Rằm tháng Giêng về Từ đường Nguyễn Khuyến

Năm nay, ngày Rằm tháng Giêng mưa bụi, đậm đà khí tiết Xuân. Trong những dự định chơi xuân của nhiều người, Từ đường Nguyễn Khuyến (thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục) là một trong những điểm đến quan trọng. Bởi, Rằm tháng Giêng là ngày mất của nhà thơ, ngày được chọn là Ngày Thơ Việt Nam. Vì thế, bạn đến Từ đường hôm nay sẽ gặp một không khí lễ nghi khác ngày thường.

Rằm tháng Giêng về từ đường Nguyễn Khuyến
Lối vào sân Từ đường Nguyễn Khuyến.

Trời mưa bụi, con đường vào nhà cụ Tam trở nên ẩm ướt, nhưng lại gợi cảm nhiều chuyện về mùa xuân. Những bông hoa nở trong sương sớm, tiếng gà líu ríu dưới bụi cây, tiếng chân người vội bước trên con đường bê tông dẫn vào nhà cụ… làm ai đó yêu thơ Nguyễn Khuyến không thể không thầm đọc trong tâm những vần điệu của “Ngày xuân dạy các con”, “Xuân nhật”… Cảm giác nhớ làng, nhớ những cảnh vật xưa cũ, nhớ mùa xuân năm nao. Đây rồi “Môn tử Môn” – cửa ra vào của học trò. Chữ khắc trên cổng vào nhà cụ bao năm tháng vẫn không mờ ẩn ý sâu xa dăn dạy học trò đạo lễ làm trò. Chiếc cổng ấy là một trong những biểu trưng đậm nét nhất ở Từ đường của cụ Tam Nguyên.

Rằm tháng Giêng về từ đường Nguyễn Khuyến
Các đồng chí lãnh đạo huyện Bình Lục, xã Trung Lương và nhân dân dâng hương tưởng nhớ 114 năm ngày mất cụ Tam Nguyên Yên Đổ sáng 15 tháng Giêng, tức ngày 5/2/2023.

Rạp bắc ở sân, dưới bóng mấy cây cổ thụ che mưa cho các đoàn vào hành lễ. Năm nay, xã Trung Lương đứng ra tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ 114 năm ngày mất của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.

8h sáng, các đồng chí lãnh đạo huyện Bình Lục và xã Trung Lương bắt đầu nghi thức dâng hương truyền thống, đọc diễn văn nhắc nhớ công lao và những đóng góp của nhà thơ với sự nghiệp văn học, văn hóa nước nhà.

Được mệnh danh là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam, nhưng trong tâm thức, trái tim của người Yên Đổ Bình Lục, ông được gọi với cái tên thân thương, gần gũi “cụ Tam”. Cả cuộc đời theo nho học, nỗ lực vì sự học để cầu mong cống hiến tâm sức cho nước nhà, nhưng không gặp thời, cụ cáo quan về “Vườn Bùi chốn cũ”, an yên với thân phận một sỹ phu yêu nước ở ẩn, ngày trông trời, trông đất trông mây, hòa mình vào đời sống nhân dân chia ngọt sẻ bùi…

Nhà thơ Nguyễn Khuyến đã để lại cho văn học Việt Nam những kiệt tác thơ ca, những giai thoại để đời mang ý nghĩa giáo dục sâu xa. Từ chuyện ứng xử với bà con xóm giềng đến việc dạy con, Nguyễn Khuyến đã làm cho “thiên hạ” phải lặng mình ngẫm nghĩ.

Rằm tháng Giêng về từ đường Nguyễn Khuyến
Nhà giáo Hoàng Xuân Nghiêm, nguyên là giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương chuẩn bị dâng hương cụ Nguyễn Khuyến.

Các thế hệ người Bình Lục nhớ đến ông, tỏ lòng thành kính ông cũng là cách thể hiện mong ước sự học trên vùng đất này mãi mãi không phải là “chuyện chơi”. Tài năng và nhân cách của cụ Tam Nguyên là tấm gương để các thế hệ người dân nơi đây học tập, noi theo. Ông cũng là niềm tự hào của mỗi người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo khó này.

 Tiếng thơm cụ Tam để lại cho người Bình Lục nhiều lắm, nhưng có lẽ nổi bật nhất vẫn là ý chí học hành, cốt cách đôn hậu và nhân văn của một nhà nho yêu nước. Chẳng thế mà, người dân ở nhiều nơi cứ vào ngày này lại trở về Từ đường Nguyễn Khuyến để tôn kính ông và cầu nguyện “sự học”, sự thành đạt của bản thân và con cái mình.

Thầy giáo Nguyễn Đình Minh, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Khuyến (huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) là một trong số những người dành nhiều sự tôn trọng đối với cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Khi ông là hiệu trưởng,  không năm nào nhà trường không tổ chức cho tất cả học sinh khối 12 đến đây vào ngày Rằm tháng Giêng để dâng hương tưởng nhớ nhà thơ. Con đường từ trụ sở UBND xã Trung Lương vào đến Từ đường Nguyễn Khuyến xếp dài những chiếc xe chở trên dưới 400 học sinh, giáo viên của nhà trường.

Ông Minh nói: “Đó là cách giáo dục truyền thống hiếu học, vượt qua khó khăn để học, tôn trọng sự học cho học sinh tốt nhất. Các em đến đây để thấy một làng cảnh Việt Nam trong thơ xưa và nay có gì thay đổi? Hơn tất cả, các em sẽ thấy một “Vườn Bùi chốn cũ” – nơi cụ Tam Nguyên về ở ẩn bình dị, gần gũi mà thanh cao đến nhường nào. Các em đang đứng ở ngưỡng cửa cuộc đời, chuyến đi này cho các em những suy nghĩ về tương lai, về sự lựa chọn con đường sự nghiệp của mình sau này. Dù làm cái gì cũng cần góp phần xây dựng đất nước, giữ được cốt cách văn hóa  con người Việt Nam”

Rằm tháng Giêng về từ đường Nguyễn Khuyến
Nhiều văn sỹ đã đến Từ đường thắp hương cụ Tam Nguyên.

Người trông coi từ đường Nguyễn Khuyến là ông Nguyễn Thanh Tùng, cháu 5 đời của cụ Tam. Ông là người tiếp đón các đoàn khách đến thăm, hướng dẫn và “chỉ giáo” nhiều điều về thân thế, sự nghiệp của cụ Tam. Ai chưa biết nhiều về Nguyễn Khuyến, gặp ông Tùng sẽ biết nhiều hơn.

Ông Tùng kể, dòng họ ông quê gốc Nghệ An, xuất thân là nông dân, có lịch sử hơn 600 năm, đến nay đã được trên 20 đời rồi. Đây là dòng họ có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt. Ở đời thứ hai của dòng họ có cụ Phủ Quân, nhờ học hành đỗ đạt đã trở thành đại tướng, làm đến chức Tể tướng nhà Mạc, ông chính là người ra lập họ ở Vị Hạ.

Sau này, ở thời đại Hồ Chí Minh, con cháu cụ Nguyễn Khuyến còn có GS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên là Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Viện sỹ Nguyễn Mộng Giao… Ông Nguyễn Thanh Tùng năm nay ngoài 80 tuổi, vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn. Hơn 30 năm làm công việc trong coi từ đường, ông là người đã truyền cảm hứng văn chương đến cho biết bao nhiêu người. Ít người biết rằng, tại sao lại gọi khu đất này là vườn Bùi. Ông Tùng giải thích, vốn dòng dõi ông ở Nghệ An, trong vườn nhà lại trồng nhiều cây vối, thứ cây mà người dân xứ Nghệ gọi là cây bùi. Vì thế mới có nghĩa vườn bùi…

Rằm tháng Giêng về từ đường Nguyễn Khuyến
Cổng từ đường mới được sơn lại.

Hóa ra, có những điều rất đơn giản mà không phải ai cũng hiểu được. “Vườn Bùi chốn cũ/ Bốn mươi năm lụ khụ về đây” là như thế! Nguyễn Khuyến viết bài thơ này vào năm 1884 khi ông sắp bước sang tuổi “tri thiên mệnh”, cáo bệnh, không nhận chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên mà chọn nơi vườn Bùi để lui về sống nốt phần đời còn lại cho thanh bạch, gần dân.

Mọi người thắp hương ông, nghe đọc thơ ông xong rồi ra vườn đi một vòng dạo bước trên những lối nhỏ nguyên sơ cây lá. Những hàng giậu trúc, những khóm chuối, những đám sen tàn trên mặt ao, vài tiếng động nhẹ gió thổi lá cây “vèo” xuống ao… gợi nhớ. Học sinh chuyên văn của trường THCS Nguyễn Khuyến đến đây mải mê ngắm ao thu mà để mưa bụi ướt cả mái đầu trông như rắc phấn. Không khí tĩnh lặng đến nao lòng: “Chín sào tư thổ là nơi ở/ Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà/ Trước cửa khói dày non khuất bóng/ Bên tường mưa ít, cúc lưa thưa…”

Rằm tháng Giêng về từ đường Nguyễn Khuyến
Ao thu nhà cụ Nguyễn Khuyến.
Rằm tháng Giêng về từ đường Nguyễn Khuyến
Lối nhỏ trong vườn Bùi...

Mùa xuân đến lạ! Ra khỏi khu vực này là rộn rã mọi âm thanh của đời sống xã hội hiện đại. Nhưng vào đến đây, một mùa xuân cũ còn vẹn nguyên trên nếp nhà cổ. Mấy chùm hoa trước giậu nở trong mưa xuân, nước nhỏ xuống mặt ao nghe như tiếng động năm nào của người câu cá mùa thu…

Rằm tháng Giêng về từ đường Nguyễn Khuyến
Ông Nguyễn Thanh Tùng giới thiệu khu di tích cho du khách.
Rằm tháng Giêng về từ đường Nguyễn Khuyến
Tấm bia đá khắc bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khuyến "Thu Vịnh".

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy