Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bình Lục lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, trọng tâm là thực hiện hiệu quả chủ trương tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất nông sản sạch; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, tạo động lực phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị” - là một trong ba nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Bình Lục đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp; trong đó các mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất tiếp tục được chú trọng duy trì và nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác, bước đầu khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giá trị thấp.
Thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông sản sạch, sau khi tuyên truyền, vận động, thỏa thuận thuê lại được 10 ha đất của trên 30 hộ dân (tại cánh đồng La, thôn Đồng Tập), vụ xuân 2021 HTXDVNN La Sơn bắt đầu triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Tuân thủ nghiêm các quy định đặt ra, trong quá trình sản xuất (với các giống lúa chất lượng cao như: ST25, LT2 kháng bạc lá) HTX không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là sử dụng các phương pháp chăm sóc thủ công, truyền thống, bón phân hữu cơ để không ảnh hưởng đến môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Trong đó, thuốc phòng trừ sâu bệnh được HTX chế biến từ tỏi, gừng, ớt... Qua 3 vụ sản xuất theo quy mô tập trung cho thấy, mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại cánh đồng La, thôn Đồng Tập có nhiều thuận lợi trong ứng dụng khoa học, đưa cơ giới vào đồng ruộng. Hiện, trên diện tích HTX tích tụ, tỷ lệ cơ giới khâu làm đất, khâu gieo cấy (mạ khay, cấy máy), khâu thu hoạch đạt 100%. Ngoài ra, sản xuất theo quy trình hữu cơ đem lại nhiều lợi ích thiết thực, như: đất đai được cải tạo tốt hơn, cân bằng hệ sinh thái môi trường; sức khỏe của người dân được bảo đảm. Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra bảo đảm chất lượng, an toàn, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hữu Dực, Giám đốc HTXDVNN La Sơn cho biết: Tích tụ, tập trung đất đai để nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp. Thời điểm hiện nay, khi giá phân bón tăng cao, nhiều diện tích lúa gieo sạ bị nhiễm lúa lạ ảnh hưởng tới chất lượng, năng suất cây trồng; tỷ lệ lao động nông nghiệp nông thôn chuyển mạnh sang các ngành nghề khác… thì việc tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất theo hướng quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào đồng ruộng… càng cần được quan tâm, đẩy mạnh, nhất là với cây lúa. Bởi sản xuất nhỏ lẻ các khoản chi phí đầu tư cao hơn, thu nhập của nông dân đạt thấp, thậm chí có vụ nhiều hộ còn chịu thua lỗ nặng.
Được biết, những vụ đầu tiên, sản lượng lúa hữu cơ thu hoạch trên diện tích đã tích tụ, được HTXDVNN La Sơn ký kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Đến ngày thu hoạch, doanh nghiệp về thu mua thóc tươi ngay tại đầu bờ. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị kinh tế, bên cạnh việc tích tụ ruộng đất, thời gian tới, HTXDVNN La Sơn sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa hữu cơ, hướng đưa sản phẩm vào các siêu thị và các cửa hàng bán hàng nông sản sạch trong và ngoài tỉnh... Cùng với đó, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích mô hình; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tập trung ruộng đất, sản xuất quy mô lớn nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Thực tế tại mô hình tích tụ 20ha đất cấy lúa của anh Hoàng Văn Thường, xã Tiêu Động cho thấy rõ hiệu quả của cách làm này. Anh Thường chia sẻ: Diện tích đất tích tụ của gia đình trước đây là vùng đất trũng, xa khu dân cư, hiệu quả sản xuất rất thấp vì hay bị úng lụt, việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy người dân canh tác trên vùng đồng này hiệu quả không cao, thậm chí có vụ còn chịu thua lỗ bởi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ… tôi đã trao đổi, phối hợp cùng với HTX Tiêu Hạ tuyên truyền, vận động nông dân cho thuê đất. Mặc dù vậy, để thuê được đất của các hộ dân, tôi và các đồng chí cán bộ HTX phải mất cả chục cuộc họp với các hộ dân mới đi đến thỏa thuận, thống nhất thuê lại được diện tích 20ha của gần 2.000 hộ dân. Có diện tích lớn, vụ đầu tiên tôi thực hiện gieo sạ trên diện tích đã tích tụ. Qua vụ đầu tiên, nhận thấy những hạn chế của gieo sạ như: Dùng thuốc diệt cỏ nhiều, mất công dặm tỉa… tôi chủ động chuyển sang cấy máy. Đưa cơ giới vào tất cả các khâu sản xuất (làm đất, cấy, gặt bằng máy; phun thuốc trừ sâu bằng máy bay…), liên kết với doanh nghiệp về thu mua thóc tươi ngay tại đầu bờ giá trị thu nhập trên diện tích canh tác cao hơn hẳn so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây.
Nói về mô hình tích tụ ruộng đất tại địa phương, Chủ tịch UBND xã Tiêu Động Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Ngoài mô hình 20 ha của hộ anh Hoàng Văn Thường, hiện trên địa bàn xã có 3 mô hình tích tụ diện tích từ 3ha trở lên. Lợi ích thiết thực của những mô hình này là chi phí đầu tư giảm nhờ đưa cơ giới vào sản xuất, năng suất cây trồng ổn định hơn, đặc biệt sản phẩm được sản xuất tập trung, số lượng lớn có liên kết tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt… so với những diện tích cấy nhỏ lẻ tại địa phương.
Được biết, vụ mùa 2022, mô hình tích tụ ruộng đất của anh Thường được tỉnh chọn làm điểm triển khai thực hiện thử nghiệm sử dụng phân bón Nano Silic. Nếu làm đúng theo quy trình kỹ thuật sẽ giảm được 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật, 50% các loại phân bón khác. Cây lúa đẻ nhánh tập trung, lá lúa cứng, bông to, tỷ lệ hạt chắc cao. Năng suất lúa tăng khoảng 30%, chất lượng lúa được nâng cao. Ngoài ra, sử dụng phân bón Nano Silic giúp cải tạo đất, bảo tồn thiên địch trên đồng ruộng, bảo vệ môi trường... Vụ đầu tiên, doanh nghiệp sẽ tài trợ toàn bộ phân bón Nano Silic và thuốc bảo vệ thực vật. Anh Thường cho biết: Làm nông nghiệp tôi không ngại khó, ngại khổ, tôi sẵn sàng thử nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào đồng ruộng với mong muốn nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị cây trồng.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục, hiện nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 59 mô hình tích tụ ruộng đất, với diện tích 458,5 ha, tại 17 xã, thị trấn, liên kết với 6 doanh nghiệp. Trong đó trồng trọt là 39 mô hình với diện tích 336,93ha. Cùng với tích tụ ruộng đất, những năm qua, Bình Lục chủ động đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, phát triển cây trồng hàng hóa, căn cứ vào thổ nhưỡng, cốt đất của từng vùng, từng xứ đồng và trình độ canh tác của nông dân bố trí cơ cấu giống cây trồng hợp lý để nâng cao năng suất, hiệu quả, giá trị kinh tế.
Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế vẫn còn những tồn tại cần khắc phục, đó là: Quá trình tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Các mô hình tích tụ đang hoạt động còn nhỏ lẻ, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Số lượng doanh nghiệp tham gia liên kết cũng chưa nhiều, chưa trở thành động lực để thu hút người dân vào cuộc.
Đồng chí Trần Xuân Dũng, Chủ tịch UBND huyện Bình Lục khẳng định: Là huyện sản xuất nông nghiệp của tỉnh, mục tiêu quan trọng và xuyên suốt của Bình Lục là không ngừng nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, có như vậy mới từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Thực hiện mục tiêu này, huyện sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp, trong đó quan tâm, đẩy mạnh duy trì và nhân rộng các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có liên kết tiêu thụ... Đây là xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả hơn.
Theo đó, Bình Lục tiếp tục thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất. Ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu, đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, cầu cống, các trạm bơm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với triển khai loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng và du lịch làng nghề. Đổi mới, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các HTXDVNN; nhân rộng mô hình HTX ít thành viên... Tích tụ, tập trung ruộng đất hướng tới xây dựng những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn có liên kết tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao.
Phạm Hiền