9 tỉnh đồng bằng sông Hồng triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Sáng 6/8, UBND TP Hà Nội phối hợp Ban Tổ chức triển khai cuộc vận động ‘‘Xây dựng văn hóa doanh nghiệp” (BTC 248) tổ chức Hội nghị triển khai cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Hội nghị triển khai cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Tham dự hội nghị triển khai cuộc vận động, có lãnh đạo và doanh nghiệp chín tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã chia sẻ về công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp của mình. Giám đốc Truyền thông Tập đoàn FPT, Bùi Nguyễn Phương Châu cho biết: “Tôn, đổi, đồng, chí, gương, sáng” là sáu chữ xuyên suốt trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp FPT. FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng, góp phần hưng thịnh quốc gia. Từ hơn 10 người lúc mới thành lập năm 1988, đến nay, FPT đã trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh, với 36 nghìn lao động, doanh thu hằng năm đạt 23.214 tỷ đồng.

Còn theo đại diện Tập đoàn Samsung Việt Nam, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tùy thuộc vào quy mô, mục tiêu, tính sở hữu… Làm thế nào để có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nhờ vào tinh thần doanh nghiệp và tinh thần lãnh đạo. Trong đó, lãnh đạo cần chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu của doanh nghiệp. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp sẽ giúp định hướng mọi hành vi của tất cả nhân viên tới mục tiêu chung của tổ chức, nâng cao năng suất làm việc, gắn kết và tạo động lực cho nhân viên.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, văn hóa doanh nghiệp có rất nhiều nội hàm. Trong đó, thương hiệu của doanh nghiệp chính là một phần cốt lõi. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình tới cùng. Văn hóa quan trọng nhất của một doanh nghiệp cần có đó là chữ “Tín” trong quản lý.

Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay chưa tương xứng với tầm quan trọng và vai trò của nó. Còn nhiều doanh nghiệp chưa biết đến, hoặc chưa thật sự tham gia vào cuộc vận động. Còn nhiều doanh nghiệp làm văn hóa doanh nghiệp không theo chuẩn, mang tính phiến diện, đối phó hoặc nặng về tính hình thức, cho nên ít tác dụng và hiệu quả thấp.

Để văn hóa doanh nghiệp đi vào thực chất, nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vấn đề này, trong đó, nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu. Việt Nam cần xây dựng chuẩn quốc gia mới hội tụ những điều tốt đẹp của cả văn hóa truyền thống. Xây dựng cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia và người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp định hướng phát triển theo. Đổi mới và thay đổi văn hóa quản lý, nhất là văn hóa cán bộ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, tại Quyết định số 1846/QĐ-TTg ngày 26-9-2016 của Thủ Tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10-11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, chính thức phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong cả nước.

Nhân dịp này, TP Hà Nội mong nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tỉnh, thành phố, nhất là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân để cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lan tỏa sâu rộng, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, đề cao đạo đức kinh doanh trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế.

Theo nhandan

Duy Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.