phật giáo.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy